Các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố tuần trước cho thấy tòa nhà Trụ sở Chiến thuật của Ủy ban An ninh Hàng hải Quốc gia, đã bị phá bỏ hồi tháng 9.
Một cơ sở khác do Mỹ xây dựng gần đó, Cơ sở bảo dưỡng tàu và xuồng bơm hơi, vẫn tồn tại trong các bức ảnh, được chụp vào ngày 1 tháng 10.
Tea Banh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, xác nhận việc phá dỡ nhưng bác bỏ lo ngại. "Chúng tôi đã chuyển cơ sở đến một địa điểm mới. Chúng tôi không thể giữ nó được nữa, và tòa nhà đã cũ", ông nói hôm Chủ nhật.
Trụ sở Chiến thuật của Ủy ban An ninh Hàng hải Quốc gia trước khi tháo dỡ
Hôm thứ Hai, Chính phủ Campuchia đã chính thức bác bỏ các ý kiến nói rằng việc phá dỡ có nghĩa là Trung Quốc sẽ có quyền sử dụng căn cứ. Đầu năm nay, Thủ tướng Hun Sen nói Trung Quốc không được độc quyền sử dụng căn cứ này, và các quan chức Campuchia đã nhiều lần phủ nhận, thường gọi đó là "tin giả".
Nhưng vụ phá hủy này làm dấy lên những lo ngại được một bản tin của The Wall Street Journal nêu ra vào tháng 7 năm 2019, trích dẫn các quan chức Mỹ, mô tả một hiệp ước bí mật giữa Campuchia và Trung Quốc cho phép Bắc Kinh tiếp cận Căn cứ Hải quân Ream trong nhiều thập kỷ, đồn trú quân nhân, lưu trữ vũ khí và cập bến tàu chiến.
Theo báo cáo, Trung Quốc cũng đồng ý xây dựng hai cầu tàu, một cho mình và một cho Campuchia, mặc dù các chuyên gia nói sẽ cần phải nạo vét để tàu chiến Trung Quốc sử dụng cơ sở này.
Hôm thứ Bảy, tổng tham mưu trưởng hải quân Campuchia xác nhận rằng Trung Quốc đang hỗ trợ một dự án mở rộng cảng và xây dựng một cơ sở sửa chữa tàu ở đó. Theo Nikkei Asia, kế hoạch bao gồm việc nạo vét để tăng độ sâu các vùng nước xung quanh căn cứ.
Các quan chức Mỹ nói họ đã biết về các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Campuchia vào năm 2018, khiến Phó Tổng thống Mike Pence gửi thư bày tỏ quan ngại về một căn cứ hải quân của Trung Quốc ở đó. Nhiều tháng sau đó, những lo ngại đã dấy lên, khi Campuchia bất ngờ từ chối đề nghị của Mỹ về việc sửa chữa các cơ sở.
Joseph Felter, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nam và Đông Nam Á, đã viết vào thời điểm đó rằng quyết định đó đã "thúc đẩy suy đoán" về "kế hoạch lớn hơn" đối với Ream "liên quan đến việc lưu trữ các tài sản quân sự của Trung Quốc".
Công việc tại Ream không phải là mối quan tâm duy nhất. Mỹ và những nước khác đã vận động Campuchia không để quân đội Trung Quốc sử dụng một sân bay mới đang được xây dựng bởi một công ty Trung Quốc cách Ream khoảng 40 dặm về phía tây bắc, bao gồm một cảng biển và cơ sở hạ tầng du lịch.
Công ty xây dựng sân bay cho biết nó được sử dụng cho mục đích thương mại, nhưng các đường băng đủ dài cho máy bay quân sự Trung Quốc, bao gồm cả máy bay ném bom. Trong khi công bố các biện pháp trừng phạt chống lại công ty Trung Quốc đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết có "những báo cáo đáng tin cậy" rằng cơ sở này có thể tiếp nhận quân đội Trung Quốc.
Hình ảnh được công bố bởi Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của CSIS cũng cho thấy việc tôn tạo đất được thực hiện bởi một công ty Trung Quốc ở vị trí cách Ream 3 dặm về phía bắc. Công ty đã tiến hành công việc này từ tháng 2 và một công ty Trung Quốc đã thuê những lô đất lớn xung quanh căn cứ.
Chính phủ Campuchia cũng cho biết vào tháng 2 rằng khu vực ven biển xung quanh Ream sẽ là địa điểm của một khu du lịch trị giá 16 tỷ USD.
Việc nạo vét để cải tạo đất đó bắt đầu chỉ bốn ngày sau khi dự án được công bố và có thể liên quan đến cơ sở hạ tầng cảng cho dự án nghỉ dưỡng, AMTI cho biết, đồng thời nói thêm rằng "các cơ sở hiện tại tại Căn cứ Hải quân Ream chỉ có thể tiếp nhận các tàu tuần tra nhỏ, bất kỳ việc phát triển cảng quy mô lớn nào gần đó đều đáng theo dõi”.
Ream gần Sihanoukville, một đầu mối đầu tư của Trung Quốc. Một quan chức Campuchia cho biết vào tháng 2 rằng chính phủ muốn phát triển nó thành một trung tâm công nghiệp và thương mại "giống như Thâm Quyến" ở Trung Quốc.
Bắc Kinh đã hỗ trợ chính phủ Campuchia trong khi quan hệ Mỹ-Campuchia xấu đi trong những năm gần đây.
Giám đốc AMTI Greg Poling nói với Business Insider sau khi báo cáo của The Wall Street Journal được công bố rằng một căn cứ của Trung Quốc tại Ream khó có thể giống với các tiền đồn ở biển Đông mà Bắc Kinh đang nắm giữ, so sánh nó với căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti, cơ sở quân sự ở nước ngoài đầu tiên của họ, "điều này cho phép Trung Quốc luân chuyển khiêm tốn sự hiện diện."
Mặc dù không mang lại cho Bắc Kinh khả năng phát triển sức mạnh mới ở biển Đông, nhưng sự hiện diện ở đó sẽ cho phép Trung Quốc "phát huy sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh không quân, trên Vịnh Thái Lan, eo biển Malacca và Biển Andaman theo cách trước đây không thể”, ông Poling nói thêm.