Đó là nhận định của Merrick "Mac" Carey, cựu trợ lý cao cấp của quốc hội Mỹ, hiện là giám đốc điều hành Học viện Lexington, một tổ chức tư vấn về chính sách công tại Arlington, Virginia, Mỹ (*).
Viết trên National Interest, ông Carey cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế toàn cầu và thế lực quân sự khu vực, là một trong những sự trỗi dậy nhanh nhất trong lịch sử. Trung Quốc đã phát triển nhanh hơn Mỹ trong bốn thập kỷ liên tiếp. Họ đã xây dựng nền tảng công nghiệp và công nghệ để mở rộng nhanh chóng quân đội, đạt năng lực vệ tinh không gian tầm cỡ thế giới và tạo ra phiên bản GPS của riêng họ. Kinh tế học theo chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc đã tiếp quản toàn bộ các lĩnh vực của các nền kinh tế khác, bao gồm cả trong nền kinh tế Mỹ. Mỹ muốn Trung Quốc là đối trọng với Liên Xô và sau đó tích cực giúp Trung Quốc làm giàu, với kỳ vọng rằng các biến đổi thể chế theo mô hình phương Tây rồi sẽ diễn ra ở nước này.
Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Dân số Trung Quốc đang già đi với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử. Quốc gia này dự kiến mất 400 triệu người trong độ tuổi lao động trong thế kỷ này, và lực lượng lao động hiện đã giảm. Mất cân bằng giới tính ở mức 18 % dân số. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc không bao giờ phục hồi khi chính sách "một con" diễn ra trong nhiều thập kỷ. Ấn Độ có thể sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong thập kỷ này. Trung Quốc vừa mới rút lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Trung Quốc đang bắt nạt các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản. Samsung và Sony đang điều chỉnh lại hoạt động của họ tại Trung Quốc. Apple là một kẻ lạc hậu, nhưng đang có kế hoạch chuyển 20% chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc sang Ấn Độ. Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc sau cuộc đụng độ biên giới mới đây. Huawei có trong danh sách đen của chính quyền Trump và việc mất các ứng dụng Google trên điện thoại thông minh đã hủy hoại doanh số bán hàng bên ngoài Trung Quốc của tập đoàn thiết bị viễn thông khổng lồ nảy của Trung Quốc. Anh đã công bố kế hoạch loại bỏ hoàn toàn Huawei khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của Anh vào năm 2023.
Các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc lụn bại và giận dữ với Trung Quốc về chuyện coronavirus. Thị trường Châu Âu chiếm 16 % xuất khẩu của Trung Quốc, và nay là một “đống sắt vụn” kinh tế và tài chính. Thị trường Mỹ chiếm 19%, thái độ của tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc là rất rõ ràng, và quan điểm đó đang có được sự ủng hộ của quốc hội. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đang giảm nhanh chóng, giảm 17% từ mùa hè 2018 đến tháng 1/2020. Điều này còn bị làm trầm trọng đáng kể bởi coronavirus. Không ai nghĩ rằng sự “li hôn kinh tế” này có thể xảy ra quá nhanh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu của Trung Quốc cũng giảm từ 260 tỷ đô la năm 2017 xuống còn 125 tỷ đô la vào năm 2019. Tại sao Trung Quốc phải hạ nhiệt các dự án hạ tầng Sáng kiến Vành đai và Con đường?
Về mặt quân sự, hoàn cảnh địa lý của Trung Quốc chỉ có thể được mô tả là bị o ép và dễ bị tổn thương. Trung Quốc gần như bị bao vây bởi các quốc gia không thân thiện. Họ chỉ có một đồng minh là Triều Tiên, nhưng chỉ là một quốc gia “khách hàng” (tức là kém phát triển hơn và phụ thuộc vào Trung Quốc-PV). Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Úc và Ấn Độ đều lạnh nhạt hoặc thậm chí là thù địch đối với Trung Quốc. Hầu hết trong số này là đồng minh hoặc thân thiện với Mỹ. Nhiều nước được trang bị vũ khí công nghệ cao của Mỹ.
Để thực sự kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ cần kiểm soát cả Vịnh Subic và Vịnh Cam Ranh. Trung Quốc không có phần trăm nào thực hiện được điều đó. Philippines vừa thay đổi, từ việc rút khỏi, nay muốn duy trì một thỏa thuận quân sự với Mỹ. Biên giới biển của mọi quốc gia ở Biển Đông đều bị xâm phạm một cách trắng trợn bởi các yêu sách "Đường chín đoạn" của Trung Quốc. Đây không phải là cách kết bạn. Trong khi đó, cuộc ve vãn Mỹ-Ấn đang diễn ra tốt đẹp.
(*)Nội dung bài viết phản ánh quan điểm riêng của chuyên gia Carey, không nhất thiết là quan điểm của Tiền Phong.