>> Nhà máy điện hạt nhân Việt Nam: Chọn công nghệ an toàn tự động
ĐB Dương Trung Quốc (phải) cho rằng, sợ và e ngại điện hạt nhân cũng phải thôi. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Khác với những sôi nổi vui vẻ của các buổi giải lao, dường như có chút chi đó trầm mặc. Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản vừa nâng mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân từ cấp 4 lên cấp 5. Trong thang đo quốc tế mức độ nghiêm trọng của sự cố hạt nhân có 7 cấp. Sự cố nhà máy Chernobyl (Ucraina) năm 1986 - phát tán bụi phóng xạ ra một khu vực có bán kính tới hàng nghìn km - được xếp ở cấp độ 7.
Lạy trời đừng giáng họa thêm cho nước Nhật và lây cả sang láng giềng! Nhưng những trao đổi bộc bạch nhiều hơn cả của ĐBQH vẫn là bày tỏ sự khâm phục, kinh ngạc trước cung cách bình tĩnh, tình người ấm áp như cổ tích như huyền thoại của người dân đất nước Phù Tang trong hoạn nạn. Rồi không biết ai khơi mào, những ý kiến về sự an toàn nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã rộ lên...
Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm VPQH vùn vụt ngoài hành lang chắc đang bận việc gì gấp cũng nán lại bởi đám báo chí chèo kéo... Ông cười, nói luôn: “Tôi trả lời với báo chí trong và ngoài nước, Quốc hội Việt Nam đã từng thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bàn kỹ từ công đoạn chuẩn bị, công nghệ thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực vận hành nhà máy, và cho đến giờ phút này chưa có chủ trương nào khác”.
Liệu kỳ họp này có chương trình riêng thẩm định lại chủ trương ấy? Kỳ họp cuối chỉ có 8 ngày nên không có chương trình đó- ông Đàn nói thêm- trong thảo luận về kinh tế - xã hội, ĐBQH nào có ý kiến về vấn đề này thì phát biểu...
ĐB Nguyễn Minh Thuyết bao giờ cũng tạo ra một thứ từ trường nào đó để hút các nhà báo. Chất giọng ông vẫn điềm tĩnh bình thản cố hữu rằng, tại sao không làm điện hạt nhân? Kinh tế phát triển, bài toán năng lượng khó mà tìm ra lời giải bằng cách vá víu mua điện với phát triển nhiệt điện, thủy điện. Với lại nhân nói thủy điện, tạm coi như là đã hết đất.
Trước sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ta cũng phải khẩn trương rà soát xem xét độ bền vững của một số công trình thủy điện, như Sơn La chẳng hạn. (Tôi chợt nhớ QH khóa XI, ông Thuyết là ủy viên UB KHCN& Môi trường của QH).
Thảm họa Chernobyl mấy trăm ngàn người mắc nạn đau xót chứ. Nhưng, nếu đập Sơn La bị trục trặc bởi động đất mạnh thì sẽ đe dọa mạng sống hàng triệu người? Những đứt gãy, những đỏng đảnh của địa tầng của kiến tạo vẫn còn nguyên tiềm ẩn những tai họa (dường như khác với lo lắng của ĐB Thuyết, ban nãy Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nói, địa chất Sơn La ổn định, thủy điện Sơn La chịu được động đất cấp 9).
Ta đã lường trước đã có những phương án đối phó tình huống xấu nhất chưa? Với điện hạt nhân Ninh Thuận, nghe nói đã bàn kỹ từ công đoạn chuẩn bị, công nghệ thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực vận hành nhà máy và bây giờ được nghe thêm rằng áp dụng công nghệ hiện đại tiên tiến và an toàn hơn nhà máy Fukushima của Nhật nhưng các bước tiếp theo của việc khả thi dự án, tôi đề nghị phải mời phải thuê những chuyên gia giỏi của quốc tế trong đó có IAEA kiểm tra xem xét thẩm định thêm nhiều lần, sau đó giải trình lại với Quốc hội.
ĐB Dương Trung Quốc, vẫn cung cách cởi mở, uyển chuyển rất chi là... chính khách. Ông nghị sĩ đầu bạc cho rằng, sợ và e ngại điện nguyên tử cũng phải thôi nhưng hiện tại chúng ta thay bằng gì? Thông báo và cũng là cảnh báo của cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) rằng tiêu thụ năng lượng từ nay đến năm 2035 sẽ tăng 49%.
Như thế đặt ra câu hỏi: Phải đáp ứng làm sao nếu không xây thêm nhà máy điện hạt nhân? Với Ninh Thuận, nếu ai đó phản đối thì phải đưa ra phương án gì đó khả thi chứ? Tôi nghĩ chỉ có cách phải chu tất hơn, cẩn trọng hơn, khắt khe nghiệt ngã hơn trong việc chọn lựa, thẩm định kiểm tra.
Cũng tình cờ, ta đang bàn về chuyện làm bôxit Tây Nguyên thì đùng cái xuất hiện thảm họa bùn đỏ ở Hunggari. Vừa quyết cơ bản điện hạt nhân Ninh Thuận thì xảy ra sự cố ở Fukushima. Bất hạnh của nơi kia là bài học của nơi này. Tất nhiên chọn phương án tiên tiến hiện đại hơn an toàn hơn thì phải đổ tiền ra nhiều hơn!
Nghiêng ngó mãi tịnh chẳng thấy ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của QH xuất hiện ở hành lang, tôi đành bấm máy... Tôi muốn biết ý kiến ông chủ nhiệm UB về ý kiến của ông Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn, trong các cuộc gặp gỡ với báo chí đã có thông tin rằng khả năng sử dụng công nghệ điện nguyên tử của Nhật Bản cho nhà máy của Việt Nam trong tương lai “không có vấn đề” vì “công nghệ hiện đại nay đã an toàn hơn rất nhiều”.
Rằng lò phản ứng đang gặp sự cố tại Fukushima thuộc thế hệ cũ, được xây dựng từ những năm 1966-1970, nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận với công nghệ mới tự phản ứng khắc phục sự cố, an toàn hơn rất nhiều.vv...
Ông Chủ nhiệm cắt ngang rằng có lẽ vào một dịp thích hợp ông sẽ nói cụ thể! Ông chưa có bình luận nhận xét gì về ý kiến của ông Vương Hữu Tấn. Ông Minh nói thêm vẻ thận trọng rằng hiện tại các chuyên gia và cơ quan chức năng phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng những gì đang xảy ra tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima.
Không kỳ họp này thì tại các kỳ sau, chắc có lẽ sẽ dài dài những sự thẩm định về chủ trương tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận? Chuông reo kết thúc giờ giải lao, một ĐBQH đã thẳng thắn: Người Việt mình phải cố gắng học tập đức tính quý báu của người Nhật khi đất nước có biến.
Đó là tố chất để thích ứng và quản trị ở thời công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Bởi nếu có trao vào tay những lò hiện đại của thế hệ điện hạt nhân mới nhất này khác, một thế hệ chuyên gia kỹ thuật người Việt, nếu không có những tố chất ấy - chưa nói động đất với sóng thần - thì cũng dễ dẫn đến trục trặc!
... Nhưng sáng nay, được đứng bên những người đương mang vác sứ mệnh của cơ quan quyền lực cao nhất nước, tự dưng thấy có cảm giác được sẻ chia, thấy như an lòng, tự tin ấm áp hơn?
Với việc kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII thông qua chủ trương (tiền khả thi) xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, sau thời điểm ấn nút ngày 25-11-2009 ấy, liệu Ninh Thuận đã êm thuận? Tôi tìm gặp ông Phó trưởng Đoàn ĐBQH Ninh Thuận Nguyễn Ngọc Minh. Ông Minh thẳng thắn, cho đến giờ, chưa có kiến nghị cụ thể bằng văn bản nào về việc hai nhà máy ở hai địa điểm khác nhau nhập thành một! Nghĩa là trước sau vẫn như quyết định hôm QH ấn nút biểu quyết. Nhà máy điện Ninh Thuận 1 sẽ được xây dựng tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, cách trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm của Ninh Thuận khoảng 20 km. Nhà máy Ninh Thuận 2 sẽ được xây tại xã Vĩnh Hải, huyện Thuận Bắc. “Cũng có những ý kiến bàn tán lo lắng cho sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nay mai, nhưng chúng tôi tuyệt đối tin tưởng vào sự thẩm định của Trung ương”. |
21-3-2011
Ghi chép của Xuân Ba