Giai điệu Tự hào đánh thức “nhạc thị trường” một thời

“Tiến lên chiến sĩ đồng bào” - tiết mục gây tranh cãi đồng thời đang nhận được lượng bình chọn cao nhất. Ảnh: Hải Bá
“Tiến lên chiến sĩ đồng bào” - tiết mục gây tranh cãi đồng thời đang nhận được lượng bình chọn cao nhất. Ảnh: Hải Bá
TP - Một chương trình thành công của truyền hình Nga mang tên Báu vật Quốc gia, tới Việt Nam trở thành Giai điệu Tự hào - với ý nghĩa: mỗi ca khúc khi vang lên sẽ đánh thức niềm tự hào dân tộc, những ký ức lịch sử đáng trân trọng.

Mặc dù theo format nước ngoài nhưng Giai điệu Tự hào không đơn thuần là chương trình giải trí vì cảm xúc và tranh luận mà nó khuấy lên được.

Khán giả, nhất là người cao tuổi đã hát theo những bài hát gắn với quá nhiều kỷ niệm như Những ánh sao đêm, Tôi là người thợ lò… Những giọt nước mắt đã rơi, những giọng bình luận lạc đi vì xúc động. 

Đó là hình ảnh và cảm xúc đẹp mà Giai điệu Tự hào số đầu tiên mang lại. Hiện vật của quá khứ như chiếc cặp lồng cơm hay kẻng làm từ vỏ bom cũng khiến nhiều người xúc động. Và quanh đó, tranh luận nổ ra. 

Vì những cảm xúc trước một giai điệu hay một sự vật lại có phần hơi chênh nhau. Và khách mời bình luận (được chia ra theo độ tuổi) càng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, thì chương trình lại càng thành công.

Bài Cô thợ hàn không nhận nhiều tán thưởng tại trường quay. Có lẽ “cô” gần như đã bị lãng quên. Vậy nhưng nhờ có khách mời bình luận (nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha) mà khán giả hôm nay được biết Cô thợ hàn từng là bài “thị trường” vào thời nó mới ra đời, thường được thanh niên hát trong đám cưới. 

Điều thú vị là cũng nhờ chương trình này mà khán giả biết rằng nhà báo Hữu Thọ “kính trọng” Đàm Vĩnh Hưng theo như lời ông nói sau khi xem “ông hoàng” nhạc thị trường hôm nay thể hiện “nhạc thị trường” thời trước.

Trong một tình thế lịch sử nào đó, những bài hát tưởng chỉ đơn thuần mang tính cổ động cũng có đời sống sâu rộng trong quần chúng. Cũng có bài được coi như mốc son trong lịch sử ca khúc Việt Nam về tính nghệ thuật nay lại bị “hạ bệ” trong chương trình.

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - khách mời bình luận thẳng thắn: “Với tôi Tôi là người thợ lò chỉ đơn thuần là một ca khúc cổ động. Nó hay khi hoàn thành sứ mệnh cổ động chính trị ở quá khứ. Tôi không thấy xúc động khi nghe bài hát này”.

Thiết nghĩ khi nào tổ quốc còn cần than thì Tôi là người thợ lò vẫn còn tiếp tục thực thi nhiệm vụ cổ động. Chưa kể phần âm nhạc “đỉnh cao” đã được thừa nhận của bài hát. Khổ nỗi đã mang thân phận ca khúc, không thể tránh khỏi bị xét đoán qua ca từ. 

Người nghe rung động và có cảm tình dài lâu hay không với ca khúc vẫn là nhờ lời hát. Còn nếu đứng trên quan điểm tư liệu, ca khúc nào cũng đáng quý, nhất là chúng lại có nội dung khác với ngày nay đến thế.

Được biết ê-kip đã quy hoạch xong 12 chủ đề cho năm 2014. Sau số đầu tiên Bài ca năm tấn với những ca khúc nổi bật trong công cuộc xây dựng CNXH thập niên 1960 ở miền Bắc, sẽ là Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình điểm lại những ca khúc nổi bật quanh sự kiện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thập niên 1970. 

Một rừng cây, một đời người sẽ là câu chuyện của phong trào ca khúc chính trị cổ động thanh niên xung phong đi xây dựng các vùng kinh tế mới, hàn gắn vết thương chiến tranh những năm 1980. Chương trình số bốn kể về cuộc chiến tranh nhân dân - “Chín năm làm một Điện Biên”… với tên gọi Ăn no đánh thắng. Chương trình số năm giới thiệu những ca khúc thiếu nhi “kinh điển” như Đi học, Đưa cơm cho mẹ đi cày, Hạt gạo làng ta…

Một yếu tố có thể khiến khán giả trông chờ đó là những bản phối làm mới hoàn toàn các giai điệu cũ. Tàu anh qua núi được chuyển thành nhạc nhảy điện tử, còn thơ chúc Tết của Bác được hát lại trên nền hip-hop kèm phần rap thơ Tố Hữu. 

Mặc dù hình thức này không hề làm thay đổi nội dung lời hát, lại có sức hút với khán giả trẻ, nhưng vẫn có khách mời tại trường quay tỏ ra hơi sốc. Được biết nhạc sĩ Huy Thục đã khéo léo phổ bài thơ rất ngắn của Bác thành một ca khúc mang âm hưởng chèo với những đoạn “lưu không”. 

Tuy nhiên, nhạc sĩ phối khí đã bỏ hoàn toàn những câu nhạc không có lời (chắc để lấy chỗ cho phần đọc rap) khiến ca khúc trở nên sơ sài. Song tiết mục này vẫn dẫn đầu Giai điệu Tự hào số đầu tiên về lượng tin nhắn của khán giả trường quay, nhiều khả năng có mặt trong Gala tôn vinh cuối năm.

 Phần ca nhạc Giai điệu Tự hào số đầu nói chung chất lượng âm thanh tốt, vì tất cả đều được thu sẵn, ca sĩ chỉ việc hát nhép. Gala tổng kết năm sẽ được truyền hình trực tiếp.

Để có mặt trong đêm tôn vinh đó, các ca khúc phải nhận được sự đồng thuận nhắn tin của khán giả tại trường quay (chiếm 70%) và khán giả xem đài. Nhưng rút cuộc không một giải thưởng có giá trị vật chất nào được trao, nên hẳn không lo nạn sim rác?!

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm nay, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).