Đào đường trở thành vấn nạn cho người dân, đến nỗi dịp lễ tết chính quyền thường phải ra lệnh cấm đào đường để người dân đi lại cho thuận tiện. “Đào đường ca” phản ánh nỗi bức xúc của người dân xuất hiện cả trong chương trình Gặp nhau cuối năm 2010.
Vấn nạn này cũng được phản ánh triền miên trên báo chí, vào Google gõ hai chữ “đào đường” thấy tới hơn 58 triệu kết quả.
Thực ra, điệp khúc “lấp xuống, đào lên” nói trên đã được nhiều nước giải quyết từ lâu, đó là các tuy-nen kỹ thuật dùng chung được quy hoạch, xây dựng sẵn dưới lòng đường.
Singapore có quy định rất chi tiết và khoa học về vấn đề này, việc cấp phép thi công, lắp đặt mới của các đơn vị khác nhau thường được đăng ký và lên kế hoạch thống nhất sao cho tránh chồng chéo, lãng phí, không có tình cảnh bên này vừa lấp, bên kia lại tới đào lên như ở ta.
Những lãng phí, bất cập không chỉ xảy ra dưới lòng đất mà ngay cả ở trên không. Trong số hàng ngàn trạm BTS thu phát sóng di động của các nhà mạng đang mọc lên như nấm tại Hà Nội, chỉ có khoảng 20% số trạm được dùng chung cơ sở hạ tầng.
“Cuộc chiến” cột điện, liên quan tới việc cáp viễn thông “đi nhờ” cột điện của EVN cũng từng gây xôn xao dư luận một thời.
Để giải quyết những bất cập trên, ngày 24-9, Chính phủ vừa ban hành Nghị định “Quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng” với 26 điều quy định rất cụ thể, buộc mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ từ 10-11 tới.
Theo đó, mọi việc lắp đặt đường dây, cáp viễn thông, điện lực và chiếu sáng công cộng; đường ống cấp thoát nước, cấp năng lượng sẽ phải sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật chung (HTKTC).
Nguyên tắc sử dụng chung nhằm đảm bảo tính đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm cảnh quan môi trường.
Nghị định (NĐ) quy định rõ, các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho các bên khác có đường ống, cáp mới cùng sử dụng và ngược lại các bên có nhu cầu lắp đặt mới cũng buộc phải dùng hạ tầng chung đã xây dựng.
Vấn đề quy hoạch, đầu tư phát triển HTKTC, thuê và cho thuê HTKTC cũng được quy định rõ ràng.
Như vậy, việc ra đời một NĐ về vấn đề này là hết sức cần thiết, điều lẽ ra cần phải được ban hành từ lâu nhằm giải quyết triệt để những tồn tại nói trên.
Song muộn còn hơn không, hy vọng NĐ về HTKTC sẽ được các cơ quan, ban ngành và toàn xã hội triển khai, thực thi nghiêm túc. Khi đó, vấn nạn đào đường ắt sẽ được dẹp bỏ.