Hát với Đàm Vĩnh Hưng là "vũng lầy" của Thanh Lam

Hát với Đàm Vĩnh Hưng là "vũng lầy" của Thanh Lam
Nếu Hồng Nhung và Quang Dũng “cần nhau” vào năm 2007, người trong nghề xem đó là bước lùi của Nhung. Còn mới đây, khi Thanh Lam mấp mé dự án hát cùng với Đàm Vĩnh Hưng, người ta gọi Thanh Lam đang “hư hỏng” và trượt chân xuống…“vũng lầy”.

Cần phải nhắc lại rằng, nhạc nhẹ Việt Nam đã từng có một thời kỳ thịnh vượng và rực rỡ nhất là ở những năm cuối của thập niên 90. Khi ấy chúng ta đang có một đội ngũ nhạc sĩ sáng tác dồi dào và sung mãn (Thanh Tùng, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Trịnh Công Sơn, Phó Đức Phương, Trọng Đài, Bảo Chấn, Quốc Bảo, Ngọc Châu…) cùng một dàn ca sĩ hùng hậu. Đáng kể tên trong số đó có Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và Trần Thu Hà - bốn giọng hát được xem là “trụ cột” của nhạc nhẹ Việt Nam.

Bảo “trụ cột” ở đây không phải chỉ bởi họ được công chúng đón nhận mà họ còn là nguồn cảm hứng - nghĩa gây được ảnh hưởng tích cực cho giới làm nghề. Danh xưng diva, cũng bắt đầu từ đó.

Thế nhưng, chẳng lâu sau đó, chính xác hơn vào đầu những năm 2000, nhạc Việt chững lại và có dấu hiệu thoái trào. Bộ tứ này cũng rơi vào khoảng lặng, vùng vẫy đáng kể nhất chỉ có thể nhắc đến Trần Thu Hà khi cô là người nhập cuộc sau, năng lượng và sức trẻ đang ở kỳ sung mãn, ba diva còn lại gần như cứ lóng ngóng, loay hoay. Và Hồng Nhung loay hoay đầu tiên với lần cô kết hợp trình diễn cùng Quang Dũng.

Với Thanh Lam, hậu đỉnh cao Thanh Lam hụt hẫng chới với không chỉ bởi môi trường âm nhạc đã xoay 180 độ, không còn hợp với cô mà còn ở chỗ cô và người bạn đời cũng là nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung chia tay. Nếu như trước đó, những ai từng nghĩ Quốc Trung là cái bóng mờ nhạt sau lưng vợ mình thì sau đó họ buộc phải suy nghĩ lại.

Cho đến tận hôm nay, sự nghiệp lừng lẫy của Thanh Lam không ai khác ngoài Quốc Trung là bệ phóng, là người kèm cặp, định hướng con đường âm nhạc của Thanh Lam. Anh chi phối, tiết chế được cảm xúc lẫn kỹ thuật của người đàn bà thiên về bản năng để đưa ra những sản phẩm âm nhạc được xem là đỉnh cao của nhạc nhẹ Việt Nam.

Mất Quốc Trung, có thể nói hơi quá nhưng Thanh Lam gần như mất đi tất cả. Mất mấy năm, công chúng ngơ ngác hỏi Lam đâu!? Vốn đang mỏi mệt chán chường với thị trường âm nhạc đang chuyển đổi theo xu hướng xô bồ, bát nháo lại mất đi một điểm tựa vững chắc trong sự nghiệp, Lam rơi vào quãng lặng chết người.

Và Lam trở lại, cô trở lại khi cuộc đời đưa cô đến với cái bến mà người ta quen gọi là "dân gian đương đại" của Lê Minh Sơn. Lê Minh Sơn là một nhạc sĩ có tài, được công chúng biết đến cách đây trên dưới 7 năm bằng một album khó có thể ấn tượng hơn là Bên bờ ao nhà mình với sự thể hiện đỏng đảnh, chua ngoa của Ngọc Khuê. Nhưng Lam không phải là một thiếu nữ mới lớn như Khuê, Lam là một người đàn bà dữ dội đến mãnh liệt lại vừa trải qua những nốt trầm nên đang khát cháy sự bay lên.

Hát với Đàm Vĩnh Hưng là "vũng lầy" của Thanh Lam ảnh 1

Lê Minh Sơn không phải là mẫu nhạc sĩ dành cho Thanh Lam...

Lê Minh Sơn không nắm, không “cầm cương” được cái sự dữ dội ấy. Cả hai cùng nhau… bản năng, cùng nhau bùng cháy theo kiểu Nắng lên - một sáng tác của Lê Minh Sơn để tất cả trở thành tro bụi, không để lại được chút dư vị nào trong các sản phẩm âm nhạc của hai người, nếu có chỉ là những thanh âm mà Thanh Lam oằn mình gào thét, quằn quại đến khản cổ.

Người ta nhìn thấy, Lê Minh Sơn không phải là mẫu nhạc sĩ dành cho Thanh Lam, cụ thể hơn, để “cưỡng” được Lam cần phải có một nhạc sĩ "nặng vía" hơn thế. Sau vài năm cùng nhau bốc cháy với hàng loạt dự án liên tiếp nhau mà có người gọi là “đẻ dày”, cả hai như tỉnh ra, họ chủ động dừng lại trong êm đẹp. Công chúng không ít người thở phào bởi nếu đi tiếp, ai cũng biết Thanh Lam sẽ về đâu.

Thế nhưng, sau sự kết hợp ấy, những tưởng Thanh Lam sẽ “tỉnh táo” và kỹ tính hơn trong những lần kết hợp mới nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Người ta ngỡ ngàng khi Thanh Lam vừa tuyên bố, sắp tới cô sẽ tung ra một dự án âm nhạc kết hợp với Đàm Vĩnh Hưng.

Hát với Đàm Vĩnh Hưng là "vũng lầy" của Thanh Lam ảnh 2

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Thanh Lam cho biết mình sẽ kết hợp với Đàm Vĩnh Hưng mà cách đây vài năm, Thanh Lam đã từng bảo thế. Tuy nhiên, ở lần đó có vẻ như cô chỉ đánh tiếng để dò phản ứng dư luận chứ không như lần này, một dự án âm nhạc đã làm rồi, chỉ đợi ngày ra mắt.

Rất dễ để nhìn thấy lần kết hợp này cũng có nét hao hao như lần “cần nhau” giữa Hồng Nhung và Quang Dũng. Nếu lúc ấy Quang Dũng đang nóng thì giờ Đàm Vĩnh Hưng đang hot, nếu khi ấy Hồng Nhung hoang mang thì giờ tới lượt Thanh Lam. Điểm chung nữa là cả hai sản phẩm này đều được bắt nguồn từ sự thân thiết - ngoài đời, Hồng Nhung rất thân vơi Quang Dũng còn Đàm Vĩnh Hưng thì luôn tự nhận Thanh Lam là thần tượng.

Có thể, Thanh Lam cảm thấy giờ cô cần phải hâm nóng lại tên tuổi, phải update hình ảnh của mình cho hợp với thời đại và một trong những cách cô xem là hiệu quả nhất là hát cùng với đàn em đang rất ư đình đám. Rằng cô hy vọng, tiếng hát của mình khi kẹp với cái tên của Đàm Vĩnh Hưng - vốn đang len tận những hang cùng, ngõ hẹp thì biên độ “fans” của cô sẽ mở rộng thêm, giọng hát của cô sẽ tiến thẳng vào những phân khúc thị trường mà lâu nay cô chưa tìm đến. Nhưng đó là một sai lầm.

Đàm Vĩnh Hưng hát không tồi nếu chẳng muốn nói giọng anh rất khỏe, lại khàn đặc như một chất gây nghiện. Đặc biệt, Đàm Vĩnh Hưng có thể “ập” vào bất kỳ dòng nhạc nào. Hôm nay anh hát nhạc trẻ thì ngày mai rất có thể anh sẽ trở thành một chiến sĩ oai dũng nào đó trên sân khấu và ngày mốt anh sẽ sến đến “chảy nước” ở đâu đó. Phải nhìn nhận, đó là khả năng “biến hóa” của Đàm Vĩnh Hưng.

Người ta bảo Đàm Vĩnh Hưng “thông minh” khi chọn cho mình một phong cách hát đa dạng, có thể thích nghi với nhiều dòng, nhiều hình thức âm nhạc khác nhau để từ đó thu nạp được đại bộ phận khán giả ở nhiều thành phần khác nhau. Để khán giả trẻ cũng thích anh, người chuộng nhạc tiền chiến cũng thích anh rồi kẻ mê nhạc sến cũng thích anh.

Song, cũng chính vì lý do đó đã biến Đàm Vĩnh Hưng thành một cái lẩu hoa sặc sỡ, diêm dúa. Rằng ở thể loại nào anh hát cũng được nhưng chẳng đến được tận cùng với thể loại nào, dòng nào anh cũng lơ lửng, lừng khừng, không đến đầu đến đũa.

Đàm Vĩnh Hưng có quyền lựa chọn cho mình một đường hướng đa mang như thế nhưng, những người kỹ tính trong việc thưởng thức âm nhạc cũng có quyền cho đó là một kiểu thẩm mỹ bình dân. Đó chưa kể, phần đóng góp cho tên tuổi của anh trở nên sáng loáng không chỉ ở giọng hát, còn cả ở những tuyên ngôn rùng rợn mà không ít người gọi đó là hệ quả từ việc “thủng phông”.

Với Thanh Lam, dù thi thoảng cũng lộ ra những phát ngôn hớ hênh, cảm tính, thiên về bản năng. Nhưng bản năng của Thanh Lam là bản năng ở một tầm vóc khác, một đẳng cấp khác. Cơ bản hơn, Thanh Lam lâu nay được xếp vào cái chiếu của đàn chị, là người định hướng thẩm mỹ không chỉ cho khán giả mà còn là cho các thế hệ nghệ sĩ tiếp theo thì nhất cử nhất động của cô đều bị quan sát kỹ càng, chặt chẽ, thậm chí là khắc nghiệt đến cực đoan. Đó cũng là thiệt thòi của Thanh Lam nhưng ngẫm ra, lắm ca sĩ muốn thế nhưng chắc gì đã được.

Không thể nói Thanh Lam không ý thức được điều này. Khán giả của Lam không chấp nhận việc cô buông tuồng, dễ dãi trong những lần kết hợp, nếu ra được cái mới, cái sáng tạo thì ra còn không được thì thôi chứ không thể “cố đấm ăn xôi”.

Với sự kết hợp khập khiễng, chông chênh về đẳng cấp như thế nên có lẽ hiếm ai dám tin rằng Đàm Vĩnh Hưng sẽ làm được một điều gì đó tốt đẹp cho sự nghiệp của Thanh Lam, ít nhất là trong lúc này. Cho nên, có người cho rằng Thanh Lam đang sà xuống vũng lầy của chính mình, là vì vậy!

Theo Thể thao TP.HCM

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.