Nguy cơ mất an ninh lương thực, Triều Tiên bắt đầu nhận viện trợ quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Cánh đồng lúa ở làng Kaepoong nhìn từ đài quan sát phía Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)
Cánh đồng lúa ở làng Kaepoong nhìn từ đài quan sát phía Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)
TPO - Tình hình lương thực của Triều Tiên vẫn rất căng thẳng và có dấu hiệu cho thấy nước này sắp tiếp nhận nhiều hàng viện trợ nhân đạo từ Trung Quốc, các nhà phân tích và một chuyên gia Liên Hợp Quốc cho biết.

Triều Tiên lâu nay vẫn phải đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực vì nhiều nguyên nhân, như trừng phạt quốc tế, thiên tai và nay là đại dịch COVID-19 dẫn đến đóng cửa biên giới.

Nước này thường phải dựa vào nhập khẩu và viện trợ từ Trung Quốc để bù đắp cho sản lượng mùa màng thấp, nhưng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ để ngăn chặn COVID-19 gây cản trở thương mại qua biên giới, dẫn đến nhiều hoài nghi về khả năng nước này có thể tự vượt qua khủng hoảng thiếu lương thực.

Các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên gây ra nhiều trở ngại, và nên được nới lỏng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo, Reuters dẫn đánh giá của một chuyên gia điều tra của Liên Hợp Quốc trong báo cáo công bố hồi đầu tuần này.

Dù gặp nhiều khó khăn kinh tế, Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, bao gồm hàng loạt vụ thử tên lửa mới gần đây, và tiếp tục mở rộng khu tổ hợp hạt nhân chính của nước này. Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên có ý định làm giàu thêm urani cấp độ vũ khí.

Vụ mùa năm nay có vai trò đặc biệt quan trọng, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un cảnh báo tình hình lương thực đang “căng thẳng” sau đợt thiên tai năm ngoái.

Hồi tháng 7, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc nhận định vụ mùa năm 2021 tương đối thuận lợi, nhưng báo cáo công bố trong tuần này của một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách ở Mỹ dựa trên hình ảnh vệ tinh cho thấy sản lượng năm nay của Triều Tiên chỉ ở mức trung bình.

“Dù chưa đến mức khủng hoảng để gây ra nạn đói, nhưng xu hướng tiêu cực, kết hợp với những nhân tố bên ngoài như sản lượng thấp trong năm ngoái và thiệt hại mùa màng ở vùng đông bắc và hệ thống vận chuyển nông sản càng khiến tình hình mất an ninh lương thực (ở Triều Tiên) thêm nghiêm trọng”, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS).

Lần đầu tiên sau nhiều tháng, đã có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang tiếp nhận viện trợ quốc tế. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc thông báo một số chuyến hàng đã được đưa đến Triều Tiên và đang được cách ly tại các cảng của nước này.

Hàng viện trợ y tế và dinh dưỡng từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNCEF), hàng y tế từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nằm trong số hàng viện trợ đã được đưa đến Triều Tiên.

Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên tăng liên tiếp trong 3 tháng (tính đến tháng 8/2021) lên 22,5 triệu USD.

Chad O'Carroll, CEO của Korea Risk Group, một tổ chức nghiên cứu và theo dõi tình hình Triều Tiên, cho rằng nước này vẫn đủ khả năng tránh một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng nhờ viện trợ và nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG