Chuyện ít biết về những người chăm sóc thương, bệnh binh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cùng học ngành y ra nhưng việc phục vụ các thương, bệnh binh ở Trung tâm điều dưỡng người có công khác hẳn với các y, bác sĩ công tác ở các bệnh viện thông thường. Nhiều người gọi đây là "nghề đặc biệt".

Trung tâm điều dưỡng người có công Phú Thọ trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Phú Thọ có 2 nhiệm vụ: Một là chăm sóc và nuôi dưỡng 31 đồng chí thương binh, bệnh binh nặng mất sức từ 81% trở lên, có quê hương ở 6 tỉnh và thành phố gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên và thành phố Hà Nội. Hai là điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là Trung tâm duy nhất ở phía Bắc thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ trên.

Chuyện ít biết về những người chăm sóc thương, bệnh binh ảnh 1

Đoàn báo Tiền Phong thăm Trung tâm điều dưỡng người có công Phú Thọ

Trung tâm có 52 cán bộ viên chức và người lao động. Ban lãnh đạo gồm 1 Giám đốc và 2 Phó giám đốc, 4 Phòng chức năng: Tổ chức- Hành chính; Kế toán- Tài vụ; Điều dưỡng; Y tế- Phục hồi chức năng. Trong đó Phòng Y tế - Phục hồi chức năng (gọi tắt là Phòng Y tế) có nhiệm vụ đặc thù nhất.

Chỉ với 12 cán bộ, nhân viên nhưng các anh chị là những người trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng 31 cô bác thương binh, bệnh binh nặng. Mỗi thương, bệnh binh ở Trung tâm lại có vết thương, bệnh tật khác nhau. Những thương, bệnh binh ở đây là những người lính đã từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường chống Mỹ, biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Người ít tuổi nhất cũng đã là 57 tuổi, còn người cao tuổi nhất vừa tròn 80 tuổi.

Tuổi cao, sức yếu, thương tật nặng, ảnh hưởng chất độc da cam, vì thế hầu như các thương, bệnh binh đều có bệnh nền như: viêm gan, suy thận, tiểu đường, huyết áp cao, máu nhiễm mỡ… Có thương binh cứ 2 ngày lại phải đi viện chạy thận lọc máu một lần như thương binh Đỗ Xuân Quý quê ở xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Tùy vào thương tật, bệnh tật của mỗi thương, bệnh binh hoặc hoàn cảnh gia đình, tính nết của từng người mà anh chị em cán bộ, nhân viên Phòng Y tế phải nắm bắt được để chăm sóc, phục vụ làm sao cho hợp lý. Cứ như thế cán bộ, nhân viên trong Phòng Y tế truyền nhau kinh nghiệm để chăm sóc tốt nhất cho các cô bác thương, bệnh binh.

Nhiệm vụ đặc biệt

Cùng học ngành y ra nhưng việc phục vụ các thương, bệnh binh ở Trung tâm điều dưỡng người có công khác hẳn với các y, bác sĩ công tác ở các bệnh viện. Ở Trung tâm điều dưỡng ngoài việc thăm khám, sơ cứu ban đầu cho các thương, bệnh binh, nhiệm vụ chủ yếu của các nhân viên y tế là chăm sóc, nuôi dưỡng. Ngày nào cũng như ngày nào, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, nhân viên y tế phải đến từng buồng của các thương, bệnh binh giúp các bác làm vệ sinh cá nhân, tắm rửa, giặt giũ, nâng đỡ các bác thương binh liệt lên xe lăn, rồi cắt tóc, cạo râu, cắt móng chân, móng tay cho các bác. Tiếp theo là vệ sinh buồng phòng, gấp chăn màn, quần áo; quét dọn lau chùi nhà cửa, bàn ghế… Chỉ cần sơ suất, bị các bác phàn nàn nhắc nhở coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy mà việc thực hiện nhiệm vụ ở đây ngoài tinh thần trách nhiệm, mỗi cán bộ, nhân viên còn phải xuất phát từ cái tâm của mỗi người.

Chuyện ít biết về những người chăm sóc thương, bệnh binh ảnh 2

Nhiều thương bệnh binh được y bác sỹ của trung tâm chăm sóc chu đáo

Lãnh đạo trung tâm quán triệt: mỗi cán bộ, nhân viên hãy coi trung tâm là ngôi nhà thứ hai của mình, coi các ông bà, cô bác thương, bệnh binh như người thân trong gia đình.

Ngược lại, các bác thương, bệnh binh cũng coi các nhân viên trung tâm như con cháu của mình. Vì thế mà không khí ở trung tâm hiện nay như một gia đình lớn. Các cô, các bác thương, bệnh binh và nhân viên gặp nhau lúc nào cũng chuyện trò, cười đùa vui vẻ.

Khó khăn vất vả nhất đối với nhân viên Phòng Y tế là lúc anh chị em chăm sóc các cô bác thương binh điều trị ở bệnh viện. Mỗi khi có các thương, bệnh binh nhập viện điều trị, nhân viên phòng y tế lại phải thay phiên nhau mỗi người đi chăm một đợt từ 5 đến 7 ngày. Nhiều người phải gửi nhà cửa, con cái cho ông bà, bố mẹ nội ngoại trông nom để đi. Đi trông người bệnh, đặc biệt đó lại là chăm sóc thương binh nặng cả tuần ở bệnh viện, rất vất vả. Vì thế mỗi đợt đi về ai cũng phải hao đi mất một vài cân. Nhưng bù lại các cô bác thương, bệnh binh khỏi bệnh, mạnh khỏe trở về, chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của anh chị em cán bộ, nhân viên.

Bằng tình yêu nghề nghiệp, sự kính trọng các cô bác thương binh, bệnh binh, nhân viên Phòng Y tế và Phục hồi chức năng trung tâm đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà lãnh đạo giao cho, đóng góp vào phần lớn thành tích chung của Trung tâm.

Trung tâm điều dưỡng người có công Phú Thọ đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất.

Nhiều năm qua, trung tâm luôn là lá cờ đầu trong công tác thi đua của ngành Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Phú Thọ.

MỚI - NÓNG