Hãy giải trình trước Quốc hội

TP - Mới đây, phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan tới hoạt động giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ giai đoạn 2009-2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Vừa qua cháy nổ liên tục, xã hội bức xúc về các vụ cháy nghiêm trọng như vậy mà Quốc hội êm ru thì không được. Quốc hội phải giám sát những vấn đề nhân dân bức xúc, xã hội quan tâm".

Mới đây, phát biểu tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội liên quan tới hoạt động giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống cháy, nổ giai đoạn 2009-2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Vừa qua cháy nổ liên tục, xã hội bức xúc về các vụ cháy nghiêm trọng như vậy mà Quốc hội êm ru thì không được. Quốc hội phải giám sát những vấn đề nhân dân bức xúc, xã hội quan tâm".

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 nêu rõ, “Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”. Còn “Giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát quy định tại Luật này”.

Như vậy, chiểu theo luật định, Quốc hội hoàn toàn có quyền yêu cầu một cơ quan, tổ chức hay cá nhân giải trình về một vấn đề nóng mà cử tri mà xã hội đang quan tâm, bức xúc.

Lâu nay, chất vấn và trả lời chất vấn đã trở thành sự kiện quen thuộc trong hoạt động giám sát của Quốc hội, thu hút được sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, hình thức giám sát đó mới chỉ dừng lại ở việc chất vấn các vị “tư lệnh” ngành của chính phủ, chứ hầu như chưa có những phiên trực tiếp giải trình của các chủ thể khác trong xã hội, như chủ tập đoàn lớn, chủ các doanh nghiệp (cả nhà nước lẫn tư nhân) đang điều hành hoặc thi công những lĩnh vực gây ra sự quan tâm, bức xúc lớn trong xã hội.

Ví dụ như, khi vấn đề BOT đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, bên cạnh việc tư lệnh ngành GTVT phải trả lời chất vấn, ĐBQH và cử tri sẽ có thêm một kênh thông tin khác thực tế và sinh động hơn từ việc hỏi đáp và giải trình của chính các doanh nghiệp BOT đang bị dư luận cho là “có vấn đề”. Tương tự với các lĩnh vực khác như PCCC ở các chung cư cao tầng hay tranh chấp chung cư đang rất nóng hiện nay…Nếu được như vậy, tin rằng các đại biểu của dân sẽ có nhiều thông tin hơn, hiểu sâu hơn về một vấn đề “nóng” mà cử tri của họ đang quan tâm, bức xúc. Từ đó, hẳn những kiến nghị và chính sách mà các ĐBQH đưa ra cũng sẽ hiệu quả và khả thi hơn.

Nhìn ra thế giới, ở nhiều nước việc một tổ chức hay cá nhân phải điều trần trước quốc hội đã được thực hiện từ lâu. Mới đây nhất chính là phiên điều trần trong 2 ngày liên tiếp trước Quốc hội Mỹ của ông chủ mạng xã hội lớn nhất hành tinh Mark Zuckerberg. Nhiều khả năng Mark Zuckerberg sẽ phải tiếp tục đối mặt với Nghị viện châu Âu trong một phiên điều trần tương tự.

Trên thực tế, những phiên điều trần nói trên đã và đang có tác dụng tích cực lên mọi phía. Đầu tiên, “đế chế” Facebook với 2 tỷ người sử dụng chắc chắn sẽ phải có thay đổi lớn trong  chính sách bảo mật và tiếp cận người dùng. Tiếp đó, hàng tỷ người dùng Facebook trên thế giới được dịp hiểu rõ hơn về việc Facebook đã làm gì với dữ liệu của họ, cái giá phải trả cho sự “phục vụ miễn phí” là những gì ? Cuối cùng, chính các nhà lập pháp Mỹ và EU cũng sẽ thu nhận được các thông tin cần thiết về hoạt động của Facebook, để từ đó đưa ra được những chế tài cần thiết để bảo vệ người dùng trước phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Điều trần hay giải trình trước những đại biểu của dân về một vấn đề nóng mà xã hội quan tâm, bắt đầu từ chính những người đang điều hành trực tiếp, như CEO Facebook chẳng hạn, luôn là một hoạt động dân chủ cần thiết trong mọi xã hội.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.