3.000 bức ảnh đã được in ấn cấp tốc ngay tại trường, đóng khung và trao tặng cho các em nhỏ trong ngày lễ tổng kết năm học 2023 - 2024.
Hạnh phúc khi thấy nụ cười
Các em nhỏ xã Du Già khoe ảnh kỷ yếu cùng các thành viên dự án Kỷ yếu trên bản |
Tiếp nối thành công của mùa Kỷ yếu trên bản lần đầu tại Y Tý (Lào Cai), những ngày cuối tháng 5/2024, dự án Kỷ yếu trên bản mùa 2 đã có mặt tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Du Già đúng vào dịp bế giảng năm học. 67 người trẻ là nhiếp ảnh gia, quay phim, tiktoker… đã vượt hàng trăm km từ Hà Nội về với Du Già, cùng nhau chuẩn bị bữa tiệc tổng kết năm học, chụp lại khoảnh khắc đáng nhớ của từng gương mặt học sinh, thầy cô nơi vùng núi xa xôi này.
Bên cạnh hoạt động chụp ảnh kỷ yếu, các em nhỏ nơi đây còn được làm quen với các thiết bị hiện đại như: máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim; tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn, đốt lửa trại và nhận những món quà ý nghĩa.
Niềm hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt các em bé thơ, những đôi mắt long lanh theo dõi từng động tác khéo léo của chú hề Trần Đức Nga, nghệ sĩ xiếc Nguyễn Văn Trường, cùng 3.000 chiếc chong chóng. Niềm vui vỡ oà khi các em nhỏ nhận bức ảnh của chính mình được đóng khung cẩn thận. Từng nhóm học sinh chụm đầu lại khoe ảnh cho nhau xem, nhiều em reo lên ôm ảnh chạy về khoe với bố mẹ…
Anh Lưu Minh Khương - sáng lập dự án Kỷ yếu trên bản, một nhiếp ảnh trẻ, đồng thời là một tiktoker triệu view, chia sẻ, với các bạn trẻ ở thành phố có lẽ chỉ mất vài giây đã có thể có được những tấm ảnh xinh xắn. Còn các em trên bản cao, vẫn phải lo cho cái bụng hết đói, nói gì đến chụp ảnh kỷ yếu lưu lại khoảnh khắc tuổi học trò.
“Dự án Kỷ yếu trên bản ra đời sau nhiều chuyến đi chơi của các bạn nhiếp ảnh trẻ. Đây hoàn toàn là một dự án cộng đồng với mong muốn cùng các bạn học sinh lưu giữ khoảnh khắc tuổi học trò. Các nhiếp ảnh gia yêu nghề có cùng mong muốn sẽ tới được các vùng đất xa xôi - nơi chưa tiếp cận nhiều với công nghệ, nơi những bức ảnh với các em còn là điều gì đó quá xa vời”, anh Khương cho biết.
Đi cùng đoàn dự án có anh Trần Đức Nga - nghệ nhân tạo hình bóng bay. Đây là lần thứ 2 anh trèo đèo, lội suối về vùng cao thực hiện dự án. Anh cùng các tình nguyện viên đã nặn hàng nghìn bóng bay ngộ nghĩnh, tổ chức trò chơi vui nhộn mang đến tiếng cười giòn tan cho những đứa trẻ tại Du Già.
“Không chỉ các em nhỏ bản cao được chụp ảnh kỷ yếu làm kỷ niệm mà các thành viên của dự án Kỷ yếu trên bản cũng có một hành trình tuổi trẻ tươi đẹp, cống hiến cho cộng đồng”.
Anh Lưu Minh Khương - sáng lập dự án Kỷ yếu trên bản
“Thật hạnh phúc vì cả hai chuyến đi đều mang lại rất nhiều tiếng cười và niềm vui bất ngờ cho các em vùng cao. Nụ cười của các em mang đến cho chúng tôi nguồn năng lượng tích cực để thực hiện tiếp các dự án thiện nguyện”, nghệ nhân Trần Đức Nga bày tỏ.
Cho đi và nhận lại
Lần thứ 2 tham gia dự án, tay máy Nguyễn Trung Anh được phân công phụ trách chụp ảnh kỷ yếu điểm trường Giàng Trù A. Đây là điểm trường nằm trên núi cao, đường đi rất khó. Anh được tăng bo bằng xe máy, rồi phải xuống cuốc bộ thêm gần 2km nữa mới tiếp cận được điểm trường.
“Khi biết hàng ngày các bạn nhỏ và thầy cô ở đây đều đặn phải vượt qua quãng đường gian nan để đổi lấy con chữ, thực sự đã gợi lên trong tôi rất nhiều cảm xúc, vừa thương, vừa cảm phục tinh thần hiếu học của các em. Tôi đã chụp những bức ảnh cho các bạn nhỏ cùng thầy cô bằng cả trái tim mình, với mong muốn ghi lại hình ảnh đẹp nhất cho các mảnh đời còn nhiều khó khăn nơi vùng núi xa xôi, hẻo lánh này”, Trung Anh chia sẻ.
Nói thêm về hành trình của đoàn, anh Lưu Minh Khương chia sẻ, những thành viên tham gia dự án Kỷ yếu trên bản không chỉ “cho đi” mà còn được “nhận lại” rất nhiều. Ngày chia tay, nhiều em nhỏ đã ôm lấy các thành viên khóc và cảm ơn. Anh Khương cùng nhiều người trong đoàn nhận được món quà từ các em nhỏ là những bức thư tay viết từ tờ giấy vở học sinh, với những câu chữ ngộ nghĩnh, chứa chan tình cảm: “Cháu cám ơn chú ạ”, “Cháu chúc chú về quê vui vẻ”, “Lớn lên cháu sẽ tìm gặp chú nhé”...
“Tôi đã bật khóc khi đọc được những dòng chữ này. Niềm hạnh phúc khi nhận được những món quà tinh thần từ học sinh, thầy cô khiến tôi hạnh phúc tới mất ngủ. Tôi rất trăn trở và cố gắng thu xếp thời gian, huy động nguồn lực để thực hiện các chuyến đi tiếp theo, tới nhiều trường học xa xôi khác trên khắp Việt Nam”, anh Khương chia sẻ.
Theo người sáng lập dự án Kỷ yếu trên bản, dự kiến tháng 9 này, dự án sẽ tiếp tục được thực hiện tại các điểm trường ở Mù Cang Chải (Yên Bái).