Hạt mùa Xuân

Hạt mùa Xuân
TP - Chuyến xe khách đưa tôi về vùng biển xa lạ và xa xôi ấy không ngờ diễn ra một cách êm thấm và dễ chịu khác thường.

> Chém ruồi
> 'Trò đời' làm sống dậy không khí Vũ Trọng Phụng

Đậu trên bến ồn ã, nó không sơn quét với dòng chữ “chất lượng cao” như nhiều xe khác. Bên ngoài đơn giản, bước lên thấy hai dãy ghế tinh tươm, từng đôi ghế xếp hai hàng dài rất gọn, phần trên mỗi ghế có bọc nhựa trắng rất mát mắt. Bức ảnh Đức Mẹ lồng trong khung to, bóng điện đủ màu nhấp nháy, bên cạnh chiếc đồng hồ tròn màu vàng dịu, chuyển kim khẽ khàng.

Anh lái chắc cũng thương binh hoặc lính trận về bởi gương mặt rắn rỏi như có vết đạn, ngồi vào buồng lái, đưa mắt nhìn lên, rồi nổ máy. Khách biết anh là tay lái có hạng, trước nay chưa hề mảy may va quệt, lúc này bèn ngoái cổ lại dãy ghế phía sau, đôi mắt sáng rất trách nhiệm và tình cảm rất chân thành: “Xin bà con lưu ý, quãng đường dễ xảy ra tai nạn”. Anh lái nói chưa xong câu thì trong khung ảnh như rực lên những chùm pháo hoa, đẹp hơn lúc thường rất nhiều.

Tiếng người đàn ông rao hàng rong cũng rất dịu: “Đúng 8 giờ 10 phút xe lăn bánh. Một người cũng chạy, bốn người cũng chạy. Bánh kem xốp mía đường Biên Hoà nguyên liệu tự nhiên ngon tuyệt vời đây”!. Tiếng từ phía sau: “Nói phét. Lừa mị cả”. Tiếng người đàn bà nói lại cũng rất dịu: “Đúng đấy. Không lừa bịp như ta thường thấy đâu”.

Nghe mấy tiếng ấy, người đàn ông có tuổi ngồi cạnh tôi bỗng nhăn mặt, như người lên cơn đau. Người này phần trên to lớn đàng hoàng, phần dưới như bị thương tật cứ giấu đi. Người này thuộc một thế hệ chinh chiến chủ lực, như lứa ông anh cận kề của tôi.

Mới nhìn đã cảm bởi dáng vẻ như con thuyền chở khẳm, bao dung, nặng nhọc. Lại hiêng hiếng như một chiếc sỹ đặc công nước từng thoáng gặp trên bãi biển Quảng Trị khói lửa năm nào, trong một đêm đầy đạn lửa và sao trời.

Người đàn ông như có nét bối rối và lại nhăn mặt để lộ cơn đau, nhưng lấy lại ngay được gương mặt đầy nghị lực:

- Xin lỗi, cho tôi co đôi chân!

Rồi hai ống chân run lên như con chim bị thương. Nhìn kỹ thì hóa ra đó là đôi chân gần như bị liệt hoàn toàn.

Lại một cơn đau bất thần tiếp theo, người đàn ông như có chút khùng, nói tụt hoẹt cả ra như người đàn ông trong Nam uống nhiều thứ rượu đế. Một tay nâng một bên chân teo tóp mềm nhũn như sợi bún:

- Chân trái này bị ở trận đánh Khe Sanh, chân phải này thì mới bị năm kia, đi tìm mộ đồng đội ở Trường Sơn rồi vướng phải mìn…

Nói chưa dứt câu, biết lỡ đà vì thật thà quá, người đàn ông lấy lại sắc mặt lạnh bình thản như người quen cầm quân.

Khác hẳn bình thường, lúc anh lơ đi bán vé thì cả xe lặng lẽ, không hề có tiếng kỳ kèo mặc cả hoặc cãi lộn. Tức là tiền xe rất chuẩn, đến từng cây số. Khi anh lơ lên dãy ghế trên cùng, người đàn ông liệt chân rút ra hai tờ tiền đỏ loại mười nghìn đồng. Anh lơ cầm lấy tay người này có ý đặt lại hai tờ tiền vào túi người đàn ông.

Có nghĩa là không lấy tiền vé. Người đàn ông không chịu cứ đưa tiền. Anh lơ bèn nhượng bộ, chỉ cầm lấy một tờ mười nghìn đồng. Chứng tỏ họ có nét tâm giao từ lâu. Anh lơ cúi đầu nói rất nhỏ:

- Cứ khoảng tháng Tư hàng năm là ông anh lại xuỗng giỗ chị ấy!...

Xe đi vun vút nhẹ nhàng. Cái cửa kính xe phần trên quét sơn màu xanh nước biển rất dịu giờ có thêm màu xanh của những cánh đồng lúa dờn dợn hai bên đường hoà vào, đẹp đến nao lòng. Anh lái ý tứ dừng xe trước một lối chùa có cây hoa gạo thắm đỏ như son, để các bà các cô mua đặc sản vùng quê đi qua. Đó là thứ mía sọc đỏ, gọi là mía Lâm có tiếng và bánh giò làng Đoài dẻo đến dính cả răng.

Cô gái rất xinh lên bán hàng, cúi đầu chào anh lái và mấy ghế đằng trước, rõ nhất là chào người đàn ông liệt chân. Cô gái đặt một xếp bánh và một túi mía bên đùi người đàn ông. Người đàn ông đưa ra mười nghìn đồng còn lại và có ý không lấy hai thứ này. Cô gái liền đưa vào tay người này hai gói hạt dưa màu đỏ, kèm tờ mười nghìn đồng tiền đỏ. Họ đưa mắt ngầm hiều ý của nhau. Người đàn ông quay sang nói:

- Đi đường, tôi chỉ quen dùng thứ hạt dưa này, như hồi ở Trường Sơn, chỉ nghiện quả dọc, quả bứa rừng…

Nói rồi giọng chùng xuống như rơi vào ảo ảnh xa xăm:

- Vùng quê đất cát biển của cô ấy có loài dưa nổi tiếng lắm!

Biết tôi tỏ ý thích bắt chuyện, người đàn ông tinh ý bắt đầu kể đời mình:

- Ngày vào bộ đội đặc công, sau chuyển sang đặc công nước, đơn vị tôi về tập ở vùng quê cô ấy. Đó là một vùng biển nước hiền hoà có cả đất cát và phù sa, bên cạnh nghề chài lưới lộng khơi của đàn ông, còn có nghề trồng dưa và dâu tằm dành cho phụ nữ canh cửi.

Đàn ông vạm vỡ khỏe mạnh, đàn bà con gái từ xưa nay quay tơ dệt vải nên da dẻ đẹp lắm. Đơn vị đặc công của tôi toàn lính trẻ măng, kết nghĩa với đơn vị dân quân pháo bờ biển toàn nữ của địa phương, Mai là trung đội phó. Ngay từ đầu, tôi mê Mai, bởi đôi mắt mở to có đôi chút xanh nước biển, luôn nhìn ra khơi để hướng dẫn trung đội diễn tập. Nhất là mái tóc dài buông sau lưng và đôi môi đỏ thắm.

Dạo ấy nắng lắm. Chúng tôi vùi trong cát suốt ngày đêm. Có hôm chẳng hiểu tình cờ hay hữu ý giữa tôi và Mai lại xảy ra một chuyện như chuyện tình thường viết trong sách. Tôi đang vùi mình trong cát thì thấy lưng dịu mát như có nước tưới vào. Cảm giác lần đầu lạ lùng khiến tôi bất chấp nội quy bãi tập, thò cổ dậy thì nhận ra Mai. Mai gánh nước tưới cho bãi dưa. Thấy tôi mặt đỏ lựng như con cua luộc chín. Mai cười rất xinh:

- Nắng quê em thế này, các anh chịu sao nổi?

Tôi nói một câu tỏ ý bình thản, xen chút văn hoa:

- Cám ơn nàng tiên nhé!

Vậy là chúng tôi thương nhau, từ cái buổi “đội cát lên” ấy. Ngày sau đơn vị đến thăm trung đội du kích của Mai thì thấy trong tủ sách của cô có cuốn quả dưa hấu đỏ Mai An Tiêm.

Tôi và Mai như chẳng rời nhau được. Chúng tôi có những buổi nói chuyện ngoài bãi dưa. Mai bảo: “Mùa dưa này cho em gửi về biếu thầy mẹ nhé!”. Tôi cảm động: “Anh đón em về chơi cho biết nhà”. Dưới vầng trăng biển và tiếng súng đâu đó, hai cơ thể như hoà vào nhau. Chúng tôi đã nói đến ngày cưới.

Hai đơn vị kết nghĩa liên hoan để chia tay vào chiến trường, có kẹo bánh, dưa ngọt, có cả đĩa hạt dưa như những đám cưới. Môi cô cậu nào cắn hạt dưa vào cũng đỏ. Các bạn gái kể chuyện Mai có cách dùng bao hương đỏ ở chùa làng làm thế nào đó để nhuộm đỏ những hạt dưa…

Hôm chia tay Mai tặng tôi cuốn sách Mai An Tiêm và gói hạt dưa trong chiếc khăn tay. Tôi ôm chầm lấy em như muốn khóc, bởi tôi hiểu tất cả tình ý gói vào trong đó.

Chẳng hiểu trời đất báo điềm linh ứng thế nào, ngày mở đầu chiến dịch Khe Sanh tôi bị mảnh đạn cứa vào chân phải, thì cũng là lúc được tin ở quê nhà, trung đội pháo bờ biển của Mai bắn máy bay địch, bị trúng bom. Máu Mai hoà trong màu đỏ như máu của những quả dưa vỡ toác, rỏ dài cho đến trạm xá. Đến đó thì em mất!

…Đôi chân liệt mềm như hai sợ bún của người đàn ông lại run lên. Tôi nhìn sang anh, tất cả hoá thành màu đỏ như ráng chiều trên biển.

Miệng người đàn ông vẫn cắn mơ hồ hạt dưa và trong những chiếc vỏ dưa rơi xuống lả tả, có lẫn cả nước mắt trong đó!

Chiếc xe khách dịu dàng đỗ lại ở bến cát. Biển trước mặt vỡ oà. Từng đợt sóng trắng tinh dệt viền một dải trước bãi dưa, như áng mây trắng sà xuống. Người đàn ông, trở lại nét điềm tĩnh rắn rỏi hiếm có, rút từ đâu đó trong vạt áo: “Đây là dải khăn tôi giữ cho cô ấy!”.

Sóng trắng cứ buông mãi vạt dài trước bãi dưa.

Truyện ngắn của
Phan Cung Việt

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.