Hậu cứu trợ lũ lụt miền Trung: Nỗi lo cứu trợ

TP - “Lo nhất trong mùa lũ không phải chuyện cứu người, cứu của, di dân mà đó là chuyện cứu trợ. Có làm tốt đến bao nhiêu cũng bị người dân nói này nói nọ. Giá như việc cứu trợ có ai đó lo cho để cán bộ xã đỡ phải mất ăn mất ngủ”. Đó là tâm sự của một lãnh đạo xã của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh khi cùng PV chèo thuyền vào vùng người dân bị ngập sâu sau cơn lũ vừa qua.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, có ở vào hoàn cảnh màn trời chiếu đất của người dân vùng lũ mới biết được giá trị của một gói mỳ tôm, bịch lương khô để lót dạ giữa bốn bề nước lũ vây quanh. Trong cơn hoạn nạn, hàng xóm láng giềng có thể bất chấp tính mạng của mình để vượt dòng nước lũ cuồn cuộn để giúp những cụ già, những cháu nhỏ của hàng xóm đang chơi vơi trên mái ngói đến nơi an toàn.

Những cán bộ xã, cán bộ xóm bỏ mặc gia đình, người thân của mình chèo thuyền trong đêm tối để thông báo, giúp đỡ người dân cái ăn, nước uống. Tất cả đều nhìn nhau với ánh mắt của tình người, tình hàng xóm láng giềng. Đó là sự biết ơn, sự sẻ chia những lúc hoạn nạn. Vậy nhưng, khi con nước bắt đầu rút đi, những đoàn xe cứu trợ lũ lượt kéo về làng, loa thông báo oang oang xóm làng gọi tên người này, người kia… thì nỗi lo của những công bộc của dân bắt đầu.

“Có đoàn cứu trợ gọi điện cho 500 suất quà, yêu cầu chọn 500 người có hoàn cảnh nhất để trao. Khi hỏi giá trị phần quà thì họ không cho biết cụ thể mà cứ yêu cầu người nghèo. Đến khi về trao trực tiếp mỗi suất quà một thùng mỳ tôm. Người dân ai cũng phấn khởi ra về”, một lãnh đạo xã nói. 

Rồi một đoàn cứu trợ đến sau cũng yêu cầu cho 100 hộ dân nghèo nhất, trị giá mỗi suất quà 1 triệu đồng tiền mặt. “Các xóm lại tiếp tục bình bầu, những người nhận quà rồi cũng phản đối vì họ nghèo mà được suất mỳ tôm. Còn những hộ chưa được lại yêu cầu phải công bằng vì không thể một người nhận hai lần. Thế là lại trách móc cán bộ không công bằng”, vị lãnh đạo xã nói tiếp.

 Có đoàn cứu trợ đã lên lịch hẹn bà con. Chẳng hiểu sao họ đến nơi rồi quan sát và im lặng bỏ đi sang địa phương khác. Có đoàn không báo trước, về tận xóm trao quà cho người dân. Thấy người dân đông và lộn xộn, đoàn phải lên xe quay trở ra. Người dân lại đến ủy ban vì họ cư nghĩ đoàn để quà lại cho xã xử lý.

Chọn hàng cứu trợ nào?

Cơn lũ vừa qua ở Hà Tĩnh giống như một cơn lũ quét, nước rút sau một đêm, người dân bị thiệt hại nhiều về trâu, bò, lợn gà, hoa màu… Đối với người dân vùng lũ, cứ xong mùa màng vào đầu mùa lũ, nhà nào cũng chuẩn bị  thức ăn, nước uống treo cao trên nóc nhà. Thế nên việc nước ngập một vài ngày chưa thực sự đáng lo về mặt ăn uống. Thế nhưng, nhiều đoàn cứu trợ khi xem những hình ảnh trên mạng, cứ nghĩ nước đang rất cao, người dân cần cái ăn, nước uống, cứu trợ toàn mỳ tôm, lương khô. Vì thế, người dân vùng lũ bán lại mỳ tôm cho các cửa hàng để lấy tiền mua các mặt hàng thiết yếu khác là câu chuyện có thật.

Rồi câu chuyện nơi ngập sâu không có đoàn cứu trợ đến, nơi ngập ít hơn lại ngập tràn hàng cứu trợ. Và người dân lại đổ lỗi cho cán bộ không lo cho người dân nên các đoàn cứu trợ không về. “Nhiều đoàn gọi điện nhờ giới thiệu các địa phương. Thế nhưng họ cứ nhất quyết phải có những xã được báo chí phản ánh, dù xã đó không bị thiệt hại bằng xã khác. Thế là xảy ra tình trạng xã ngập ít có nhiều đoàn cứu trợ, còn xã ngập nhiều lại không có”, một cán bộ trong ban điều phối hàng cứu trợ của huyện Hương Khê cho biết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một số lãnh đạo huyện miền núi Hà Tĩnh bày tỏ vui mừng vì qua cơn lũ, người dân nơi đây được cả nước quan tâm, thương yêu. Thế nhưng sau cứu trợ là nhiều nỗi lo. Lo các đoàn không hài lòng khi đến địa phương cứu trợ, lo người dân nghi ngờ chính quyền và nỗi lo lớn nhất là việc người dân, hàng xóm láng giềng tối đèn tắt lửa có nhau so bì, nghi ngờ lẫn nhau.

Anh Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, cho biết, đến ngày 27/10, số tiền các đoàn cứu trợ thông qua Tỉnh Đoàn để kết nối, lựa chọn địa phương, đối tượng lên tới hơn 13 tỷ đồng. Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, khi các đoàn cứu trợ thông qua, họ đều yêu cầu mua hàng hoặc tặng tiền trực tiếp. 

Thế nhưng, khi được những cán bộ Tỉnh Đoàn hướng dẫn, trao đổi các phương án cứu trợ hợp lý, họ tin tưởng vào các phương án Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh đưa ra. “Mỳ tôm, lúa gạo họ đã có. Vậy tại sao chúng ta không mua thẻ bảo hiểm y tế, xây bể bơi tại các trường học để giúp học sinh ứng phó với việc đuối nước. Rồi phải bàn với chính quyền địa phương hướng các đơn vị cứu trợ mua bê, xây dựng các mô hình kinh tế cho người nghèo để có kế sinh nhai dài hơi”, anh Hoàn nói.

MỚI - NÓNG