Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên con đường từ 'đóng sang mở'

0:00 / 0:00
0:00
Nếu như trước đây các công ty, đơn vị thường phải tự đổi mới, thay đổi trong nội lực của đơn vị, thì hiện nay khi một doanh nghiệp tại Việt Nam có thể cung cấp phần mềm, sản phẩm cho các thị trường Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ khiến cho môi trường doanh nghiệp không còn đóng như trước mà mở hơn. Triết lý đổi mới sáng tạo này sẽ tạo vô vàn cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có của thanh niên.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên con đường từ 'đóng sang mở' ảnh 1

Dự án “Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam” (2021 - 2025) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản. Trong đó, nhằm định hướng và hỗ trợ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ứng dụng các mô hình Đổi mới sáng tạo Mở, Hội thảo “Tăng tốc đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên Đổi mới sáng tạo mở” đã được Trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia, Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUP và Đại học Fulbright Việt Nam phối hợp tổ chức cuối tháng 10/2022.

Tại hội nghị, phiên Tọa đàm cùng các nhà lãnh đạo ĐMST mở tiên phong đã góp phần nâng cao năng lực ĐMST mở cho các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp thông qua những lời khuyên và ví dụ thực tiễn dựa trên tình hình thị trường hiện nay.

Ông Lại Văn Kiên, Giám đốc R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của Tập đoàn SUNHOUSE, cho biết thông qua đổi mới sáng tạo mở, SUNHOUSE có thể coi là một bệ phóng, với sản phẩm và nền tảng nhằm thu hút, tiếp thu tri thức từ các nguồn lực bên ngoài như sinh viên, hay đặc biệt là startup. "Chúng tôi không giới hạn nguồn lực và sẵn sàng kết hợp với các thành phần bên ngoài để hiện thực hóa các giải pháp đổi mới sáng tạo, giúp đem lại điều tốt nhất cho người dùng”, ông Kiên chia sẻ.

Đáng chú ý, cũng trong phần tọa đàm, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade đã đưa ra quan điểm thú vị về nhiệm vụ của doanh nghiệp trên con đường đổi mới sáng tạo: “Hoạt động sáng tạo chính là tìm kiếm nỗi đau để xử lý nỗi đau cho khách hàng. Tất nhiên, trên con đường xử lý nỗi đau cho khách hàng, mình cũng cần cố gắng khơi gợi nỗi đau khác. Vì về bản chất, đổi mới sáng tạo là một vòng tròn đi lên”.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên con đường từ 'đóng sang mở' ảnh 2

Phiên Tọa đàm với sự điều phối của Bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT BambuUP

Còn theo ông Trần Hoàng Thắng, quản lý chương trình đổi mới sáng tạo USAID IPSC, Đổi mới sáng tạo không nhất thiết là phải nghĩ ra sản phẩm, dịch vụ mà thế giới chưa từng có. "Mà trên thế giới họ làm rồi nhưng Việt Nam chưa có, chúng ta làm cái đấy tại Việt Nam thì cũng là đổi mới sáng tạo”, ông Thắng chia sẻ.

Bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUp cho biết, nếu như trước đây các công ty, đơn vị thường phải tự đổi mới, thay đổi trong nội lực của đơn vị, thì hiện nay tất cả đã đã khác, khi một doanh nghiệp tại Việt Nam có thể cung cấp phần mềm, sản phẩm cho các thị trường Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ khiến cho môi trường doanh nghiệp không còn đóng như trước mà mở hơn. Triết lý đổi mới sáng tạo này sẽ tạo vô vàn cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có của thanh niên.

Trả lời cho câu hỏi “chúng ta đang ở đâu”, bà Hằng cho biết, Việt Nam là một trong ba quốc gia tạo nên “Tam giác khởi nghiệp” khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Năm 2021, Việt Nam cũng xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo. Nằm trong một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, với sự tham gia của nhiều chủ thể khác như quỹ đầu tư, hỗ trợ từ cơ quan quản lý… để hình thành nên các startup chất lượng sẽ cần đến những tài năng (talent)/môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và ĐMST. Có thể thấy, thời gian qua, các trường đại học, đặc biệt là trường đại học nằm trong top đầu, rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp cũng như đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ về các “khoảng trống” - các thị trường tiềm năng cần startup khai phá để giải quyết “bài toán” cho thị trường với nhóm khách hàng doanh nghiệp, Chính phủ và xã hội, theo bà Hằng, có một số “bài toán” mà các thanh niên Việt Nam có thể khởi nghiệp. “Bài toán” đầu tiên đến từ thị trường doanh nghiệp, khi các công ty, tập đoàn lớn buộc phải thúc đẩy ĐMST, nhất là trong bối cảnh đòi hỏi phải tăng trưởng từ 3-5 lần, tăng 3 lần năng suất lao động trong khi mức đầu tư giảm từ 20-30%.

Đồng thời, bà Hằng chia sẻ, các startup có thể khai phá thông qua ĐMST để giải quyết các “bài toán” xã hội như với câu chuyện hợp tác giữa ứng dụng chi lương linh hoạt Vui App với HiStaff - phần mềm quản lý tổng thể nguồn nhân lực. Để rồi, 300.000 lao động trong hệ sinh thái của HiStaff được cung cấp chi lương linh hoạt thông qua nền tảng Vui App. Sự kết hợp giữa hệ sinh thái HiStaff và Vui App sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi số, tối ưu chi phí và nâng cao năng suất lao động của nhân viên trong các doanh nghiệp truyền thống, xây dựng môi trường làm việc trao quyền, hiện đại, nhân văn.

MỚI - NÓNG