Hiệu trưởng thay đổi để trường học hạnh phúc

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa với học trò của mình
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa với học trò của mình
TP - “Hiệu trưởng, nhà quản lý là những người có nhiệm vụ thổi luồng gió mới vào giáo dục Việt Nam trước công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục đang diễn ra”. Đó là quan điểm nổi bật được đưa ra tại buổi tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi” vừa được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 300 hiệu trưởng đến từ Hà Nội và các địa phương.

“Giấc ngủ” 10 năm

Thầy Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định từng sai lầm khi coi trường công lập là hình mẫu theo đuổi. "10 năm đầu sau khi xây trường, tầm nhìn của tôi chỉ đến trường công là hết. Tôi luôn đặt mục tiêu cố gắng được như họ, muốn tỷ lệ học sinh khá, giỏi cũng đạt 60-70%, đến màu cửa sổ tôi cũng cho sơn giống trường công", thầy Hòa nói.

Sau thời gian dài theo đuổi mô hình học tập giống trường công lập, áp lực chạy theo thành tích, thầy Hòa không thu được kết quả như mong muốn khi giáo viên luôn cảm thấy mệt mỏi, trong khi tỷ lệ học sinh khá, giỏi chỉ 30-40%. "Tôi nhận ra mình sai và phải thay đổi, tìm ra con đường đi riêng" – thầy Hoà nói.

Những năm 2000, trong bối cảnh chung, chỉ học sinh có vấn đề về học tập, hạnh kiểm mới bỏ tiền vào trường tư, với vai trò là hiệu trưởng, thầy Hòa đã gặp và thuyết phục giáo viên cần chấp nhận sự thật này, cố gắng chăm sóc học sinh. Là người lãnh đạo cao nhất, thầy cam kết với giáo viên không lấy tỷ lệ học sinh khá, giỏi để đánh giá, xếp loại giáo viên. "Chúng ta dạy học trò cách làm người, không chạy theo thành tích", thầy Hòa khẳng định.

Thầy Hòa chủ trương không dùng quy định hà khắc. Hiệu trưởng không xử phạt hà khắc với giáo viên và giáo viên không áp dụng những hình phạt này với học sinh. Bởi theo thầy, học sinh tìm đến trường tư lúc đó là "những đứa trẻ yếu thế", việc kỷ luật không hiệu quả. Muốn thay đổi, giáo viên phải thương yêu và chăm lo học trò như con mình. "Học tập chỉ là một trong số nhiều năng lực của con người. Các em chưa giỏi trong việc học nhưng còn nhiều năng lực khác. Giáo viên cần phát hiện, mài giũa và khuyến khích học trò phát huy những năng lực đó", thầy Hòa cho hay. Quan điểm của thầy không lấy thành tích là thước đo mà sự tiến bộ của học sinh mới là thang đo chính xác nhất. Các em tiến bộ so với chính các em ngày hôm qua, đây là điều mà thầy theo đuổi và cũng là triết lý giáo dục của hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm. "Sau khi chứng kiến hàng nghìn học sinh ra trường, bây giờ có người là tiến sĩ, trung tá công an quay lại trường cảm ơn, tôi tin rằng mình đã thay đổi kịp thời và đi đúng hướng", thầy giáo 74 tuổi chia sẻ.

Trường học hạnh phúc

Đồng tình với thầy Hòa, GS.Peck Cho, chuyên gia Hàn Quốc - người thiết kế chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi", phân tích nhiều trường học Việt Nam đang "tạo ra sự giận dữ" bằng cách chơi chữ: MAD (Giận dữ) được tạo thành từ ba yếu tố Memorizing (Ghi nhớ), Anlyzing (Phân tích) và Data processing (Xử lý dữ liệu). Vị giáo sư người Hàn Quốc muốn ám chỉ cách dạy học nhồi nhét kiến thức khiến học sinh áp lực, không hạnh phúc khi đến trường.

Theo GS. Peck Cho, các hiệu trưởng cần xác định trong tương lai, môi trường giáo dục chứa đựng sự giận dữ không được chấp nhận. Thầy cô nếu muốn tạo ra trường học hạnh phúc cần tập trung giáo dục cảm xúc cho học sinh, thay vì chỉ dạy kiến thức như trước đây.

Chia sẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu trưởng có vai trò rất đặc biệt, đó là tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh, với những cảm xúc tích cực, giáo viên, học sinh được sáng tạo, được tôn trọng. Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha, tạo được môi trường mọi người thương yêu nhau.

Bộ trưởng đề cập tới 3 nhóm tiêu chí để xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc. Tiêu chí thứ nhất là xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân. Ở đó, không có bạo lực học đường, học sinh được thể hiện cái riêng của mình, được đối xử thân thiện, không phân biệt đẳng cấp hay xếp hạng. Ở đó, các em được phát triển tối đa năng lực của mình, được tôn trọng, không ai bị bỏ rơi; Nhóm tiêu chí thứ hai là trong nhà trường giáo viên phải được sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến. Phải khơi gợi cho các thầy cô giáo sự sáng tạo; Nhóm tiêu chí thứ ba là quan hệ của nhà trường với cộng đồng xã hội, trong đó có những cựu học sinh của nhà trường.

“Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội” - Bộ trưởng nhìn nhận.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.