Lợn bệnh, lợn sề được giết bằng chích điện, tẩm hóa chất thành bò Úc
Quá trình biến những miếng thịt lợn bệnh, lợn sề thành những loại thịt bò thơm ngon, mang cả thương hiệu nước ngoài như Úc, hay thịt bò lai của một bộ phận tiểu thương buôn bán thịt rất tinh vi, với nhiều công đoạn.
Sau một thời gian tìm hiểu và đóng vai là người đi thu mua thịt buôn, PV báo BizLIVE đã phát hiện ra những mánh khóe của những “chủ đại lý” thịt bò giả này.
Ở một số chợ đầu mối tại Hà Nội, các quán bán thịt bò thường thu mua thịt lợn sề thải loại ở các lò mổ với giá rẻ và yêu cầu giết bằng phương pháp chích điện hoặc để ngạt thở chứ không chọc tiết như cách giết thông thường. Với cách giết này, tiết sẽ tụ lại ở các thớ thịt, làm cho thịt có màu đỏ đậm hơn trông rất giống thịt bò.
Thịt lợn sề được thu mua với giá rất rẻ, chỉ khoảng 20.000–25.000 đồng/kg lợn hơi. Đặc biệt với những con lợn đã trải qua nhiều lứa đẻ, thịt dai thì còn được khuyến mãi đi kèm. Sau khi đã thu mua và giết mổ theo cách riêng của mình, cánh tiểu thương này sẽ chọn những tảng thịt lớn, lọc hết mỡ, rồi bỏ những thớ gân trắng đi.
Để có được một miếng thịt bò “chính hiệu”, chủ quán còn phải tẩm ướp để tạo mùi. Theo đó, những “chuyên gia ảo thuật” này sẽ dùng thêm mỡ bò, huyết bò để gây mùi. Nhưng chủ yếu để có hiệu quả và tiết kiệm kinh phí hơn, thì họ hay dùng hóa chất tạo mùi “hương bò”, giá rất rẻ mà giữ được mùi lâu và có tác dụng bảo quản luôn.
Khi PV nhập vai là những người đi mua thịt buôn tìm mua thịt bò giá rẻ, các gian thương đã chứng minh ngay cho những mánh lới của mình bằng việc lập tức bôi lên miếng thịt lợn sề một loại nước phẩm màu được gọi là hương bò được giấu ngay dưới gầm phản thịt.
Chủ sạp thịt còn khuyên thêm, để những khách hàng kĩ tính nhất không nghi ngờ thì cứ vài tiếng lại bôi hóa chất tạo mùi này một lần, để thịt không mất màu cũng như hương vị bò. “Loại hương này rẻ lắm, cả sạp thịt mà có cần 1 gói mấy trăm gram nên không phải lo lắng, mà mùi như thật ấy”, một chủ đại lý thịt bò tư vấn.
Sau tất cả các bước biến hóa đó, các tiểu thương sẽ trà trộn những miếng thịt lợn sề này vào với những miếng thịt bò thật theo tỉ lệ 7:3, nghĩa là chỉ có một phần ba lượng thịt bò xịn, còn lại là thịt lợn sề đã được tẩm ướp hóa phẩm để lừa người tiêu dùng.
Hóa chất không rõ nguồn gốc dùng để tẩm ướp thịt lợn sề thải loại thành thịt bò nhập ngoại.
Nếu người mua là khách lẻ thì các chủ quán lại có những bài PR hấp dẫn khác. Như đây là thịt bò lai, bò Úc, nhìn miếng thịt, màu thịt là thấy khác bò ta nhiều rồi. Đánh vào tâm lý thích đồ ngoại, và hàng bò lai cũng ít người biết nên sẽ khó phát hiện đó là “hàng giả, kém chất lượng”.
“Phải nói là bò lai, bò nhập thì người tiêu dùng mới “thích”, chứ thực chất bò lai cũng chỉ là một loại bò cho năng suất thịt nhiều hơn những loại bò bình thường thôi mà. Bò này họ cũng nuôi công nghiệp lắm, nói thật chứ không bằng bò ta nhà mình đâu nhưng cứ phải nói thế cho lạ, sang miệng”, chủ một cửa hàng thịt bò nói.
Lợi nhuận cao làm mờ mắt, đánh mất lương tâm
Điều nghe đáng sợ nhất là đầu ra của những sản phẩm bẩn này tập trung chủ yếu ở các quán cơm bình dân, cơm sinh viên, và các quán phở bò trên địa bàn Hà Nội.
Trên thị trường, nếu đúng là thịt bò thật thì giá giao động 200.000–260.000 đồng/kg. Bằng việc trà trộn những lợn sề thải loại này, tiểu thương được lãi gấp 3-5 lần bình thường. Nếu rao bán với thương hiệu bò lai, thì lãi còn tăng lên gấp bội. Với mức lợi nhuận như vậy, không một chủ quán nào có thể nỡ lòng từ chối.
Theo chia sẻ của chị Phương Anh, công nhân ở nhà máy thuốc lá trên đường Nguyễn Trãi, có hôm chị bận việc không nấu cơm mang theo được nên ra quán cơm bình dân ăn. Thấy thịt bò xào nhìn rất đẹp mắt nên gọi ăn. Nhưng cắn miếng thịt thấy rất dai và khó nuốt. Sau bữa đó chị về bị đau bụng và nôn mửa. Đi khám thì bác sỹ kết luận là bị ngộ độc thực phẩm. “Từ đó, tôi chẳng bao giờ dám ăn cơm quán nữa, thừa sống thiếu chết vì ăn thịt bò rồi”, chị nói.
Vì là chỗ thân quen, một chị chủ quán phở bò tâm sự thật: “Giờ nhiều quán dùng thịt lợn sề kiểu đó chứ, giá rẻ hơn rất nhiều. Khi chế biến mình phải khéo hơn chút là khách hàng không phát hiện ra đâu. Như thế mới có lãi chứ, giờ thuê quán, rồi thuê nhân viên mỗi tháng cả chục triệu rồi dùng bò thật thì lấy đâu ra lãi nữa. Nhưng yên tâm, cô mà ăn thì chị làm đảm bảo cho, chỗ chị em thì cô khỏi lo lợn sề”, chị chủ cười trấn an.
Để tìm mua những loại hóa chất tạo mùi là việc rất đơn giản, có thể được bầy bán ở những chợ lớn như Đồng Xuân, hay các của hàng tạp hóa, cửa hàng hóa chất trên phố Hàng Buồm. Với đủ loại hương vị, mẫu mã cũng như giá cả thì “siêu mềm”.
Ông Phạm Viết Liên, Cục chăn nuôi và trồng trọt, Bộ Nông nghiệp cho biết: “Việc tẩm ướp hóa chất dù là thịt hay bất cứ đồ thực phẩm nào đều rất độc hại. Những chất này làm hãm sự phát triển của tế bào, để làm thực phẩm tươi nguyên, sẽ gây ra rất nhiều bệnh và đặc biệt là những bệnh liên quan đến thận. Hơn thế nữa, do lợn sề giả bò phần lớn là lợn đã hết khả năng sinh đẻ, được nuôi bằng thức ăn công nghiệp nên trong thịt vẫn có thể chứa các chất tăng trọng chưa đào thải hết, ăn phải sẽ có nguy cơ hấp thụ, tổn hại đến sức khỏe".
Để nhận biết thịt bò thật và thịt lợn sề bị tẩm ướp, chuyên gia này cũng mách nhỏ vài mẹo như thịt bò thật thớ thịt sẽ to hơn, khổ thịt lớn, gân bò, bao gân ở ngoài rất dày. Thịt bò sẽ có độ dính nhiều hơn so với thịt lợn giả. Thịt có tẩm phẩm màu, khi rửa màu sẽ nhạt dần ở phía ngoài.
Ông Liên cũng nhấn mạnh thêm, đó chỉ là những mẹo nhỏ khi mua thịt bò tươi sống, còn nếu được chế biến ở các quán ăn thì thật khó phát hiện. Những mánh lới của các gian thương càng ngày càng tinh vi nhiều khi cũng khó để phát hiện.
Theo một số chuyên gia dinh dưỡng, hóa chất không rõ nguồn gốc dùng để biến hóa thịt lợn sề thành thịt bò lai, bò Úc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng như ngộ độc, suy thận hay lâu dài hơn là ung thư.
Luật sư Hà Đăng, Giám đốc Công ty luật Hà Đăng:
Đối với hành vi “treo đầu dê bán thịt chó" như vậy, không chỉ là hành vi lừa dối mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Việc tẩm hóa chất để biến thịt lợn sề thải loại thành thịt bò là việc làm lừa dối khách hàng và có quy định trong tội hình sự.
Cũng theo điều 72, Luật An toàn thực phẩm thì những tổ chức, cá nhân sản suất kinh doanh thực phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hai phải bồi thường và khắc phục hậu quả.
Với việc tẩm ướp hóa chất như vậy chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và thường tiềm ẩn những chất gây ung thư. Điều đáng nói là ảnh hưởng lâu dài và từ từ chứ không phản ứng ngay nên rất khó để truy cứu trách nhiệm.