Sau sự ra đi liên tiếp của một loạt các chính phủ thực hiện những biện pháp thắt lưng buộc bụng, tháng 1/2015, chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras thắng cử nhờ lời hứa hẹn sẽ chấm dứt tình trạng này.
Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Sau khi đổ hàng chục tỷ euro cứu trợ Hy Lạp, điều mà các chủ nợ muốn nhìn thấy là khả năng thu hồi. Để đảm bảo điều này, các chủ nợ phải áp những điều kiện khắt khe với con nợ, trong đó đi đầu là các biện pháp cắt giảm chi tiêu công.
Ông Tsipras chắc chắn biết rõ điều này. Tuy nhiên, với sự tự tin rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ không dám để cho Hy Lạp ra đi vì hình ảnh, vì sự đoàn kết của khối, vị Thủ tướng đã thể hiện thái độ cứng rắn. Thậm chí ông còn dám rút đoàn đàm phán về nước giữa chừng để gây sức ép với các chủ nợ.
Hậu quả đầu tiên là Hy Lạp đã tuyên bố vỡ nợ. Người dân Hy Lạp giờ đây đối mặt với tình trạng còn thảm họa hơn những ngày sống chật vật trước đó khi chính phủ buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn. Dư luận bắt đầu có tiếng nói bất mãn với ông Tsipras.
Ông Tsipras tin rằng một kết quả “không” sẽ giúp Hy Lạp có sức nặng hơn trên bàn đàm phán vì EU sẽ khó mà bỏ rơi Athens. Ngược lại, kết quả “có” chính là thắng lợi của các chủ nợ và như vậy chính phủ của ông Tsipras đứng trước nguy cơ từ chức.
Các nhà phân tích đã dự đoán những kịch bản sau cuộc trưng cầu ý dân. Hy Lạp sẽ rời eurozone, tự phát hành đồng drachma để điều hành kinh tế đất nước. Tuy nhiên, như vậy Hy Lạp sẽ phải đối mặt với một cuộc đại khủng hoảng toàn xã hội. Liệu người dân Hy Lạp có chịu nổi cú sốc này? Kịch bản thứ hai là Hy Lạp ở lại eurozone tiếp tục cuộc sống lay lắt, “để chờ một ngày mai tươi sáng”.
Có thể nói, điều mà người dân hy vọng bây giờ là cả chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ đều nhượng bộ để tìm ra một lối thoát dễ thở hơn hai kịch bản trên.
Trước thềm trưng cầu dân ý, ông Tsipras đã bắn tín hiệu về việc Hy Lạp có thể nhượng bộ. Tuy nhiên, tên đã rời khỏi cung. Cả Athens và châu Âu giờ đây đều phải chờ câu trả lời của người Hy Lạp.