Một bé lai được gửi về cho bà ngoại ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) nuôi dưỡng. Ảnh: KG. |
Lấy nhanh, bỏ khó
Nhiều cô gái ở Cần Thơ lấy chồng người nước ngoài thường rất nhanh, từ vài ngày đến vài tháng sau khi được giới thiệu, môi giới. Đó là đặc điểm chung thứ nhất của các cuộc hôn nhân với người nước ngoài tan vỡ.
Những đặc điểm chung tiếp theo: Hơn 60% chênh lệch từ 15 tuổi trở lên, nhiều trường hợp chồng hơn vợ 30-40 tuổi; các cô gái lấy chồng vì lý do kinh tế, các chú rể là nông dân hoặc làm công lương thấp, không có trí thức hay người giàu; tất cả các cô dâu Việt được chồng bảo lãnh ra nước ngoài, chưa có trường hợp ngược lại; sau ly hôn, người vợ về nước hầu như trắng tay, nhiều người bị lột sạch cả nữ trang khi cưới.
Tình hình ly hôn với chồng người nước ngoài có đến TAND TP Cần Thơ đang theo chiều hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong 3 năm qua, TAND TP Cần Thơ thụ lý hơn 100 vụ. Nguyên đơn đứng đơn xin ly hôn có 99% là phụ nữ Việt Nam, và hơn 65% xin ly hôn với chồng người Đài Loan, Hàn Quốc.
Cũng đang có nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài, sau đó muốn ly hôn cũng không được. Cô X. ở xã Thới Hưng (Cờ Đỏ, Cần Thơ) kết hôn với chồng là người Đài Loan. Người chồng về nước và cắt đứt liên lạc, mới đây nhắn tin là đã có vợ mới.
Cô X. nộp đơn xin ly hôn, nhưng không được thụ lý vì chưa có ý kiến của người chồng. Một cô khác lấy chồng người Hàn Quốc rồi lại bỏ về, không ly hôn được với chồng người Hàn nhưng cô đã lấy chồng Việt. Tuy nhiên, con cô mới sinh ra không làm được giấy khai sinh có tên cha.
Ngoài ra, còn nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ mà người vợ Việt Nam không biết đã đi đâu. Từ 2007 đến 2010, có 108 vụ ủy thác tư pháp nước ngoài xin ly hôn với vợ Việt được gửi đến TAND TP Cần Thơ đến nay chưa giải quyết được vì tòa chưa liên hệ được với người vợ Việt Nam.
Nhiều hệ lụy
Một thực tế khác, hôn nhân tan vỡ, nếu đã có con mà con trai thường bị gia đình chồng giữ, còn con gái cho đưa về Việt Nam. Ở xã Trường Xuân (Thới Lai, Cần Thơ), năm 2010 có 50 cô gái lấy chồng nước ngoài và 5 cuộc đã tan vỡ. Họ gửi về Trường Xuân 4 cháu bé lai, nhờ gia đình các cô gái nuôi dưỡng. Nhiều cô vẫn ở xứ người lao động kiếm tiền để quyết thoát nghèo, có người muốn giấu con để kiếm chồng mới.
Bà Nguyễn Thị Bảo Trân, cán bộ tư pháp xã Trường Xuân, cho hay: “Số phụ nữ lấy chồng nước ngoài khi ly hôn trở về địa phương khó hòa nhập cộng đồng. Nhiều người tiếp tục qua môi giới để lấy chồng nước ngoài, nên có người chưa đến 30 tuổi mà đã kết hôn lần thứ 3 với người nước ngoài”.
Lợi dụng hôn nhân qua phiên dịch, nhiều cô đã bị lừa bán ra nước ngoài. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ cho biết, năm 2010 đã tiếp cận được 76 cô gái bị dụ dỗ buôn bán trở về, trong đó đưa nhiều cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc về với gia đình.
Đại tá Lê Việt Hùng, PGĐ Công an TP Cần Thơ, cho biết, năm 2010 triệt phá một nhóm mua bán người qua Malaysia, đã khởi tố 2 kẻ có hành vi phạm tội, cứu 6 nạn nhân và chuyên án còn tiếp tục đến nay.
Cũng năm 2010, Công an TP Cần Thơ thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công an, bắt 1 người nước ngoài về hành vi mua bán người, cứu 3 nạn nhân; tiếp nhận 3 nạn nhân từ Malaysia và Trung Quốc.
Từ năm 2005 đến 2010, ở TP Cần Thơ, hơn 8.000 cô gái kết hôn với người Hàn Quốc làm thủ tục tại Sở Tư pháp TP. Chiều hướng lấy chồng Hàn Quốc đang tăng, từ 473 cô năm 2005 lên 1.172 cô năm 2007 và năm 2010 là 1.364 cô. |