Sputnik thông báo, trước đó phát biểu trong một hội nghị ở Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Litva, ông Linas Linkevičius đã kêu gọi phương Tây đưa ra giải pháp chiến dịch về việc xây dựng hệ thống phòng không khu vực tại các quốc gia Baltic, cũng như lên kế hoạch cho các khoản đầu tư quốc gia và các khoản hỗ trợ tài chính của NATO.
Chính trị gia này khẳng định, Litva đã thực hiện những bước đi đầu tiên để củng cố các thành tố trên mặt đất của hệ thống phòng không và đã mua các tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm trung NASAMS của Na Uy.
Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov coi ý định của các nước Baltic nâng cao khả năng phòng thủ của mình nhờ vào các hệ thống phòng không khu vực là một làn sóng “bài Nga” tiếp theo. Đơn giản là các chính trị gia đang nỗ lực nhờ vào sự hỗ trợ của nước khác, cơ bản nhất là Mỹ, để “lấp đầy” càng nhiều vũ khí có thể vào đất nước mình. Tuy nhiên, những quốc gia này không thể đảm bảo được mực độ an toàn cần thiết.
Theo chuyên gia Leonkov, xuất phát từ quan điểm quân sự, sẽ là ngớ ngẩn khi tính tới việc bố trí các hệ thống phòng thủ trong phạm vi tiêu diệt bởi các lực lượng tấn công khác của kẻ thù tiềm năng.
Tất cả các tổ hợp phòng không này, trong trường hợp phát sinh xung đột, ví dụ như nằm trong khu vực hoạt động của hệ thống Iskander/Nga, sẽ bị tiêu diệt bằng những đòn tấn công tên lửa đầu tiên, chuyên gia này khẳng định. Do đó, các phương tiện phòng không mới sẽ là mục tiêu lý tưởng cho tên lửa của Nga trong trường hợp phát sinh xung đột.