Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn GAP của dự án Lifsap

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn GAP của dự án Lifsap
Dựa trên định hướng phát triển của dự án Lifsap do Bộ NN-PTNT triển khai, những năm gần đây, ngành chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn GAP tại TPHCM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy trình chăn nuôi heo sạch khép kín đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ chăn nuôi trong chương trình này.

Nuôi heo theo hướng chuyên nghiệp hóa

Ngay từ khi thành lập dự án, mục tiêu chung của Lifsap là nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua việc tăng năng suất cũng như chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.  

Vượt qua những khó khăn bước đầu, hiện dự án đã được đông đảo người chăn nuôi tham gia ủng hộ. Ghé thăm hộ anh Trần Văn Tâm (đường Cây Gõ, ấp Phú Trung, xã An Phú, huyện Củ Chi), thoạt nhìn trang trại nuôi heo cũng giống như những trại heo ở nơi khác. Thế nhưng khi quan sát kỹ sẽ thấy đàn heo nhà anh được nuôi trong điều kiện nhiệt độ ổn định với hệ thống làm mát bằng nước ngay phía đầu trại. Cuối trại là hệ thống quạt hút gió, bên trên có la-phông mái để ngăn nắng nóng cho đàn heo. Ngoài ra, hệ thống thức ăn nước uống cho heo đều được cung cấp tự động.

Theo anh Tâm, chăn nuôi heo trong môi trường nhiệt độ như thế chính là yếu tố quan trọng giúp cho đàn heo phát triển ổn định, hạn chế dịch bệnh. Trước đây, gia đình anh thường lo lắng cho đàn heo của mình mỗi khi trong vùng xảy ra dịch bệnh. Từ khi tham gia dự án Lifsap vào năm 2014, anh đã mạnh dạn cải tạo lại chuồng trại theo quy trình GAP để phát triển đàn nuôi và chăn nuôi khép kín. Nhờ đó, đàn heo phát triển tốt và giảm thiểu bị lây lan dịch bệnh. Cán bộ dự án đã tập huấn cho anh điều kiện vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh sao cho đúng quy trình, cách thức ghi chép nhật ký tiêm phòng, phối giống...; đồng thời, hướng dẫn cách chọn con giống, sử dụng nguồn thức ăn đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, lượng dinh dưỡng cung cấp hàng ngày sao cho phù hợp với chu kỳ phát triển đàn heo...  

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn GAP của dự án Lifsap ảnh 1

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn GAP của dự án Lifsap ảnh 2 Đàn heo nhà anh Tâm được nuôi trong chuồng trại vệ sinh, có hệ thống làm mát và ghi chép nhật ký cẩn thận, đảm bảo đúng quy trình chăn nuôi GAP theo yêu cầu của dự án LIFSAP
Nhiều lợi ích thiết thực

Anh Tâm cho biết: “Chăn nuôi heo theo quy trình GAP giúp người nuôi khắc phục triệt để những nguy cơ xâm nhập của mầm bệnh. Hiện tại gia đình tôi nuôi gần 100 heo nái và 1000 con heo thịt nhưng nếu so với trước đây thì mình giảm bớt được công chăm sóc, tiết kiệm chi phí và mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Không những thế còn có thể tận dụng nguồn phân heo thải ra để thiết kế 2 hầm biogas. Hầm lớn dùng để phát điện giúp tiết kiệm được khoảng 50% tiền điện sử dụng trong nhà. Hầm nhỏ thì lấy chất đốt phục vụ đun nấu, sinh hoạt hàng ngày, đỡ phải mua gas mà còn đảm bảo được vệ sinh môi trường”. 

Từ khi nuôi theo quy trình khép kín, đều đặn mỗi tháng anh Tâm lại xuất chuồng một lứa heo cho công ty An Hạ, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tại thời điểm giá heo hơi đạt 35.000 đồng/ký, mỗi con heo có thể mang lại lợi nhuận khoảng từ 200-400 ngàn đồng. Theo lý giải của anh Tâm, sở dĩ đạt được mức lãi này là do chăn nuôi với số lượng lớn, nhu cầu về lượng thức ăn cao nên anh nhập trực tiếp từ nhà máy thức ăn gia súc, giá rẻ hơn nhiều so với mua từ đại lý. Bên cạnh đó, trang trại anh được An Hạ bao tiêu đầu ra, thu mua với giá cao hơn thị trường.

Hiệu quả mang lại từ quy trình chăn nuôi heo của nhà anh Tâm đã hấp dẫn nhiều hộ nông dân trong vùng học hỏi và áp dụng. Cùng với trại heo của anh Tâm, 14 hộ chăn nuôi khác nằm trong tổ hợp tác xã An Phú của huyện Củ Chi đã tham gia vào dự án để nuôi heo theo hướng khép kín và vệ sinh, đảm bảo con giống tốt, sạch bệnh, thức ăn chăn nuôi an toàn. Tất cả cùng chung một mục tiêu phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cung cấp nguồn thịt heo sạch, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.  

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.