Hiệp sĩ làng Bảo Hà

Xưởng rối tại nhà anh Tuân.
Xưởng rối tại nhà anh Tuân.
TP - Tháng 6 vừa rồi, Đào Minh Tuân được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Thực ra trong con mắt những cộng sự từ lâu anh Tuân đã là nghệ nhân nghề rối. Có người còn nói bẩm sinh anh Tuân đã có tố chất nghệ nhân rồi, có thêm danh hiệu “hiệp sĩ nghệ thuật làng Bảo Hà” thì thêm thôi.

Mọi người thường gọi Đào Minh Tuân là Tuân Rối vì anh là trưởng phường rối Minh Tân làng Bảo Hà (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Người thân quen đều biết nghề rối chỉ là một trong vô vàn tài lẻ của nghệ nhân này.

Xem qua cũng thuổng được nghề

Năm 7 tuổi, Đào Minh Tuân theo học nghề với chú ruột là nghệ nhân điêu khắc Đào Trọng Đạm. Trong lúc học việc đẽo con rối, cậu bé tập chơi các nhạc cụ dân tộc qua các nhạc công phường rối. Năm 11 tuổi, anh được mời đi Hội diễn toàn quốc tiết mục thổi sáo. Sau này nhờ học truyền tay anh chơi được cả guitar, organ, trống.

Lớn lên và được truyền nghề làm rối cạn tại làng Bảo Hà nhưng anh Tuân tự tìm được mọi bí mật liên quan đến nghệ thuật rối nước vốn là nghề cổ truyền của làng Nhân Hòa gần đó. Năm 1997, người dân trong vùng bất ngờ khi anh Tuân lúc bấy giờ là trưởng phòng văn hoá xã đứng ra lập phường rối tại gia lấy tên Minh Tân.

Làm rối nước khó và đắt hơn rối cạn, ngoài ra rối nước đang hút du lịch, đặc biệt khách tây, cho nên ai sở hữu sân khấu rối nước dễ là mục tiêu bị soi mói, cạnh tranh. Nghe nói, người "có trách nhiệm" từ làng rối nước Nhân Hoà nhiều lần sang tìm anh Tuân để điều tra xem anh thuổng nghề cổ truyền của họ từ nguồn gián điệp nào.

Trưởng phường Minh Tân trả lời thẳng “người bên đó sang đây tôi dạy thêm mẹo rối nước cho thì có, sao tôi phải trộm nghề?”. Hỏi anh Tuân “túm lại anh học rối nước từ đâu?”, anh nói “xem là biết”. Anh Tuân sáng tạo ra nhiều tiết mục độc đáo mà chưa một đoàn chuyên nghiệp hay nghiệp dư nào bắt chước nổi. Trò “Cưỡi cá leo cột đốt pháo” độc quyền tại phường Minh Tân cho đến nay vẫn là một kỹ thuật khó hiểu với dân rối nước.

Nghệ sĩ làng đa tài như anh rất hợp và có duyên với các lễ hội. Từ việc trang trí mâm ngũ quả đến làm đèn trời, pháo bông, múa rồng, diễn ảo thuật, hát chèo…anh đều làm được.

Anh Tuân từng có 18 năm cộng tác với Viện Văn hóa Nghệ thuật VN trong hành trình phục dựng lễ hội, các đối tác kể họ từng giao cho anh những đề bài rất khó nhưng lần nào nghệ sĩ làng cũng vượt qua. Đưa cho anh Tuân xem video múa rồng đơn của đoàn võ thuật người Hoa tại Hội An với yêu cầu sáng tạo thành điệu múa rồng đôi; Sau 1 tháng anh Tuân mang đến một cặp rồng đại do anh tạo hình, anh cũng dạy luôn cách múa rồng đôi cho đội quân của làng có lễ hội. Nhìn ké nhóm thợ Bình Đà làm pháo dựng cây bông, anh Tuân về cuốn thử cũng thành công, lại còn sáng tạo ra pháo dây tăng huyền ảo cho trang trí về đêm. Chỉ tiếc trong một lần sơ ý anh để mất hai ngón tay.

Tại lễ hội Lảnh Giang 2009, anh Tuân được đặt hàng tạo hình và dựng màn trình diễn múa rắn trên ao. Bộ ba thần rắn dài gần chục mét được trình diễn theo kỹ thuật rối nước đã đem đến cho khán giả ấn tượng bất ngờ và kỳ ảo. Dự án khiến nhóm nghệ sĩ làng Bảo Hà tự hào nhất là lần họ nằm vùng ở Phú Quốc 3 tháng để thiết kế thủy đình, tạo hình, dựng tiết mục chuyển giao nghệ thuật rối nước và chú Tễu nói hát giọng miền Tây cho nhà văn hoá địa phương.

Năm 2007, anh Tuân chuyển công tác từ phòng văn hóa xã lên Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng làm nghệ sĩ tạo hình rối nước. Trong con mắt đồng nghiệp anh Tuân là người nhiệt tình, có tâm với nghề và nhiều sáng kiến. Ông Đỗ Thế Ban trưởng đoàn bày tỏ sự cảm phục với khả năng tạo hình vẽ con rối sinh động có tính cách của đồng nghiệp từ Bảo Hà. Cũng chính anh Tuân đã tìm ra chất liệu mút xốp cao su thay thế cho rối gỗ sơn son thếp vàng. Nhờ sáng kiến này, diễn viên rối nước điều khiển nhẹ nhàng hơn. Độ bền kéo dài được 6 tháng, trong khi rối gỗ chỉ 2 tháng đã ải mục.

Hồi mới về Hải Phòng, cả đoàn chỉ có anh Tuân và cô kế toán biết sử dụng vi tính.  Học có hai ngày anh Tuân đã thông thạo vi tính và một thời gian sau biết dùng computer ứng dụng làm cảnh cho các chương trình nghệ thuật.

Hiệp sĩ làng Bảo Hà ảnh 1

Tiết mục rối dây mới của Đào Minh Tuân.

Sống sót trong thời của game

Vào đầu những năm 2000, du lịch mở cửa, miếu Bảo Hà nổi danh nhờ phục dựng lại ông tượng đứng lên ngồi xuống, phường rối Minh Tân tấp nập đón khách cả tây và ta. Nhiều nhóm du khách trẻ người nước ngoài về nhà anh Tuân ăn ở học làm và diễn rối. Ao sau nhà thành sàn diễn và lớp học nghệ thuật rối nước cho nhiều đối tượng. Khoảng 5 năm gần đây, do khủng hoảng kinh tế, khách vắng hơn, phường rối cạn truyền thống của Bảo Hà lắt lay gần như đóng cửa, phường Minh Tân may mắn vẫn túc tắc có khách. Anh Tuân vừa đi làm ở Hải Phòng vừa điều khiển mọi việc ở nhà.  

Ngày có suất diễn, từ sáng sớm nhóm diễn viên sang nhà anh kê bàn ghế dựng phông màn. Bà xã anh Tuân cùng nhóm chị em luộc khoai, đóng hộp sẵn để mời khách. Khán giả đa phần là học sinh tiểu học từ các huyện lân cận. Theo lịch trình du khách sẽ vào tham quan đặc sản văn hóa tại miếu Bảo Hà, chiêm ngưỡng ông tượng đứng lên ngồi xuống. Một người đại diện khắc tên đoàn vào quả bưởi, thả xuống giếng ngầm trong miếu rồi cả nhóm ra áo đợi bưởi nổi, vớt lên như một bằng chứng bí ẩn và linh thiêng. Anh Tuân kiêm nhiệm vai thuyết minh di tích trong miếu, đôi khi giải quyết cả những sự cố như quả bưởi quá bé bị mắc kẹt không trôi ra ao được. Gặp hôm trời mưa bão, khách báo hoãn hoặc giảm quân số từ 40 xuống 15 thì các diễn viên vẫn vui vẻ thu dọn rạp.

“Để rối nước cho dân gian sẽ tồn tại mãi mãi, trao cho dân chuyên nghiệp sẽ có ngày mất. Diễn viên chuyên nghiệp có tiền, lương ổn định họ không có phản xạ sáng tạo tìm tòi”. 

Nghệ nhân Đào Minh Tuân

Vào thời đại của game và hoạt hình công nghệ số, trẻ em không mấy mặn mà với rối vậy nên để phường rối làng trụ được là thách thức không nhỏ. Nhiều khoản đầu tư vượt quá khả năng như kinh phí để thay mới một bộ rối nước lên đến 130 triệu đồng, hệ thống sân khấu thủy đình, âm thanh, ánh sáng tốn khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Phục vụ  đoàn khách 40 học sinh xem rối tại nhà, anh Tuân nhận được 2 triệu. Trả công cho diễn viên trung bình 100 nghìn/ người, trừ chi phí mua nước, khoai lang đãi khách, vợ chồng anh còn được từ vài trăm nghìn đến gần một triệu đồng.

Diễn rối là nghề tay trái nên dù cát-sê thấp, các diễn viên làng vẫn trung thành với sở thích của mình. Có những thanh niên nhuộm tóc sành điệu sẵn sàng bỏ buổi làm tiền công cao hơn để diễn rối. Sức hút của nghề truyền thống có lẽ chỉ là một phần, thủ lĩnh đa tài, tận tâm mới là lý do chính qui tụ họ. Mỗi năm phường rối vẫn là khách mời thân quen của Bảo tàng Dân tộc học vào các dịp trung thu, Tết thiếu nhi, Tết Nguyên đán. Thu nhập không cao nhưng được lên thành phố lưu diễn là những xáo trộn tuyệt vời trong nhịp sống đều đều ở làng quê.

Anh Tuân luôn tìm cách thay đổi tạo hình, học hỏi để lồng ghép vào các buổi biểu diễn những màn múa rối dây của Malaysia hay rối Ấn Độ. Mới đây anh vừa chế ra cặp rối dây múa vũ khúc La Tinh mang tinh thần bước nhảy hoàn vũ pha chút dí dỏm. Đã có một số khách đặt hàng mua để chạy sô đám cưới. Với giá 10 triệu, họ được cặp con rối, đồng thời được tác giả dạy cách diễn. Mỗi đám cưới họ thu được 500 nghìn. Mang tiếng vừa làm công chức nhà nước vừa làm du lịch tại nhà, lại thỉnh thoảng đi đánh thuê lễ hội mà kinh tế nhà nghệ nhân vẫn chưa thể gọi là khá giả.

Hồi sinh ông tượng đứng lên ngồi xuống

Theo truyền thuyết, 700 năm trước để tưởng nhớ Linh Lang Đại Vương từng nghỉ qua đêm trên đường hành quân tại làng Bảo Hà sau đó ban phát tiền gạo cho dân, các cụ đã lập miếu làm tượng thờ vị vua. Dân làng có nghề điêu khắc đồ thờ nên tạo ra bức tượng vua có thể đứng lên lúc mở cửa và ngồi xuống khi đóng cửa miếu. Sau đó vài trăm năm, người dân lại cho rằng vua thì không phải đứng lên chào dân, thế là hệ thống máy móc dưới tượng bị phá bỏ rồi biến mất. Tất cả chỉ còn trong giai thoại cho đến năm 1999.

Trong  lần ghé thăm miếu, giám đốc một công ty du lịch nghe anh Đào Minh Tuân kể về lịch sử pho tượng, ông hỏi “Tuân có thể phục dựng lại không? Nếu được thì viết dự án đi”. Anh Tuân cùng người cháu bí thư xã hì hục viết dự án và được lãnh đạo thành phố Hải Phòng duyệt. Tượng cổ vẫn còn các khớp nối, nghe các cụ nói tượng từng hoạt động trên nguyên tắc đòn bẩy và ròng rọc. Trong lúc mày mò, vô tình nhìn thấy kết cấu gấp vào bẻ ra của chiếc ghế Xuân Hòa, anh Tuân reo lên “đây rồi!”. Anh Tuân mở cuộc thi thiết kế kỹ thuật nâng hạ tượng (dựa trên ý tưởng Xuân Hòa) ngay tại làng để tìm ra người thực hiện.

Trong suốt quá trình phục dựng anh giữ vai trò giám tuyển và giám sát, lại chạy cả chứng từ mất rất nhiều công sức mà theo anh nói không hề có ý nghĩ tư túi trong một công việc thú vị đến thế. Từ năm 2000 miếu Bảo Hà trở lại sở hữu ông tượng đứng lên ngồi xuống độc nhất vô nhị tại VN, nhờ đó du lịch làng nghề và làng rối được ăn theo.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.