Hạnh phúc lặng thầm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hạnh phúc là gì? Đó là nan đề mà phận làm người mải miết đi tìm. Tấm vé số may mắn đó, có trúng không, sớm hay muộn, lắm khi như trò chơi số phận, gieo cầu vào ai thì người đó hưởng. Nhưng cuộc sống lại cho ta thấy rằng, hạnh phúc không là ẩn số, bởi nó giản dị, ở ngay chính mình khi ta nhận ra rằng, đã là hạnh phúc thì không có thước đo, như những chàng trai cô gái đôi mươi tôi gặp ở nơi này…

Bài học không có trong giáo trình

Nghe tiếng đùa vọng lại, có giọng cười như trẻ thơ khiến tôi tò mò đi tìm đến nơi phát ra âm thanh ấy. Những chàng trai khoác trên mình tấm áo lính. Hẳn đọc được suy nghĩ trong tôi, cậu thanh niên có vẻ chững chạc nhất nhóm giới thiệu là sinh viên của Học viện Kĩ thuật Quân sự đang trong những ngày tình nguyện tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên (tỉnh Hà Nam).

Cạnh họ, người thương binh liệt hai chân đang nở nụ cười rạng rỡ. Dường như các chàng trai đang cho ông gặp lại thời trẻ hào hùng dẫu ngắn ngủi của mình mấy chục năm về trước…

Ông là Nguyễn Đình Cường, sinh năm 1959, quê huyện Yên Mô (Ninh Bình), thương binh 1/4, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và bị thương năm 1978. Đến nay đã hơn 40 năm ông gắn bó nơi đây. Sau khi bị thương, ông Cường quyết định không xây dựng gia đình và hiện vẫn còn mẹ già gần 90 tuổi đang sinh sống ở quê. Mỗi năm, Trung tâm đều bố trí xe đưa, đón ông về thăm gia đình 2 lần.

Nếu không hỏi và ông không nói ra thì tôi không thể nghĩ người đàn ông này đang mang trong mình mảnh kim khí trong phổi, sát tim khiến mỗi khi trở trời ông lại khó thở. Mảnh đạn pháo năm đó đã đánh trúng tủy sống khiến chàng trai 19 tuổi vĩnh viễn không thể tự bước đi trên đôi chân của mình. Nhưng bao năm tháng qua, dẫu hạnh phúc lứa đôi không trọn vẹn nhưng ông đã tìm cho mình mái ấm thực sự tại ngôi nhà chung.

Ở người lính này không khó để nhận ra tinh thần lạc quan, sự hài hước trong những câu chuyện ông chia sẻ. Dường như chiến tranh và những vết thương không phải là rào cản để hai thế hệ bộ đội cụ Hồ đang đứng trước mặt tôi có khoảng cách.

Dương Huy Hoàng, lớp thông tin đại đội 35 tiểu đoàn 3 (Học viện Quân sự) vừa bóp vai cho bác thương binh vừa thủ thỉ: “Có những thứ chúng con không được học trong sách mà qua các bác, những nhân chứng lịch sử để thấy thế hệ trước gian khổ thế nào để những người lính đi sau như con được sống trong hòa bình”. Lời tâm sự chân thành của chàng trai vừa tròn 22 tuổi, cái tuổi bằng một nửa đời thương binh của người lính già bất giác cho tôi cảm nhận cậu đã trưởng thành thực sự.

Những chàng trai, cô gái mới đôi mươi đến với lớp đồng đội nay tóc đã bạc màu thời gian, bằng tinh thần xung phong tình nguyện, nhiệt tình, năng nổ. 19 học viên của Học viện Kĩ thuật Quân sự có mặt tại trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên được chia thành các tổ, nhóm đảm nhận các công việc khác nhau: Tổ “cắt tóc tình nguyện” đến từng nhà, gõ cửa từng phòng để cắt tóc cho các bác. Có tổ cắt tỉa cây cảnh, nhổ cỏ, quét dọn bồn hoa, khuôn viên, mang lại không gian xanh. Có tổ làm nhiệm vụ dọn dẹp, lau chùi các phòng điều dưỡng của các bác cho thoáng mát, sạch sẽ hoặc trò chuyện, giao lưu, nghe các cựu binh kể lại chuyện về những ngày chiến tranh gian khổ nhất...

Hạnh phúc lặng thầm ảnh 1

Khi nghe thông báo về kế hoạch tổ chức hoạt động hè tình nguyện lần này của Trường, Trung sĩ Nguyễn Thị Hồng Vy, học viên lớp Thông tin, Đại đội 355, Tiểu đoàn 3 đã ngay lập tức đăng kí. Cô gái nhỏ nhắn ấy nhận thấy, bên cạnh nhiệm vụ thì đây còn là một hoạt động hết sức ý nghĩa, là cơ hội tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, cơ hội để thế hệ trẻ tri ân tới những người đã cống hiến một phần xương máu của mình cho một đất nước.

Mối lương duyên đặc biệt

Như một mối lương duyên, 59 cựu binh tuổi cao, sức yếu ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên đang nhận được sự quan tâm chăm sóc của những nữ hộ lí, những người đã tình nguyện ở bên họ vào lúc cô đơn nhất, khi trái nắng trở trời. Dẫu muôn vàn khó khăn nhưng những cô gái trẻ ấy đã dành cho các bậc tiền bối tình yêu thương và nghĩa cử ân tình.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng sự khốc liệt của nó vẫn hiện hữu trên cơ thể của những người lính. Trong vài ngày lưu lại Trung tâm tôi có dịp đi thăm nhiều gia đình thương binh có vợ chồng con cái đủ đầy. Nhưng nhiều hơn cả là những người đàn ông đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời với chằng chịt nỗi đau thể xác. Người mù cả hai mắt, người cụt cả hai chân, người sống trong ám ảnh chiến tranh vì chấn thương sọ não. Điểm chung dễ nhận thấy nhất ở họ là tổn thương nặng về trí tuệ cũng như cơ thể nên các y, bác sĩ, điều dưỡng phải phục vụ từ ăn, tắm, ngủ, nghỉ đến uống thuốc.

Hạnh phúc lặng thầm ảnh 2

Điều dưỡng và những người lính trẻ bên vị cựu chiến binh

“Bác ơi, bác mời cơm nhé”, tiếng điều dưỡng vang lên cắt ngang câu chuyện giữa hai chúng tôi. Là Đỗ Thị Huyền Trang, điều dưỡng của Trung tâm đến giúp ông ăn cơm trưa.

Cẩn thận dùng khăn lau mặt và tay cho người lính, cô vừa dặn dò: “Hôm nay cơm ngon lắm, đúng món bác thích đấy. Bác phải ăn hết cho bọn con vui nhé, không là chị phóng viên lại bảo con không biết chăm bác đấy”. “Bố chị, nựng tôi như nựng trẻ con thế hả”, người đàn ông ngồi trước mặt tôi nở nụ cười ấm áp. Bất giác chứng kiến khoảnh khắc thấm đẫm tình cha con của 2 người không chung huyết thống, tôi thấy hạnh phúc lây…

Ông là Trần Quý Quyền, sinh năm 1954 (quê Thanh Thủy, Thanh Liêm, Hà Nam). Ở tuổi 20, để lại quê nhà người vợ trẻ và con thơ, Quyền xung phong vào chiến trường B2 miền Đông Nam bộ. Sức trẻ và hoài bão giành độc lập cho Tổ quốc luôn thôi thúc chàng trai hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của người lính. Nhưng thật không may, 3 năm sau ngày nhập ngũ Quyền bị thương do mìn. Vĩnh viễn lìa xa ánh sáng cuộc đời bởi đôi mắt đã mù, vĩnh viễn không còn có thể tự bước đi khi những mảnh kim loại sát thương cướp mất đôi chân của cậu lúc mới ở độ tuổi ngoài 20.

Hạnh phúc lặng thầm ảnh 3

Điều dưỡng truyền dịch cho thương binh Nguyễn Đình Cường

Trước mặt tôi giờ đây là ông cụ tóc bạc trắng, chỉ còn hơn nửa người bởi đôi chân bị cắt gần hết phần đùi khiến mọi di chuyển đều trông cậy vào xe lăn, gan, ruột cũng bị cắt 1/3.

Ngày lại ngày ông an vui bên những ván cờ tướng với đồng đội năm xưa. Mấy chục năm ông Quyền ở đây, vợ ít ra vì con nhỏ, lại có người con bị ảnh hưởng chất độc da cam. Sau này con cái lớn hơn thi thoảng bác gái mới lên. Mọi sinh hoạt cá nhân, dọn dẹp nhà cửa trông cả vào những người như Trang.

“Mấy đứa con gái ấy là cô Tấm bước ra từ quả Thị đấy chị ạ. Chăm nom người già trái tính, trái nết mà tịnh không thấy đứa nào kêu nửa lời”, ông Quyền buột miệng nói khi thấy tôi đang nhìn Trang dọn dẹp nhà cửa. “Các bác còn mắng được bọn con là còn sức khỏe, nên con vẫn vui”, Trang vừa làm việc nhà vừa hóm hỉnh trêu ông Quyền.

Hình ảnh hai thế hệ người lính bên nhau trong chiều hoàng hôn cùng thanh âm là những tiếng cười vang vọng khiến cho không gian xung quanh trở nên khoáng đạt. Cảm giác về mất mát do chiến tranh dường như bị đẩy lùi bởi yêu thương đang lan tỏa nơi này…

Trang đã gắn bó với Trung tâm hơn 2 năm, từ bỏ công việc có thu nhập cao hơn và ít vất vả hơn để về làm tại đây vì muốn chăm sóc bố chồng, ông Lê Đình Ẩm (sinh năm 1960), người thương binh trong cuộc chiến biên giới phía Bắc năm xưa, với thương tật 91%. “Thu nhập thấp nhưng được chăm nom những người đã dành cả thanh xuân cho đất nước thì bọn em thấy yên lòng chị ạ”.

Hỏi có khi nào thấy chạnh lòng vì công việc lặp đi lặp lại không, Trang hạ giọng: “Có lúc cũng tủi thân, không phải vì chán chăm các bác mà vì môi trường ở đây không cho bọn em phát triển thêm được. Hằng ngày tiếp xúc với những người ở tuổi xưa nay hiếm phải để ý hơn đến lời ăn tiếng nói, nắm được sở thích và tính cách từng người. Ở môi trường làm việc cũ giới trẻ tiếp xúc với nhau thì vui hơn”.

Lại hỏi nếu cho đổi về công việc cũ hoặc chọn một việc mới vui hơn thì Trang bảo vẫn chọn ở nơi này. Với cô, được chăm sóc những người Cha thương binh, nhất là khi vết thương tái phát khiến cô cảm thấy mình có thể san sẻ được phần nào nỗi đau mà họ đã đeo đẳng suốt cuộc đời. Ở thế hệ người trẻ như Trang, điều tốt đẹp đó không hẳn là nhiều bởi nó đòi hỏi hi sinh những khát vọng bản thân, cống hiến cho cộng đồng bằng công sức và trái tim nhiệt huyết.

Hạnh phúc lặng thầm ảnh 4

Hai người lính - 2 thế hệ

“Đi với chị lấy đồ cho các bác đi”, điều dưỡng Nguyễn Thị Tiến rủ Trang. Tiến có bố đẻ là thương binh nặng Nguyễn Phan Thiết (sinh năm 1946) cũng sống ở đây vài chục năm cho đến khi qua đời vì vết thương tái phát năm 2012. Suốt 12 năm qua, Tiến cần mẫn gội đầu, tắm giặt, bón cơm cho những bác thương binh nặng phải nằm một chỗ. Từng nhiều năm chăm sóc cho bố nên Tiến thực sự thấu hiểu, thông cảm và thương yêu các bác thương binh như chính cha đẻ của mình.

“Làm việc ở đây tuy vất vả, lương thì ba cọc ba đồng, chăm các bác còn hơn cả bố mình, không vừa ý là mắng bọn em luôn, nhưng lại thương vì nhớ lại hình ảnh của bố. Cảm giác bình yên như chính nhà mình, bao lần định bỏ việc rồi lại thôi, không bỏ được chị ạ”, Tiến khẽ cười khi nhớ lại phút yếu lòng. Chồng làm việc tận Hải Dương, Tiến thuê căn nhà nhỏ để mấy mẹ con ở và tiện sang Trung tâm chăm nom các cụ. Những hi sinh thầm lặng đáng quý đó hình như Tiến không nhận ra từ chính mình.

“Chị thấy không, nụ cười của các bác là liều thuốc tinh thần giữ em lại đây”, tôi nhìn theo hướng Tiến chỉ, những người lính già đang cùng nhau hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” mang âm hưởng đời thường và đậm đặc chất lính. Tôi nhìn nụ cười trên những gương mặt đã hằn dấu vết thời gian bỗng thấy giai điệu bài hát đẹp và trữ tình quyện chặt với tính hùng ca đã “truyền lửa” vào trái tim của mỗi người ở thế hệ sau.

“Những việc bọn em làm được có là gì đâu so với những mất mát mà các bác đã nhận lấy để đổi lại cho chúng ta bình yên”. Lời tâm sự của Trang trong buổi tối lộng gió đưa tôi quay về với những bản tình ca. Ở đó có Tình yêu mang tên Tổ Quốc, có những trái tim mang tên thuỷ chung, có những nỗi nhớ mang tên hậu phương và có những chàng trai mang tên người lính…

Phật dạy con người phải sống vị tha, sống để đi tìm hạnh phúc cho người khác chứ không phải chỉ lo hạnh phúc cho riêng mình. Những người trẻ hôm nay đã thấm nhuần lời dạy ấy để mỗi hành động dẫu nhỏ bé, âm thầm nhưng mang sức mạnh vô lượng với những người lính già đang ở bên kia sườn dốc cuộc đời. Tấm chân tình ấy như ngọn lửa nhỏ sưởi ấm khoảng lặng vô hình nơi cuộc đời những người đàn ông tưởng mạnh mẽ nhưng lại vô cùng mềm yếu trước nỗi cô đơn.

Nghĩ đến đây, tôi nhớ bài hát Tự Nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh sáng tác trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe năm 1968: “Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng/Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương/Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm/Là người tôi sẽ chết cho quê hương…”.

Hạnh phúc là tự nguyện! Điều đó giản dị biết bao, nhưng nào có dễ. Nó chỉ có được từ tấm lòng và nhận chân được ra nó cũng chỉ bằng tấm lòng, bất luận tuổi tác, thời gian… Và tôi nghĩ, lí giải phút kề vai cùng tiếng cười của hai thế hệ trong trung tâm này, có lẽ chẳng cần cao xa gì, nó chính là tự nguyện, đâu chỉ cho riêng ai, vì ai, mà đó là vì Tổ quốc…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.