Hệ thống ngân hàng Hy Lạp sắp sụp?

Người về hưu chen lấn xếp hàng trước máy ATM tại Athens. Ảnh: Getty Images
Người về hưu chen lấn xếp hàng trước máy ATM tại Athens. Ảnh: Getty Images
TP - Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras có cơ hội cuối cùng để trình đề xuất cải cách lên hội nghị thượng đỉnh khối Eurozone, nhằm thuyết phục các chủ nợ nối lại đàm phán trước khi hệ thống ngân hàng nước này hết sạch tiền, Reuters ngày 7/7 đưa tin.

Cuối ngày 7/7, Thủ tướng Alexis Tsipras phải thuyết phục được nhóm 18 nhà lãnh đạo châu Âu cho phép đàm phán nhanh một khoản vay mới để cứu Hy Lạp khỏi vỡ nợ. Tuy nhiên, giới chức Hy Lạp cho biết, những đề xuất mới của vị thủ tướng thiên tả không có quá nhiều sửa đổi so với kế hoạch gửi khối Eurozone, trước khi người dân Hy Lạp nói không với các điều kiện khắc khổ của Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7.

Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã hối thúc Hy Lạp khẩn trương khởi động lại các cuộc đàm phán hỗ trợ tài chính. Athens cần phải hành động gấp nếu muốn bảo đảm về một cuộc đàm phán cải cách với các chủ nợ và tránh bị sụp đổ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu trước Nghị viện châu Âu rằng, có một số người ở EU công khai hoặc bí mật tìm cách đẩy Hy Lạp khỏi Eurozone. Ông Juncker không nói tên những nhân vật đó là ai, nhưng người ta có thể nghĩ ngay tới Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble. Ông Schaeuble không giấu diếm sự nghi ngờ về tính thích đáng của việc Hy Lạp ở lại khu vực đồng Euro và tuần trước còn gợi ý khả năng Hy Lạp tạm thời rời khỏi eurozone. Thậm chí, ngay tại nước rất thiện cảm với Hy Lạp là Pháp, kết quả một cuộc thăm dò được công bố ngày 7/7 cho thấy 50% người được hỏi muốn Hy Lạp rời khỏi Eurozone.

Kéo dài thời gian đóng cửa ngân hàng

Trước tình cảnh nguy cấp, Hy Lạp quyết định kéo dài thời gian đóng cửa hệ thống ngân hàng tới ngày 9/7 để ngăn nguy cơ cạn kiệt tiền mặt, sau khi nước này bị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ chối bơm thêm tiền. Nếu không được hỗ trợ, hệ thống ngân hàng Hy Lạp sẽ hết tiền trong vài ngày tới và có nguy cơ sụp đổ. Việc này đang làm tăng sức ép buộc Athens tái khởi động đàm phán cứu trợ với châu Âu.

ECB cũng hạn chế việc tiếp cận số vốn hiện tại, giảm định giá tài sản các ngân hàng dùng làm thế chấp. ECB cho biết, chỉ có thể cấp tiền nếu nhận đủ tài sản thế chấp và phải cân nhắc kỹ tình hình tài chính của Hy Lạp, do các ngân hàng này nắm giữ rất nhiều trái phiếu chính phủ. ECB là ngân hàng trung ương cho cả 19 nước khu vực đồng euro. Các quốc gia phải tuân theo quy định chặt chẽ về nguyên tắc hoạt động trong ngân hàng. ECB đã phải nhiều lần tung hỗ trợ khẩn cấp để duy trì hệ thống tài chính Hy Lạp.

Giới hạn rút tiền từ ATM một ngày với các chủ thẻ ngân hàng trong nước vẫn được giữ nguyên ở mức 60 Euro. Các quy định khác về chuyển tiền ra nước ngoài cũng sẽ được gia hạn. Hệ thống ngân hàng Hy Lạp đang cạn tiền rất nhanh. Người dân nước này đã rút hàng chục tỷ euro trong vài tháng qua, do lo sợ kinh tế đổ vỡ. Hy Lạp đã đóng cửa ngân hàng cả tuần trước, buộc ECB đóng băng hỗ trợ thanh khoản.

Một dấu hiệu cho thấy Hy Lạp tha thiết muốn đạt được thỏa thuận mới là việc Bộ trưởng Tài chính nổi tiếng cứng rắn của Hy Lạp, ông Yanis Varoufakis, đã từ chức, rõ ràng dưới sức ép của các bộ trưởng tài chính khối Eurozone. Thủ tướng Hy Lạp hứa với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng Athens sẽ đem đề xuất mới tới hội nghị thượng đỉnh Eurozone.

Hiện chưa rõ đề xuất này có gì khác nhiều so với các đề xuất đã bị bác trước đó. Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp cho biết, ông Tsipras đã trao đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Ông Hollande nhấn mạnh, không còn nhiều thời gian, trong khi bà Merkel thúc giục Hy Lạp đưa ra đề xuất trong tuần này. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố, Hy Lạp phải chấp nhận những cải cách sâu rộng nếu vẫn muốn ở lại khu vực đồng euro.

Giới chức Mỹ và Nhật Bản đều kêu gọi hai bên tìm ra một giải pháp. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew trao đổi với cả ông Tsipras và tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos rằng, Washington mong đợi Athens và các bên nối lại đối thoại nhằm giải quyết khủng hoảng. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cũng cho rằng, Hy Lạp và EU nên cố gắng làm việc để đạt được một thỏa thuận cùng thắng để giữ Athens ở lại Eurozone.

Một quan chức Bộ Tài chính Đức thẳng thừng bác bỏ ý tưởng Berlin có ý nhượng bộ một số khoản cứu trợ nào đó cho Athens, điều mà chính phủ của ông Tsipras lâu nay cố đạt được. Sau khi người Hy Lạp nói “không” với châu Âu, giới chức tại Brussels và Berlin cho rằng, việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung chưa bao giờ gần hơn lúc này.

Ông Lorenzo Bini Smaghi, cựu Chủ tịch HĐQT ECB, nói với CNBC: “Với lá phiếu nói “không”, chắc chắn sẽ không còn một gói hỗ trợ nào từ ECB. Chính phủ Hy Lạp sẽ khó mà sống nếu không có thêm tiền hỗ trợ. Rõ ràng, tiền đâu ra mà chi trả cho các nhu cầu cơ bản? Chỉ còn các duy nhất là in một loại tiền mới và rút chân khỏi hệ thống đồng euro”. Ông Padhraic Garvey, Chủ tịch tập đoàn đa quốc gia ING Groep, nhận định: “Trong trường hợp không cơ cấu lại nợ, chắc chắn Hy Lạp sẽ vỡ nợ trước ECB vào 20/7 tới. Điều này làm tăng áp lực kéo dài hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp. Điều này sẽ tạo ra khe nứt giữa Hy Lạp và các nước còn lại trong Eurozone. Kiểm soát vốn được duy trì và các ngân hàng Hy Lạp có thể bị quốc hữu hóa”. 

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.