Gần 10 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu ngày 5/7; kết quả kiểm phiếu tại 95% số điểm bỏ phiếu trên toàn quốc cho thấy, hơn 61% cử tri nói “không” với việc thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để đổi lấy gói cứu trợ. Bộ trưởng Varoufakis đã mở chiến dịch vận động người dân bỏ phiếu chống lại các điều kiện ngặt nghèo châu Âu buộc Athens thực hiện. Ông Varoufakis được xem là rào cản chủ yếu trong bất kỳ cuộc thương lượng phút chót nào nhằm níu giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro.
Hôm qua, Bộ trưởng Varoufakis nói rằng, ông từ chức theo ý của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Bộ trưởng Varoufakis nói rằng, sự có mặt của ông sẽ gây trở ngại cho quá trình đàm phán nợ tiếp theo của Hy Lạp. Giới quan sát nhận định, việc Thủ tướng Tsipras quyết định “thí tốt” Bộ trưởng Tài chính cho thấy, ông rất muốn đạt được một thỏa thuận cứu trợ với các nhà lãnh đạo châu Âu. Ông Tsipras cho rằng, đã đến lúc Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tính đến phương án giảm nợ cho Hy Lạp và giãn bớt các biện pháp khắc khổ mà nước này phải thực hiện.
Hầu hết các chuyên gia phân tích hàng đầu thế giới cho rằng, Hy Lạp chắc chắn sẽ vỡ nợ đối với tất cả các khoản nợ còn lại. Với việc các ngân hàng đóng cửa, máy ATM hết tiền, sự thông cảm của các chính quyền châu Âu dành cho Athens cạn dần, số phận của Hy Lạp sẽ phụ thuộc vào Ngân hàng Trung ương châu Âu và đặc biệt là Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhân vật quyền lực nhất tại châu Âu. Liệu các chủ nợ có sẵn sàng rút lại những đòi hỏi khắt khe và chấp thuận cấp thêm ngân khoản cứu nguy cho Hy Lạp hay không vẫn là điều không chắc chắn.
Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp có kế hoạch hội kiến ngày 6/7 ở Paris để “đánh giá những hậu quả” từ cuộc bỏ phiếu của Hy Lạp, và xác định quan điểm chung trước khi khối đồng euro họp khẩn ở Brussels (Bỉ) ngày 7/7. Một số quan chức Liên minh châu Âu tuyên bố, sẽ rất khó để khối đồng euro nới tay với Hy Lạp. Thủ tướng Hy Lạp đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, nhưng Kremlin không cho biết khả năng Nga có hỗ trợ tài chính hay không.
Tuyên bố của Ủy ban châu Âu
Hôm qua, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp, Ủy ban châu Âu ra tuyên bố về sự kiện này, toàn văn như sau: “Ủy ban châu Âu ghi nhận và tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp ngày hôm qua. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker đang tham vấn với các nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ của 18 quốc gia thành viên trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro và các nhà lãnh đạo của các cơ quan châu Âu. Chủ tịch Juncker sẽ có một cuộc hội đàm qua điện thoại với các nhà lãnh đạo các cơ quan trong khu vực đồng euro (gồm Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh đồng euro, Chủ tịch nhóm các nước sử dụng đồng euro và Chủ tịch của Ngân hàng Trung ương châu Âu) vào sáng thứ Hai giờ châu Âu. Chủ tịch Juncker dự định sẽ phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg vào thứ Ba”.
V.H