Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:
Mỗi năm giải quyết 4,7 triệu hồ sơ hành chính
Có thể nói khối lượng công việc của ngành Nội vụ Hà Nội thực hiện trong những năm vừa qua là rất lớn. Hà Nội là đô thị đặc biệt, là Thủ đô của cả nước, nơi có số lượng đơn vị hành chính, doanh nghiệp lớn nhất cả nước với 30 quận, huyện; 584 xã, phường; gần 8 triệu dân. Riêng năm 2013 toàn thành phố đã tiếp nhận gần 4,7 triệu hồ sơ hành chính; Thành phố xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá. Mặc dù nhiều khó khăn như vậy nhưng năm 2013, Hà Nội được Bộ Nội vụ xếp thứ 7 về cải cách hành chính và năm 2014 vươn lên xếp thứ 5 về cải cách hành chính trong cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2014 cũng đã có nhiều cải thiện mạnh mẽ.
Ông Trần Huy Sáng
Công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức có nhiều đổi mới. Thời gian tới, cải cách hành chính vẫn là nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố tiếp tục triển khai ở tất cả các cấp chính quyền; rà soát lại toàn bộ các thủ tục hành chính, tăng cường liên thông giữa các cơ quan, giảm tối đa thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Ngay cả với một số dịch vụ công ích do doanh nghiệp cung cấp như điện, nước, vệ sinh môi trường… cũng đang được rà soát và cải tiến đáng kể.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội:
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng khung
Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa chiến lược và tầm vóc lịch sử. Điều này đã tạo tiền đề để xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Do đó, một trong những đòi hỏi bức thiết của Thủ đô chính là việc hoàn thiện nhanh các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước triển khai và đưa vào khai thác ngay hệ thống hạ tầng khung để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Hiện Sở GTVT đã và đang tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư xây dựng và làm căn cứ cho các quận, huyện, thị xã điều chỉnh bổ sung các quy hoạch xây dựng (quy hoạch GTVT) chi tiết trên địa bàn.
Ông Vũ Văn Viện
Bên cạnh đó, hoàn thành khép kín các tuyến Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 và xây dựng đoạn qua Hà Nội của đường Vành đai 4 cùng các cầu qua Sông Hồng, Sông Đuống nhằm giải quyết nhu cầu giao thông liên tỉnh, giao thông đối ngoại; Hoàn thành việc cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm theo quy hoạch (QL1A, QL6, QL3, trục Tây Thăng Long, trục phát triển kinh tế Bắc - Nam...).
Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục xây dựng, mở rộng theo quy hoạch những trục đường chính đô thị quan trọng như: Vành đai 2,5; vành đai 3,5; tuyến đường 70 (Văn Điển - Nhổn), đường gom phía Đông đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ; trục đê Hữu Hồng; trục Nguyễn Tam Trinh - Kim Ngưu - Lò Đúc...; Xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; Tiếp tục xây dựng một số nút giao thông khác mức trong nội đô để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trong một vài năm tới.
Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội:
Cắt giảm 50% thủ tục cấp sô đỏ cho nhà dự án
Thực hiện mục tiêu cắt giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, kể từ tháng 8/2014, quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với nhà ở tại các dự án đã được cắt giảm tới 50%, trở thành đơn vị đi đầu trong cả nước. Hồ sơ cấp sổ đỏ không phải chuyển về quận nữa mà Văn phòng đăng ký đất đai thành phố thẩm định và chuyển Sở TNMT ký cấp sổ đỏ ngay. Với những trường hợp chủ đầu tư vi phạm thì sẽ tách vi phạm ra xử lý riêng, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà. Trong quản lý đất đai, năm 2014, Hà Nội tiến hành rà soát hơn 800 dự án sử dụng đất để phân loại, xử lý dứt điểm. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý, thu hồi dự án.
Ông Nguyễn Trọng Đông
Thủ tục giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất cũng được cải tiến mạnh. Để kiểm soát việc giải quyết hồ sơ, Sở quy định ứng dụng công nghệ thông tin triệt để như giao việc qua mạng. Tất cả các hồ sơ chậm giải quyết, xử lý không đúng hạn đều lập tức được phát hiện, quy trách nhiệm đến từng cán bộ…
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội:
Xử lý mạnh vi phạm trật tự xây dựng
Về quản lý phát triển nhà, được đánh giá là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của ngành, Sở Xây dựng luôn đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện phát triển nhà ở theo dự án đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị. Giai đoạn 2011-2015, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đạt 15.500 căn (tương đương 1,1-1,5 triệu m2). Đến nay, đã khởi công triển khai 14 dự án nhà thu nhập thấp với tổng diện tích 12,9ha. Dự án xây dựng nhà ở cho công nhân các nhà đầu tư đăng ký được 536.306 m2 đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 56.352 công nhân. Các dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên, đã hoàn thành dự án tại Pháp Vân, Tứ Hiệp, Mỹ Đình II đảm bảo chỗ ở cho 29.364 sinh viên.
Ông Lê Văn Dục
Sở đã thực hiện quản lý nhiều lĩnh vực trọng yếu về dân sinh như thoát nước, hạ tầng kỹ thuật đô thị, cấp nước, vệ sinh môi trường, công viên cây xanh. Sở cũng được thành phố giao thực hiện hơn 100 dự án lớn có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Sở Xây dựng: Tiếp tục rà soát sửa đổi, điều chỉnh các văn bản quản lý đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý nhà ở và công sở, đầu tư xây dựng cơ bản. Tổ chức triển khai thực hiện các quy định quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn; Quy chế quản lý, khai thác vận hành quỹ nhà chung cư... Thời gian tới Sở tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quản lý trật tự đô thị, xử lý mạnh các vi phạm trật tự xây dựng. Nâng cao chất lượng, tăng cường hướng dẫn công tác cấp phép xây dựng để tạo điều kiện cho các tổ chức, công dân xây dựng đúng quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch, theo giấy phép xây dựng...
Ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội:
Tập trung thu hút vốn đầu tư FDI
Dòng vốn FDI vào thành phố Hà Nội trong giai đoạn tới dự báo có xu hướng chuyển dịch theo hướng đầu tư tập trung nhiều hơn vào các ngành sử dụng công nghệ cao, phân phối bán lẻ và dịch vụ khác. Điều này chứng tỏ các tập đoàn lớn đã nhìn nhận Việt Nam như là một thị trường ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cần thực hiện một loạt những giải pháp, nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Cần thúc đẩy công tác qui hoạch, GPMB, hoàn thành quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Khẩn trương hoàn thành các qui hoạch ngành, lĩnh vực và qui hoạch phân khu để các ngành, các đơn vị có cơ sở rà soát và lập danh mục kêu gọi đầu tư. Hỗ trợ thông tin liên quan đến đầu tư và khả năng tiếp cận đất đai; Cung cấp thông tin và hướng dẫn về thủ tục hành chính; đẩy mạnh các kênh trao đổi, cập nhật thông tin.
Ông Ngô Văn Quý
Tôi cho rằng, năng lực thực hiện dự án vẫn luôn là điểm yếu của phía Việt Nam, đặc biệt là những dự án ODA có quy mô lớn, kỹ thuật công nghệ cao. Thành phố Hà Nội đang triển khai dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị có quy mô lớn, hầu hết cán bộ của phía Việt Nam đều chưa có kinh nghiệm, trong khi đó các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị, các hướng dẫn liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ các chủ sở hữu công trình trên mặt đất khi có công trình ngầm xây dựng đi qua còn chưa hoàn chỉnh. Tính đến 30/6/2014 đã có trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư trên địa bàn Hà Nội với 2.950 dự án có tổng vốn đầu tư với 25,7 tỷ USD.
Ông Trương Hải Long, TGĐ Handico:
Phấn đấu thành DN hàng đầu Thủ đô về phát triển nhà
Hai mũi nhọn chính mà Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) tập trung trong thời gian tới là kinh doanh bất động sản và xây lắp. Với gần 70 đơn vị thành viên và hơn 20.000 lao động, Handico đã tham gia mạnh vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản với nhiều phân khúc: nhà thương mại, nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà tái định cư phục vụ các dự án phát triển đô thị. Phát huy lợi thế đó, bám sát các nhiệm vụ mà thành phố giao, tới đây Tổng Cty tập trung mạnh vào hai phân khúc: nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá trung bình. Chúng tôi luôn ý thức rằng, làm doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà còn phải đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội, việc tham gia xây nhà xã hội chính là hiện thực mục tiêu chăm lo nhà ở cho cộng đồng. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, chúng tôi còn tham gia tích cực vào các hoạt động quyên góp, hỗ trợ cộng đồng và hoạt động từ thiện nhiều tỷ đồng mỗi năm.
Ông Trương Hải Long
Trong hoạt động xây lắp, đơn vị cũng không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý để đạt trình độ thi công ngày một chuyên nghiệp, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Chúng tôi chú trọng đến chiến lược đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao để đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của xã hội… Chúng tôi ý thức rằng, đội ngũ cán bộ trẻ vừa có năng lực chuyên môn cao, bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế, có phẩm chất chính trị vững vàng sẽ là nhân tố quyết định thành công của đơn vị. Có thế thấy mục tiêu đưa Handico trở thành doanh nghiệp mạnh, có đóng góp lớn trong việc tạo lập quỹ nhà ở, góp phần thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị của Thủ đô đang thành hiện thực. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để xây dựng Tổng Cty trở thành doanh nghiệp hàng đầu của Thủ đô trong lĩnh vực phát triển nhà ở và đô thị.
Ông Nguyễn Phi Thường, TGĐ Transerco:
Hướng đến một thương hiệu vận tải hàng đầu
Cho đến nay, Transeco đang giữ vị thế của một Tổng công ty hàng đầu của Hà Nội, chủ đạo trong lĩnh vực Vận tải công cộng, Vận tải Liên tỉnh - Du lịch, Bến bãi, Giao thông tĩnh. Luôn tâm huyết mang đến dịch vụ Vận tải an toàn, chất lượng, văn minh, thân thiện và sự hài lòng của khách hàng, hướng tới định vị một thương hiệu vận tải hàng đầu cả nước. Về hoạt động vận tải bằng xe buýt, Tổng công ty tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng luồng tuyến khoa học có tính đến kết nối với hệ thống các phương tiện vận tải khối lớn tương lai. Đảm nhận vai trò chủ đạo, dẫn dắt trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, hiện tại là xe buýt (chiếm 90% sản lượng buýt), sang năm là thêm xe buýt nhanh (BRT) và tương lai là đường sắt đô thị.
Ông Nguyễn Phi Thường
Trong lĩnh vực vận tải Liên tỉnh - du lịch, Transerco đang đổi mới, tái cấu trúc, đầu tư phương tiện và công nghệ nhằm phát triển những thương hiệu mạnh trong lĩnh vực này. Dựa trên những ưu thế của một dịch vụ chất lượng cao với tiêu chí phục vụ: An toàn, tiện lợi, tin cậy, đúng giờ và tận tình chu đáo, cho đến nay, “Tân Đạt” và “Newway” đã trở thành thương hiệu mạnh, bên cạnh đó những “Xe Khách Nam”, “Tân Long”… cũng khẳng định được vị thế và sức cạnh tranh, từng bước khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường vận tải.
Dịch vụ bến bãi, điểm đỗ xe công cộng cũng là lĩnh vực trọng yếu, dẫn đầu của Tổng công ty và đang từng bước khẳng định vai trò “Tiên phong”, tạo nên chuỗi sản phẩm kết nối liên hoàn Vận tải Liên tỉnh - Bến xe- Vận tải nội đô. Bên cạnh các bến xe liên tỉnh truyền thống như: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa đang ngày được hoàn thiện về quản trị, chất lượng, Transerco cũng đang triển khai đầu tư mạnh mẽ các bến xe tại các cửa ô như: bến xe Yên Thường, bến xe Cổ Bi, bến xe Thường Tín, bến xe Hoài Đức - Đan Phượng và các bãi đỗ xe như Mai Lâm, Tam Hiệp, Đền Lừ, Yên Viên, Xuân Phương,...vv.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó TGĐ Hapro:
Hapro - Làm chủ thương trường
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là Tổng công ty Nhà nước (trực thuộc UBND thành phố Hà Nội) hoạt động với 2 lĩnh vực chính: Kinh doanh xuất nhập khẩu và phát triển thương mại nội địa. Đến nay, Hapro đã mở rộng thị trường xuất khẩu tới trên 70 nước và khu vực trên thế giới, với doanh thu khoảng 9.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 400 triệu USD/năm. Về phát triển thương mại nội địa, đã hình thành 2 trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre, 40 Siêu thị, Cửa hàng tiện ích Hapromart, 44 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood, 3 Trung tâm Kinh doanh chợ/chợ đầu mối, trên 100 cửa hàng chuyên doanh điện, điện máy, điện dân dụng, may mặc mang thương hiệu Hafasco, Tràng Thi, Thủy Tạ...
Ông Nguyễn Tiến Vượng
Tổng Công ty có vai trò nòng cốt là mũi nhọn trong việc triển khai thực hiện các chương trình bình ổn giá, cứu trợ bão lụt, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, được thành phố Hà Nội và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao. Tổng Công ty cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, ủng hộ Quỹ vì người nghèo, tặng quà cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, động viên cán bộ chiến sĩ, nhân dân đang sinh sống, làm việc tại huyện đảo Trường Sa... Sau 10 năm hoạt động, Hapro đã và đang khẳng định mình là lá cờ đầu của ngành thương mại Hà Nội với nhiều giải thưởng: “Sao vàng đất Việt”, “Đơn vị xuất khẩu uy tín”, “Doanh nghiệp tiêu biểu Hà Nội vàng”, “Thương hiệu mạnh Việt Nam”, Giải thưởng “Top Trade Service ” các năm do Bộ Công Thương trao tặng; “Top 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam”.
Ông Phạm Đức Hùng, TGĐ Tổng Công ty Du lịch Hà Nội:
Hanoitourist khẳng định bằng thương hiệu
Trong chặng đường hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) luôn năng động đổi mới, đa dạng hoạt động kinh doanh, kết nối cùng các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô, cả nước và quốc tế, từng bước vươn lên khẳng định thương hiệu. Đến nay, Hanoitourist đã trở thành một Tổng Công ty lớn mạnh, có 44 thành viên, Công ty Liên doanh liên kết với nước ngoài và trong nước, Công ty Cổ phần và đơn vị trực thuộc.
Ông Phạm Đức Hùng
Thế mạnh của Tổng Công ty là các hoạt động lữ hành, khách sạn, văn phòng cho thuê, thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí. Có thể kể đến các công ty lữ hành hàng đầu Thủ đô: Công ty Lữ hành Hanoitourist, HanoiToserco, Thăng Long GTC. Trong hơn 10 khách sạn 5 sao của Hà Nội, Hanoitourist nắm giữ cổ phần chi phối của 5 khách sạn nổi tiếng Thủ đô là Sofitel Legend Metropole Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake, Pullman Hanoi, Hilton Hanoi Opera, Hotel De L’Opera.
Ngoài ra, Hanoitourist còn sở hữu và nắm giữ cổ phần chủ yếu của các khách sạn 4 sao: Khách sạn Hà Nội, Hilton Garden Inn. Hanoitourist cũng được biết đến với Toà nhà Văn phòng Hanoitourist tọa lạc ở 18 Lý Thường Kiệt mang phong cách kiến trúc hiện đại, Văn phòng tiêu chuẩn hạng A; Siêu thị Big C Thăng Long (Liên doanh với Tập đoàn Bourbon - Pháp), Công viên nước Hồ Tây. Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cũng là thành viên của nhiều hiệp hội và tổ chức du lịch trong nước cũng như quốc tế. Tổng Công ty liên tục hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, tăng trưởng bình quân 12% - 25%/năm. Vị thế, uy tín, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu Hanoitourist ngày càng được khẳng định tại thị trường trong nước và quốc tế. Tổng Công ty đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba; Cờ luân lưu Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ VH-TT&DL, UBNDTP Hà Nội...
Phương Hoa- Hồng Phúc- Phùng Sưởng- Minh Tuấn- Hạnh Ngân