Giật mình khi biết dị vật gây viêm đau ruột thừa
Bệnh nhân Trần.P.Q ở Hoài Đức nhập viện Hồng Ngọc trong tình trạng bụng đau nhiều, đau dữ dội khi vận động kèm chướng bụng lớn. Tình trạng này đã diễn ra liên tục trong hơn 2 tuần nay nhưng bệnh nhân không đi khám mà chỉ uống thuốc tiêu hóa ở nhà. Đến khi đau nặng ông Q mới được người nhà đưa đi cấp cứu.
Đánh giá lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị viêm phúc mạc khu trú do viêm ruột thừa. Tuy nhiên, trường hợp này có dịch di chuyển tự do trong ổ bụng nên các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị thủng ruột thừa. Ngay lập tức, bệnh nhân được hướng dẫn chụp CT để tìm tận cùng nguyên nhân của vấn đề. Kết quả, bệnh nhân được xác định tổn thương ruột thừa, nghi do dị vật ở phần ngọn gây thủng.
Dị vật đâm thủng ruột thừa, xác định sau mổ là đoạn tăm tre |
BS CKII Nguyễn Giang Lam - BVĐK Hồng Ngọc Yên Ninh - BS trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Q nhận định: “ Trường hợp bệnh nhân Q đến viện trong tình trạng nặng, giải pháp tốt nhất là loại bỏ phần ruột thừa bị viêm đồng thời loại bỏ dị vật nhanh chóng nhất có thể, tránh những biến chứng nguy hiểm”
Sau 45 phút can thiệp, ca phẫu thuật thành công, phần ruột thừa viêm được loại bỏ, bác sĩ cũng xác định dị vật là đoạn tăm dài 7cm bị gãy đôi.
Ngậm tăm tre rồi ngủ quên - cảnh báo thói quen nguy hiểm của nhiều người
Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân Q có thói quen sử dụng tăm tre sau khi ăn. Đặc biệt sau các buổi tiệc rượu, ông thường vừa ngậm tăm vừa ngả lưng nghỉ ngơi nên có thể đã nuốt phải tăm khi ngủ say.
BS CKII Nguyễn Giang Lam – Trưởng khoa Ngoại BV Hồng Ngọc Yên Ninh, nhận định: “Tăm tre là dị vật không tiêu, nếu bị trôi trong ổ bụng rất dễ dẫn đến tổn thương hệ tiêu hóa, đâm thủng dạ dày hoặc đại tràng. Trường hợp bệnh nhân T rất may mắn khi tăm trôi vào đoạn ruột thừa, nên quá trình cấp cứu diễn ra thuận lợi.
Bác sĩ cảnh báo người dân cần chú ý thói quen ngậm tăm |
Cũng theo đó, Bác sĩ Lam cảnh báo “Người dân tuyệt đối không nên ngậm tăm sau xỉa răng, đặc biệt khi ngả lưng, hoặc vừa ngậm tăm vừa nói chuyện…. Trong trường hợp bị hóc tăm hay dị vật không tiêu khác, người dân tuyệt đối không cố gắng lấy bằng tay hoặc nôn ra mà cần nhanh chóng tới bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời, tránh để dị vật trôi sâu xuống gây tổn thương tiêu hóa, khiến quá trình cấp cứu càng phức tạp hơn.”