Hàng triệu người đối mặt với nạn đói

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi bão cát hủy hoại mùa màng và hạn hán làm tình trạng thiếu lương thực trở nên trầm trọng hơn, nhiều bà mẹ phải đi bộ hàng chục cây số để cho con mình ăn tại các trạm y tế.

Sau bốn cơn bão dữ dội trong nhiều tuần và đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm, nhiều người lo ngại rằng cuộc khủng hoảng lương thực mà 2 triệu người ở miền Nam Madagascar đang phải đối mặt có thể trở thành nạn đói.

Với lượng mưa thấp kỷ lục ở khu vực Grand Sud, Mạng lưới Cảnh báo sớm Nạn đói của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAid) đang cảnh báo rằng, Madagascar cần sự hỗ trợ quy mô lớn cho đến năm sau.

Hàng triệu người đối mặt với nạn đói ảnh 1

Vokasoa Origin quan sát con gái cô, Bakoly, được cân. Em sau đó được xếp vào nhóm suy dinh dưỡng nặng

Tình trạng thiếu lương thực trở nên trầm trọng hơn sau khi ba cơn lốc xoáy và một cơn bão nhiệt đới tàn phá các khu vực phía Nam và phía Đông của đất nước này kể từ cuối tháng Một. Trận gần đây nhất đổ bộ vào bờ biển phía Đông Nam vào ngày 22/2, ảnh hưởng đến hàng nghìn người. Trong số đó có cô Vokasoa Origin, người đã đi bộ 17km trong đêm để đến một phòng khám di động ở làng Elomaka, quận Amboasary Sud, để lấy thuốc bổ sung khẩn cấp cho cô con gái 7 tuổi, Bakoly.

Ở nhà, chồng cô và hai đứa con khác của họ kiếm thức ăn - chủ yếu là quả xương rồng. Hai vụ thu hoạch vừa rồi của họ đã bị phá hủy bởi hạn hán. “Tình hình của chúng tôi rất khó khăn, đặc biệt là khi mùa màng thất bát”, cô Origin nói.

Phòng khám di động do tổ chức Médecins Sans Frontières (Bác sĩ không biên giới) điều hành, đến Elomaka hai lần mỗi tháng để phân phát thực phẩm bổ sung cho trẻ em. Cơ quan trẻ em của Liên Hợp Quốc, Unicef, ước tính rằng 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính trong năm nay và khoảng 110.000 trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Vào một ngày oi bức của tuần trước, khoảng 100 trẻ em đã xếp hàng cùng cha mẹ để chờ được các nhân viên y tế thăm khám. Kết cục, Bakoly, con của cô Origin đáp ứng được tiêu chuẩn để nhận cứu trợ lương thực. “Ít nhất thì bây giờ con tôi sẽ không bị đói”, cô Origin nói.

Tại quận Ambovombe, Tiến sĩ Higor Rodrigues Machado giám sát một trung tâm nuôi dưỡng và phòng khám cho biết: “Ở nhiều làng, cứ 10 trẻ thì có một trẻ chết do bệnh đường hô hấp và tiêu chảy. Có những trẻ sơ sinh không biết ăn. Chúng thiếu phản xạ và phải được dạy”.

Cô Toendrazae Emiliene đã đưa cậu con trai một tháng tuổi của mình, Mahasolo Philibert đến phòng khám ba tuần trước vì cô không có sữa cho cậu bé.

“Ban đầu, khi chúng tôi đến đây, tôi tưởng con trai mình sẽ chết”, cô nói. Bà Claudine, mẹ của Emiliene đang ngồi cạnh con gái trong phòng khám vui mừng vì Mahasolo đang khỏe hơn sau khi được cho uống sữa công thức. Bà Claudine nói rằng vấn đề của họ bắt đầu cách đây khoảng 5 năm. “Ngày càng ít mưa hơn và bão cát đến thường xuyên hơn. Ngày nay thật khó khăn. Nếu không có hỗ trợ thực phẩm, chúng tôi đã chết”, cô nói.

Hiện nay, 80% diện tích rừng nhiệt đới nguyên thủy của Madagascar đã bị chặt, sự suy thoái đất đang dẫn đến một vấn đề mà một số người coi là tồi tệ hơn cả hạn hán. Tiomena (gió đỏ), bụi và bão cát đang làm cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng thêm ở miền Nam, vùi dập cây trồng, rừng, tòa nhà và đường sá.

Ông Dominique Raherinidamy, một lãnh đạo của làng Zambey Abkilidonga, ở Amboasary Sud nói rằng, gió “phá hủy mọi thứ”. “Chúng tôi thà chịu hạn hán hơn là gió đỏ. Mọi người đều đã rời làng và đi về phía Đông để tồn tại, mặc dù đây là vùng đất của tổ tiên chúng tôi”, ông nói.

Những trận bão cát dữ dội có thể đến ba hoặc bốn lần mỗi tháng, vùi lấp các cánh đồng dưới một lớp cát dày và hủy hoại mùa màng. Một khi cát đã bao phủ các trang trại, rất khó để sử dụng lại đất để trồng thêm vì tất cả cát phải được loại bỏ một cách thủ công.

Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) đang cố gắng giải quyết khủng hoảng bằng các dự án bảo vệ đất canh tác ở khu vực Grand Sud. “Một phần của giải pháp cho tình trạng này là nguồn nước dễ tiếp cận hơn, hạt giống chất lượng cao hơn và bảo vệ đất nông nghiệp”, ông Mattias Ravelondralambo, giám đốc môi trường khu vực của FAO, cho biết.

Nhưng đối với cô Origin, gia đình cô không thể làm gì hơn ngoài hy vọng những cơn mưa tháng Ba đến và họ có thể thu hoạch vụ sắn cuối cùng. “Thật là khủng khiếp, đối với một người mẹ, khi không thể cho con mình ăn”, cô nói, trước khi bắt đầu chuyến đi bộ dài trở về nhà từ Elomaka trong cái nắng như thiêu như đốt.

Theo theguardian.com, ngày 4/3/2022
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.