Hé lộ sự thật cái chết của kỹ sư Lâm

Hé lộ sự thật cái chết của kỹ sư Lâm
TP - Sau bao chuyến ngược xuôi từ Nghệ An ra Hà Nội, lần gần đây, bố đẻ kỹ sư Vũ Tiến Lâm (nạn nhân tử vong tại công trường Keangnam) mới thảnh thơi phần nào.

>> Kỹ sư tử nạn ở Keangnam: Lỗi không do nạn nhân

Trong phiên họp dự thảo kết luận thanh tra, người ta đã thừa nhận các lỗi gây ra cái chết cho con ông. Trước đó, có lúc, ông tưởng như đang chiến đấu với cối xay gió...

Ông Vũ Tiến Nam, bố đẻ kỹ sư Lâm tại Sở LĐTB&XH Hà Nội
Ông Vũ Tiến Nam, bố đẻ kỹ sư Lâm tại Sở LĐTB&XH Hà Nội . Ảnh: Đ.N

Gia đình ông Vũ Tiến Nam gần như đặc trưng của nhiều gia đình xứ Nghệ: Hiếu học nhưng thanh đạm. Hai con ông học giỏi hơn bố (ông Nam tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội).

Ngày ông Nam ra nhận xác con về, một cán bộ điều tra và đại diện Keangnam nói đại ý, các trường hợp khác tử vong chỉ được nhận chưa đến trăm triệu đồng, trường hợp này 200 triệu đồng, nhận đi nếu không sẽ khám nghiệm tử thi. Cùng với đó, người ta nói con ông chết vì bất cẩn, làm trái quy tắc an toàn lao động. Do ở quê, hậu sự đã chuẩn bị xong, người bố đành cắn răng để đưa xác con về.

Ma chay cho con xong, gia đình ông Nam đang trong những ngày đau đớn thì lại liên tục nghe đại diện cơ quan chức năng và phía Keangnam lên tiếng về cái chết của kỹ sư Lâm: Nạn nhân gặp nạn do lỗi không đeo dây bảo hiểm.

Trưởng Đoàn Thanh tra liên ngành Nguyễn Thị Phúc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội từng nói về vụ việc Keangnam, mong muốn xử lý đúng người, đúng tội để làm gương cho các dự án khác. Bà Phúc cũng từng cho biết, quy trình dựng cốp-pha 6 bước nhưng đơn vị thi công ở Keangnam chỉ thực hiện 3 bước. 

Ông bố nạn nhân lúc này mới xâu chuỗi lại sự kiện và phát hiện trong chiếc điện thoại di động của con có 10 bức ảnh chụp các tấm cốp-pha được chống sơ sài, thời gian chụp chỉ trước khi bị nạn 1-2 phút. Từ nhiều đầu mối khác, ông hiểu rằng con ông bị thiệt mạng không như người ta phán.

Ông tất tả đòi gặp đại diện Keangnam nhưng hoặc bị từ chối hoặc có gặp cũng chỉ nhận được lời xin lỗi suông. Thậm chí, ngay cả lúc khám nghiệm hiện trường, người nhà nạn nhân còn được một cán bộ chức năng tuyên bố thẳng thừng: Chết do không đeo dây an toàn. Mặc dù, bằng cảm quan ai cũng thấy lúc đó, nếu đeo dây an toàn cũng không có chỗ để treo (vì đó là điểm cao nhất).

Hỏi các kỹ sư, nhiều người cho biết, họ (cũng như kỹ sư Lâm) không thuộc diện phải đeo dây. Nhưng, sợ mất an toàn nên các kỹ sư nhiều lần yêu cầu phía Keangnam phát mà chưa được chấp nhận.

Như vậy, vào thời điểm đó, dù nói thế nào thì cái cớ để người ta đổ lỗi cho người chết cũng không thuyết phục. Nhưng để tìm ra sự thật không dễ. Thế rồi, sau nhiều tháng thanh tra toàn diện công trình Keangnam, Đoàn Thanh tra liên ngành TP Hà Nội đã chỉ ra nhiều lỗi của các bên liên quan và xử phạt 15 đơn vị 235 triệu đồng. Trường hợp tử nạn của kỹ sư Lâm cũng vừa có dự thảo kết luận.

Sự thật chua xót

Hôm họp dự thảo kết luận (ngày 28-5) tại Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, ông Nam bất ngờ khi nghe đại diện tư vấn giám sát công trình Keangnam (Viện Khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam-IBST) cho biết đã từng gửi 30 lá thư cảnh báo về việc thi công mất an toàn cho chủ đầu tư và nhà thầu nhưng không lay chuyển nổi.

 
Hé lộ sự thật cái chết của kỹ sư Lâm ảnh 2

Công trường Keangnam nơi kỹ sư Lâm tử nạn Ảnh: PV

Đại diện IBST cũng nói: “Chỉ biết nhắc nhở chứ không biết làm gì hơn vì thẩm quyền có giới hạn”. Kỹ sư đại diện IBST thậm chí chua xót thốt lên: “Tai nạn rơi vào Lâm là sự mất mát nhưng cũng có thể rơi vào cả chúng tôi”.

Đại diện phía Keangnam sau khi bị đoàn thanh tra chỉ ra từng lỗi cụ thể đã lên tiếng xin lỗi và lấy làm tiếc về trường hợp của kỹ sư Lâm. Keangnam ghi nhận ý kiến đóng góp, hứa khắc phục hiện trạng; mặt khác cũng xin nhận trách nhiệm chung toàn công trường, chứ không nhận trách nhiệm cụ thể vụ việc.

Lý do phía Keangnam đưa ra là “mất ăn mất ngủ đặt ra các quy tắc an toàn nhưng các cấp dưới không nghe nên không biết phải làm sao”.

Ông Nam kể: “Mẹ cháu ngủ mê cứ nói con chết oan. Cháu nó mới ngoài 20 tuổi, còn chưa kịp có người yêu. Khi xem những bức ảnh con chụp và những cú điện thoại cảnh báo an toàn trước khi bị nạn, tôi biết chắc cháu nó rất có trách nhiệm với công việc”.

Mười bức ảnh kỹ sư Lâm chụp, Tiền Phong đã phân tích kỹ qua lăng kính của các chuyên gia xây dựng. PV Tiền Phong cũng từng có mặt tại hiện trường và phát hiện nhiều điều bất hợp lý xung quanh cái chết của Vũ Tiến Lâm, cả sự cẩu thả trong thi công ở công trường Keangnam. Cẩu thả đến nỗi, Trưởng Công an huyện Từ Liêm có mặt lúc đó đã phải nhắc nhở việc chống cốp-pha không đảm bảo.

Trong 8 nguyên nhân dẫn tới tai nạn lao động mà Đoàn liên ngành chỉ ra trong dự thảo kết luận, chủ yếu cũng là sự cẩu thả trong thi công của tư vấn giám sát, nhà thầu chính Keangnam, nhà thầu phụ Cofico... Trong cuộc họp công bố dự thảo kết luận với các bên liên quan, đại diện Keangnam đã chấp nhận kết quả công bố.

Được biết, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng sớm có kết luận vụ kỹ sư Lâm và 2 người khác chết ở toà nhà Keangnam. Sau Đoàn Thanh tra liên ngành sẽ có kết quả điều tra từ phía Công an TP Hà Nội. Những đối tượng vi phạm, gây hậu quả sẽ bị xử lý đúng pháp luật.

MỚI - NÓNG