Chật vật về đích
Với kết quả 100% phiếu tán thành, 21 thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới. Phóng viên có cuộc trao đổi nhanh với ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.
Không giấu được niềm vui, ông Thắng khẳng định, có thành công hôm nay không chỉ là nỗ lực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình mà là của hàng vạn lao động đang hàng ngày miệt mài phục vụ du khách và bảo vệ quần thể Danh thắng Tràng An.
Tin vui của đoàn công tác ở Qatar chấm dứt chuỗi ngày lận đận, hồi hộp của Ninh Bình trong suốt quá trình khảo sát, lập và trình hồ sơ.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự kỳ họp thứ 38 của UB Di sản Thế giới, phát biểu: “Chúng tôi trân trọng cảm ơn và ghi nhận sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung tâm Di sản Thế giới, IUCN và ICOMOS trong việc hỗ trợ nhận diện và hoàn thiện hồ sơ Tràng An, đồng thời cảm ơn cộng đồng dân cư tại Tràng An và tỉnh Ninh Bình đã tham gia gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản”.
Dù được ví như “Hạ Long trên cạn” với gần 100 hang động tuyệt đẹp, con đường được công nhận của danh thắng này khá chông gai. Địa phương ấp ủ từ lâu, phải chờ đến phê duyệt của Chính phủ cuối năm 2011, Ninh Bình mới có thể làm hồ sơ đăng ký với UNESCO và được chấp thuận. Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc BQL Quần thể danh thắng Tràng An từng chia sẻ, Ninh Bình khá lúng túng, chưa tự tin lắm khi lập hồ sơ đề nghị công nhận. Bởi nếu chỉ xét trên tiêu chí về thiên nhiên, địa chất địa mạo, Tràng An rất dễ bị so sánh là giống Vịnh Hạ Long - khó có cửa được công nhận.
Từ chục năm nay, ĐH Cambridge (Anh) tích cực phối hợp với địa phương trong quá trình khai quật, khảo sát. Tháng 3/2012, chuyên gia người New Zealand Paul Dingwall đến Ninh Bình làm cố vấn. Cùng một số chuyên gia trong và ngoài nước, ông cũng tư vấn: ngoài tiêu chí 7 về cảnh quan thiên nhiên, và tiêu chí 8 về địa chất địa mạo, địa phương có thể quan tâm đến tiêu chí 5 về văn hóa. Giải pháp nhấn vào yếu tố văn hóa qua khảo cổ học- hướng đi mới và cũng là thách thức mới cho Tràng An vì phải tìm ra mối liên kết giữa hai yếu tố tưởng chừng không liên quan.
Di sản kép đầu tiên của Việt Nam
Với việc ghi danh này, Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới. Đặc biệt, Tràng An trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam. Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm ba khu vực liền kề: Di tích cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Trong đó, hàng loạt di tích thuộc quần thể này đã được xếp hạng: hai di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Cường (Cục Di sản) viết từ Qatar: “Giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể danh thắng Tràng An được UBDS Thế giới công nhận dựa trên ba tiêu chí chính quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Đồng thời, khu danh thắng này đảm bảo tính toàn vẹn và tính xác thực; đã thực thi và bảo đảm thực thi đầy đủ việc bảo vệ, quản lý di sản”. Bà Bích Liên cũng khẳng định, ngoài niềm vui ghi danh di sản, Việt Nam gánh “trọng trách bảo vệ, quảng bá những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và chuyển giao nguyên vẹn cho các thế hệ tương lai”.
Tiêu chí (v) về Văn hóa: Tràng An chứa đựng các bằng chứng về sự tương tác giữa con người và môi trường, thể hiện sự thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi về địa lý và sự khắc nghiệt nhất của môi trường trong lịch sử Trái đất, đặc biệt là những biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng.
Chuyên gia thế giới và Viện Khảo cổ học tìm thấy nhiều vỏ sò, vỏ ốc của cư dân người Việt cổ ở nhiều hang động như hang Trống, hang Bói, từ khoảng 20.000-10.000 năm trước Công nguyên.
Tiêu chí (vii) về Vẻ đẹp thẩm mỹ: Cảnh quan tháp karst của Tràng An chứa đựng những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những ngọn núi hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh, điểm xuyết với những đền, chùa, miếu linh thiêng.
Tiêu chí (viii) về Địa chất - địa mạo: Quần thể Danh thắng Tràng An minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm. (Karst: Hiện tượng phong hóa đặc trưng của miền đá vôi bị nước chảy xói mòn, tạo thành các hang động với nhũ đá, măng đá, sông suối ngầm).
Trở thành Di sản thế giới, Tràng An có thể trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nói rằng, năm sau Ninh Bình phấn đấu đón 3 triệu lượt khách, trong đó 1 triệu khách quốc tế. Từ 2015 trở đi, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 10%/năm.