Học bù cả chủ nhật

Hậu mưa lụt: Năm học có thể phải kéo dài sang hè

Hậu mưa lụt: Năm học có thể phải kéo dài sang hè
TP - Sau 8 buổi nghỉ học, đa số trường học trong số hơn 700 trường bị ảnh hưởng trực tiếp từ trận mưa và ngập lụt vừa qua đã trở lại hoạt động bình thường.

Trong nhiều khó khăn mà các trường phải đối mặt sau ngập lụt, có một khó khăn không dễ khắc phục vì đòi hỏi về thời gian để đảm bảo chương trình dạy học.

Hậu mưa lụt: Năm học có thể phải kéo dài sang hè ảnh 1
Cho đến hôm nay (10/11), Hà Nội vẫn còn hơn 170 trường phải cho học sinh nghỉ học do úng ngập                                                           Ảnh: Hồng Vĩnh

Học bù cả chủ nhật

Sau 8 buổi cho học sinh nghỉ học vì mưa và ngập lụt, hôm nay, trường THCS Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã trở lại hoạt động dạy học bình thường.

Cô Chu Thị Cải, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tôi về công tác ở đây 30 năm rồi, nhưng chưa năm nào chứng kiến cảnh tượng như năm nay. Lần đầu tiên, nước tràn đường dẫn vào trường (ngập sâu khoảng 50 cm), tràn vào sân trường. Nhờ ở vị trí cao so với địa bàn các khu dân cư nên nước không ngập các phòng học.

Dù nước ở sân trường rút hôm thứ Tư, thứ Năm tuần vừa rồi nhưng vì các khu dân cư vẫn ngập nặng, giao thông đến trường bị chia cắt, việc đến trường của học sinh không đảm bảo an toàn nên tôi vẫn báo cáo phòng GD&ĐT cho các em nghỉ học. Ngày mai (tức hôm nay, 10/11, chắc học sinh lội đi học được rồi”.

"Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội là các trường không được cắt xén chương trình, các em học sinh phải được học đầy đủ các tiết học theo quy định" - Ông Nguyễn Hiệp Thống

Việc nghỉ học khiến kế hoạch dạy học của trường bị gián đoạn.

Trước mắt, trường phải tính toán phương án dạy bù phù hợp với điều kiện của mình. Trường THCS Hợp Tiến có 21 lớp học với khoảng trên 800 học sinh.

Tuy nhiên, trường chỉ có 24 phòng học nên ngày thường, học sinh phải học 2 ca (sáng/ chiều). Theo quy định, học sinh cấp THCS phải học cả thứ Bảy. Do đó, theo cô Chu Thị Cải, việc dạy bù cho học sinh trường chỉ có thể tiến hành trong ngày Chủ nhật.

Ngoài ra, do ca học thứ hai còn thừa 3 phòng, trường sẽ bố trí các lớp luân phiên học bù vào các buổi chiều trong tuần ở 3 phòng thừa này.

Lên phương án dạy bù cho học sinh thế nào cũng là khó khăn các trường của TP Hà Đông đang phải đối mặt.

Bà Vũ Thị Tân Trang, trưởng phòng GD&ĐT TP Hà Đông nói: “Chắc chắn các trường phải bố trí dạy bù cho học sinh. Với những trường có đủ phòng học để học sinh học 2 buổi/ ngày thì việc dạy bù có thể giải quyết dễ dàng hơn. Nhưng với những trường không đủ phòng học, phải học 2 ca thì dạy bù lúc nào là phải tính. Có thể phải tăng tiết hoặc có thể phải học cả Chủ nhật”.

Cũng hôm nay, tất cả 59 trường học (mầm non, tiểu học, THCS) trên địa bàn thành phố Hà Đông mới trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, với các trường trên địa bàn xã Đồng Mai, việc dạy học gặp trở ngại đôi chút bởi có một xóm nằm bên kia sông mà chiếc cầu bắc qua sông trên con đường dẫn học sinh đến trường lại đang nằm... dưới nước!

   "Chắc chắn các trường phải bố trí dạy bù cho học sinh. Với những trường không đủ phòng học, phải học 2 ca thì dạy bù lúc nào là phải tính. Có thể phải tăng tiết hoặc có thể phải học cả Chủ nhật" - Bà Vũ Thị Tân Trang

Để khắc phục tình trạng này, các trường học trên địa bàn xã Đồng Mai đã có kế hoạch hàng ngày cử giáo viên qua sông dạy học cho học sinh cho đến khi nào nước sông xuống thấp, mặt cầu lộ ra, các em nhỏ có thể đi lại an toàn trên cầu.

Nhà văn hóa cũng như những nơi sinh hoạt tập thể của xóm sẽ được trưng dụng tạm thời để làm phòng học. Bà Vũ Thị Tân Trang, khẳng định: “Nếu các trường không đủ lực lượng thì phòng GD&ĐT TP Hà Đông sẽ bố trí đủ giáo viên dạy, không để các cháu bị mất chương trình học”.

Hơn 170 trường vẫn đóng cửa

Hậu mưa lụt: Năm học có thể phải kéo dài sang hè ảnh 2

Học sinh Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ  Ảnh: Hồng VĨnh

Về cơ bản, các trường trên địa bàn các quận, huyện thuộc Hà Nội cũ đều đã trở lại hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, nhiều trường trên các huyện thuộc Hà Tây cũ như Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng, Mỹ Đức, Thanh Oai... vẫn ngập hoặc vẫn phải nghỉ học vì địa bàn dân cư sinh sống còn ngập.

Chẳng hạn như huyện Mỹ Đức, có điểm trường nước vẫn ngập sâu 1,5 - 2 m trong phòng học.

Ông Đặng Văn Viện, trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cho biết, huyện còn 11 trường chưa thể cho học sinh đi học ngày hôm nay, trong đó có những trường có điểm trường đứng trước nguy cơ phải nghỉ học đến hết tuần này như Phúc Lâm, An Phú...

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến ngày 10/11 trên toàn thành phố có khoảng hơn 170 trường vẫn phải cho học sinh nghỉ học. Việc nghỉ học kéo dài chắc chắn ảnh hướng tới kế hoạch học tập.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết, sau khi có thống kê đầy đủ của các trường về số buổi học phải nghỉ, lãnh đạo Sở GD&ĐT sẽ làm báo cáo gửi Bộ GD&ĐT để xin ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch của một số trường.

Theo đó, nếu cần thiết, thời gian năm học sẽ phải kéo dài thời gian sang hè. Ông Nguyễn Hiệp Thống khẳng định: “Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội là các trường không được cắt xén chương trình, các em học sinh phải được học đầy đủ các tiết học theo quy định”.

Hiện tượng học sinh bỏ học dù trường học đã hoạt động bình thường trở lại cũng là một nguy cơ được cán bộ quản lý giáo dục các cấp lường tới. Hiệu trưởng trường THCS Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) Chu Thị Cải chia sẻ: “Dân bây giờ quan tâm tới việc học hành của con em mình hơn nên tôi không lo là sẽ có sự bỏ học ồ ạt như đã từng xảy ra trước đây.

Tuy nhiên, nguy cơ bỏ học ở một số em cũng cần được tính tới. Do đó, hôm nay giáo viên phải nắm được sĩ số lớp mình, em nào chưa đến lớp thì phải tìm hiểu và động viên em trở lại lớp”.

MỚI - NÓNG