Giai điệu tự hào được thực hiện trên cơ sở Việt hóa format Chương trình truyền hình Tài sản quốc gia – chương trình nổi bật nhất, đạt được nhiều thành công vang dội trong vòng 4 năm qua (từ năm 2009-2013) của lịch sử truyền hình Nga.
Trong chương trình, những ca khúc kinh điển được xem như một báu vật tinh thần, một niềm tự hào chung. Mỗi số phát sóng là một lát cắt của một thập niên. Từ ký ức của lịch sử âm nhạc nói riêng, bức tranh lịch sử, đời sống, văn hóa xã hội cũng được khắc họa rõ nét.
Ca sĩ Tân Nhàn sẽ thể hiện ca khúc chủ đề 'Bài ca năm tấn' trong số phát sóng đầu tiên của Giai điệu tự hào.
Ở Nga, Tài sản quốc gia không đơn thuần là một chương trình ca nhạc làm mới các ca khúc đã từng được yêu thích trong nhiều thập kỷ trước, điều đặc biệt nhất của chương trình nằm ở phần tọa đàm của các vị khách mời bình luận thuộc hai thế hệ đối lập.
Sau mỗi tiết mục biểu diễn, họ chia sẻ những quan điểm cá nhân về bài hát, về ký ức văn hóa xã hội. Bởi có những trải nghiệm và quan điểm khác nhau nên những cuộc đối thoại, phản biện lúc tương đồng, khi lại mâu thuẫn đến nảy lửa. Nhưng nhờ có thế, nhân sinh quan, cách tư duy những vấn đề tưởng cũ nhưng lại mang hơi thở thời đại được nêu bật.
Quá trình Việt hóa gian nan
Xem chương trình nguyên gốc, thấy được mức độ ảnh hưởng tích cực và sâu rộng của nó tới toàn bộ xã hội Nga, VTV quyết định mua bản quyền và sản xuất chương trình tại Việt Nam. Tháng 10/2013, quá trình mua format hoàn tất, dự án được chính thức khởi động.
Nếu như những chương trình truyền hình thực tế của Mỹ hay Úc chú tâm xây dựng, chuẩn hóa format nhằm phục vụ cho công tác bán bản quyền cho các quốc gia khác thì ở Nga, công tác chuyển giao bản quyền chưa thực sự phát triển.
Diện mạo của chương trình Tài sản quốc gia ở Nga được hiệu chỉnh dần qua các tập, mùa phát sóng để tiến gần hơn với khán giả. Đây cũng là khó khăn lớn nhất của cả êkíp Việt Nam khi bắt tay vào dự án lần này.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hát 'Cô thợ hàn' trong số đầu tiên.
NSND Quang Thọ thể hiện 'Tôi là người thợ lò'.
Khó khăn thứ hai nằm ở sự khác biệt trong văn hóa tiếp nhận phản biện giữa hai quốc gia bởi đây là một chương trình nghĩ mở, nói thẳng.
Chương trình tôn trọng tuyệt đối quan điểm của các khách mời dù rằng quan điểm ấy có khác biệt hoàn toàn với ý kiến số đông. Và các khách mời bình luận, họ phải thật sự có trình độ, tâm huyết và cả lòng dũng cảm, dám “đương đầu” với những luồng dư luận đối nghịch.
Ekip sản xuất Giai điệu tự hào cũng hy vọng rằng, thông qua chương trình, khán giả truyền hình sẽ dần làm quen với cách nghĩ mở - nói thẳng, những quan điểm trái chiều, đặc biệt khi thế hệ trẻ có những phản biện với thế hệ cha ông đi trước.
Ca sĩ Trần Lập nằm trong danh sách khách mời bình luận trẻ tuổi.
Diễn viên Minh Châu là một trong số các thành viên của Hội đồng bình luận cao niên – trung niên.
Đây có lẽ chương trình đầu tiên ở Việt Nam sẽ không có bất kỳ giới hạn nào trong việc đối thoại giữa hai thế hệ khán giả để họ có quyền bộc lộ quan điểm của mình. Họ thích hay không thích, sự liên hệ của ca khúc với bối cảnh lịch sử, văn hoá, chính trị của thời xưa cũ khiến họ nghĩ gì về cuộc sống và những vấn đề của hôm nay.
Sau mỗi tiết mục ca nhạc, Hội đồng bình luận khách mời (bao gồm các đạo diễn, nhà báo, giáo sư cao niên – trung niên và các nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ đại diện cho thế hệ trẻ) sẽ cùng trò chuyện về cảm xúc của mình xoay quanh ca khúc.
Những tên tuổi xuất sắc, uy tín của từng ngành nghề, đại diện cho hai thế hệ già – trẻ đã được chọn lựa kỹ càng. Những chia sẻ, dù là đồng điệu hay trái chiều, đều xuất phát từ sự tôn trọng, hợp tác.