Chịu nhiều thiệt hại to lớn sau 4 năm nội chiến tàn khốc, có những thời điểm Quân đội Syria đã gần như tuyệt vọng trước sự áp đảo của phiến quân. Tuy nhiên, mọi thứ giờ đã khác, với sự yểm trợ từ Không quân Nga và đặc biệt là việc Nga giao hàng loạt vũ khí tối tân, quân đội Syria đang trở lại mạnh mẽ. Họ đã giành được vô số chiến thắng lớn trên chiến trường, giải phóng nhiều vùng đất bị phiến quân IS và các phe phái nổi dậy khác chiếm đóng.
Tuy số lượng các vũ khí tối tân Nga giao cho Syria là rất ít, nhưng nó cũng tạo nên sự tự tin ít nhiều cho đạo quân đã rệu rã suốt mấy năm nội chiến. Ảnh: Xe tăng T-72B Nga mới chuyển giao cho Quân đội Syria sử dụng.
So với T-72A/AV/M/M1 của Quân đội Syria, T-72B hiện đại hơn rất nhiều với hệ thống kiểm soát hỏa lực, tăng cường giáp tháp pháo và mặt trước thân xe bằng giáp phản ứng nổ Kontakt-1, pháo chính kiểu mới 2A46M 125mm tích hợp phóng tên lửa chống tăng 9M119 Svir qua nòng, trang bị động cơ mới 840 mã lực V-84-1.
Đặc biệt, Quân đội Syria đã nhận ít nhất 15 chiếc xe tăng T-90 hiện đại nhất Quân đội Nga. Vẫn chưa rõ chiến thuật mà Quân đội Syria và Nga áp dụng cho T-90, tuy nhiên có thể nó đóng vai trò là mũi đột kích trong các chiến dịch tấn công nhờ có giáp bảo vệ rất tốt. Tính tới cuối tháng 11/2015, các xe tăng T-90 đã bắt đầu hoạt động chiến sự ở phía nam thành phố Aleppo.
Cho tới thời điểm hiện tại, người ta mới chỉ ghi nhận một trường hợp T-90 bị trúng đạn TOW-2A của phiến quân nhưng không bị hư hại gì nhiều. Điều đó cho thấy sự an toàn tuyệt vời trên xe tăng T-90A với giáp phản ứng nổ Kontakt-5 và hệ thống phòng vệ Shtora-1.
Lực lượng xe bọc thép chở quân của Quân đội Syria cũng được tăng cường thêm khoảng 50 chiếc BTR-80 và BTR-82A. Ảnh: Các xe bọc thép BTR-80 tại một điểm chốt của Quân đội Syria.
So với BTR-60 mà Quân đội Syria sử dụng, BTR-80 hiện đại hơn rất nhiều về mặt giáp bảo vệ, hỏa lực cùng tính cơ động cao.
Hiện đại hơn nữa là các xe BTR-82A được trang bị module tháp pháo mạnh mẽ với pháo chính 2A72 cỡ 30mm cùng súng phóng lựu, súng máy. Pháo 30mm có uy lực mạnh hơn nhiều so với đại liên 14,5mm, có thể phá tán bất cứ tòa nhà kiên cố nào mà phiến quân ẩn núp.
Nga cũng đã cung cấp cho Quân đội Syria một vài hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-1A có sức tàn phá khủng khiếp chưa từng thấy. Nó được trang bị hai loại đạn rocket hạng nặng có tầm bắn từ 400 tới 6.000m, trang bị đầu đạn kiểu nhiệt áp nguy hiểm vô cùng.
Vũ khí nhiệt áp được giới quân sự gọi là vũ khí nguyên tử nhưng không có phóng xạ. Nguyên lý hoạt động của loại vũ khí này là sử dụng các sóng chấn động hội tụ vào một điểm để tạo sức công phá cao nhất. Ngọn lửa tạo ra khi đốt cháy nhiên liệu sẽ làm không khí giãn nở một cách đột ngột tạo ra các sóng chấn động này. Cũng chính ngọn lửa này tạo ra sức sát thương rất lớn do nhiệt độ của nó tỏa ra xung quanh và rút tất cả không khí vào trong ngọn lửa tạo thành một vùng chân không trong thời gian ngắn tác động đến mọi sinh vật xung quanh vụ nổ và việc rút hết dưỡng khí để cháy khiến cho mọi sinh vật bị ngạt ngất đi thậm chí dẫn đến cái chết.
Ngoài TOS-1A, đã ghi nhận sự xuất hiện của siêu pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch lừng danh Liên Xô/Nga. Theo nhà sản xuất, một lượt bắn 12 viên của BM-30 có thể bao trùm lên một diện tích đến 67 héc ta. Smerch có thể biến thành vũ khí hủy diệt lớn với đạn rocket được trang bị đầu đạn phụ chống bộ binh.
BM-30 Smerch được trang bị đạn rocket tiêu chuẩn cỡ 300mm, dài 7,6m, nặng 800kg, đạt tầm bắn 20-70km. Ước tính thời gian bắt hết 12 viên đạn mất 38 giây.
Ngoài hệ thống pháo kéo cũ như M46 130mm, Quân đội Syria nhận số lượng nhỏ lựu pháo hạng nặng 2A65 Msta-B. Ảnh: Ba khẩu pháo Msta-B tập trung bên ngoài Aleppo.
2A65 Msta-B có thể bắn nhiều loại đạn, tầm bắn tối đa với đạn thông thường tới 29-30km.