Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm:

Hết cảnh thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi

TP - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành đề án về phát triển sản phẩm du lịch đêm góp phần giải quyết bài toán “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi” cho khách du lịch, đồng thời tăng doanh thu cho du lịch nước nhà.

Tăng chi tiêu, lưu trú

Lãnh đạo Bộ VHTTDL vừa ký quyết định ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Đề án được triển khai nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Đây cũng là hướng đi giúp khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam.

Hết cảnh thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi ảnh 1

Phố du lịch đêm Sa Pa Ảnh: PV

Các hoạt động du lịch đêm được kỳ vọng tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM... có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Riêng các điểm đến Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Đề án do Bộ VHTTDL ban hành đề cập nội dung tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện đề án ít nhất một đêm.

Các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được gợi mở bao gồm hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật như biểu diễn thực cảnh, hoạt động điện ảnh, chương trình âm nhạc, trình diễn ánh sáng, thời trang… Dịch vụ bổ trợ là mua sắm, ẩm thực, thể thao, làm đẹp… Mô hình mua sắm, giải trí đêm bao gồm dịch vụ mua sắm tại chợ đêm, đường phố, hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại. Đáng chú ý, các địa phương này có thể khai thác dịch vụ casino và hoạt động vui chơi có thưởng tại những địa điểm đã được cấp phép.

Các điểm du lịch không chỉ hưởng lợi từ việc du khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn mà còn góp phần gìn giữ, tô đậm văn hóa truyền thống. Hoạt động quảng bá điểm đến cũng hiệu quả hơn, khi du khách có nhiều lựa chọn tham quan, trải nghiệm, mua sắm về khuya. Lâu nay, hoạt động du lịch về đêm như ăn uống, vui chơi không quá xa lạ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chờ định hướng tổng thể, bài bản và đa dạng hơn nhằm hút khách đến những địa điểm tham quan, mua sắm vốn chỉ được quan tâm vào ban ngày.

Hết cảnh thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi ảnh 2

Đề án mới của Bộ VHTTDL đề xuất tăng thời gian mở cửa các hoạt động dịch vụ đêm

“Những địa phương hút khách du lịch như TPHCM còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế như: môi trường trải nghiệm giá trị văn hóa đặc sắc, khám phá bảo tàng ngoài trời, trung tâm mua sắm miễn thuế, quà lưu niệm đa dạng từ chất liệu gốm sứ, đá quý, thủy tinh, mây tre lá, dừa, lục bình, gỗ, sơn mài...”, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Cty TST Tourist cho hay.

"Mỏ vàng" chờ khai phá

Du lịch đêm ở Việt Nam được ví như mỏ vàng chờ khai phá. Ông Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, nhiều hoạt động du lịch được quy hoạch bài bản sẽ phát huy hiệu quả tối đa vào cả ban ngày lẫn ban đêm. “Ban ngày, du lịch địa phương có thể khai thác các điểm tham quan, ẩm thực, mua sắm. Ban đêm cũng có những dịch vụ giải trí tương tự như ẩm thực, mua sắm, ngắm thành phố lên đèn bằng buýt, đường sông, xe điện, du thuyền. Cần thay đổi hiện trạng chung để các địa phương từ chỗ là điểm dừng chân trở thành điểm đến hấp dẫn. Để làm được điều này, ngành du lịch cần sự đầu tư kỹ lưỡng về trí tuệ, chất xám, đồng thời thăm dò và đánh giá đúng trữ lượng cũng như đối tượng thụ hưởng”, ông Mẫn nêu.

Ban đêm là khoảng thời gian các đơn vị kinh doanh, du lịch, thương mại thu hái lợi nhuận. Singapore có diện tích nhỏ, song việc mở rộng du lịch đêm cho khách vui chơi, mua sắm, ăn uống tham quan giúp ngành du lịch nước này đạt doanh thu trên 20 tỷ USD trong năm 2019.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, sau đại dịch, du lịch là hoạt động bù đắp cho những thiếu hụt, tổn thất về doanh thu các ngành kinh tế. “Khách nội địa và quốc tế ngoài việc tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm còn dành thời gian khám phá điểm đến. Điều này dẫn tới nhu cầu tất yếu là kéo dài thời gian hoạt động trong ngày. Từ đó, doanh thu của các dịch vụ chắc chắn tăng lên, không bó hẹp vào những khung thời gian quá ngắn ngủi”, ông Vũ Vinh Phú cho biết.

Du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực trạng nhiều địa phương ngần ngại phục vụ khách du lịch ở khung giờ muộn. Tâm lý này có thể xuất phát từ việc các cơ quan quản lý ở địa phương lo ngại an ninh trật tự cho dân cư tại chỗ. Nhiều chủ nhà hàng còn “đuổi khéo” khách sau 22h. Khách gặp phải tình trạng thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi.

Chính vì vậy, các đơn vị làm du lịch như nhà hàng, khách sạn, địa điểm vui chơi giải trí chưa có sự phối hợp bàn bạc, đề xuất việc phục vụ để có thể tận dụng quỹ thời gian nhằm tăng doanh số và lợi nhuận. Du lịch Việt Nam, nhất là du lịch đêm cần sáng tạo để níu chân khách hàng càng lâu càng tốt. Các chuyên gia hiến kế, cần quy hoạch các tuyến phố đi bộ có phố ẩm thực đặc trưng cho từng vùng miền. Nhắc đến tuyến phố, du khách và người dân địa phương nhớ ngay đến vùng miền đó.

Trong đề án vừa ban hành, Bộ VHTTDL cũng đưa ra các giải pháp đồng bộ như quy hoạch và quản lý đô thị, định hướng thị trường và xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin. Lãnh đạo Bộ nêu sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý đồng bộ và hiệu quả hoạt động du lịch đêm, triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch.

Một số giải pháp cụ thể có thể kể đến tổ chức các chương trình tham quan trải nghiệm, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, thiết lập đường dây nóng hỗ trợ du khách, tăng cường thanh tra, kiểm tra về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá công khai… Đề án đề xuất tăng thời gian mở cửa các hoạt động dịch vụ đêm, xem xét điều chỉnh, cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng, thay vì 2h sáng như hiện nay.

Từ đầu năm 2023, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong top đầu thế giới. Lượng tìm kiếm tăng từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này. Việt Nam có mức tăng trưởng ở nhóm 10% đến 25%, xếp thứ 6 trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á (-10% đến 10%). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 được kỳ vọng bỏ xa con số 8 triệu khách như mục tiêu đề ra trước đó.