Ùn tắc tại cửa khẩu
Có mặt tại cửa khẩu Quốc tế La Lay, một hàng dài xe chở gỗ tròn ùn ứ nằm ở hai đầu cửa khẩu. Phía bên dưới xe, các tài xế mắc võng, nấu ăn, sinh hoạt như một công trình. “Hơn chục ngày ăn chực nằm chờ tại đây chưa được thông quan. Cứ tình trạng này chưa biết khi nào mới xử lý được. Xe cộ ngày một tăng lên, xử lý quá chậm khiến doanh nghiệp kinh doanh gỗ và vận tải như ngồi trên đống lửa”, một lái xe cho biết.
Có mặt tại cửa khẩu để giải quyết sự việc, ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Hương Khê, Hà Tĩnh bức xúc, gần nửa tháng nay 38 xe gỗ của doanh nghiệp ông “vẫn án binh bất động” tại cửa khẩu, chưa thể làm thủ tục thông quan. “Mỗi ngày phải chi hơn 80 triệu đồng cho lô 38 chiếc xe chở gỗ. Hàng không thể thông quan, hợp đồng đã ký kết với đối tác bị lỡ, số tiền bồi thường ngày một tăng lên”, ông Trần Phát Đạt bức xúc nói.
Cũng theo ông Đạt, lô hàng của Cty ông còn rất ít, thời gian tới sẽ nhập về với số lượng lớn. Cứ đà này mỗi xe qua cửa khẩu phải chờ đợi hàng tháng trời, nhiều doanh nghiệp đang đau đầu tìm hướng giải quyết.
Tắc vì công văn
Lý giải vì sao dẫn đến tình trạng hàng ùn tắc kéo dài nhiều ngày qua, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hương Khê cho biết, ngày 30/12/2014, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuần ban hành công văn số 19128/BTC-TCHQ gửi Cục hải quan và Cục thuế các tỉnh thành cả nước về việc “Xử lý thuế hàng nhập khẩu nhưng tái xuất quá 365 ngày’.
Nội dung công văn, Bộ Tài chính yêu cầu Cục hải quan các tỉnh không thực hiện hoàn thuế đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, gỗ nhập khẩu sau đó tái xuất nhưng quá hạn 365 ngày. Trong thời hạn 365 ngày, hải quan, Cục thuế phải kiểm tra 100% lô hàng khi nhập khẩu và tái xuất mới xét hoàn thuế cho các mặt hàng này.
Cũng theo ông Trần Phát Đạt, tại Nghị định 87 của Chính phủ quy định rất rõ, gỗ là mặt hàng phục vụ sản xuất không chịu thuế nhập khẩu. Giờ công văn của Bộ Tài chính lại đưa gỗ gộp chung vào với rượu, bia, thuốc lá để quản lý là không đúng. “Trong các quy định của Chính phủ về việc hoàn thuế không quy định thời gian, ngày tháng hoàn thuế, bởi việc đó phụ thuộc vào đầu ra của hàng hóa. Nếu không bán được hàng sẽ bị ứ đọng. Quy định không được hoàn thuế khi quá hạn 365 ngày là phi thực tế và trái luật”, ông Trần Phát Đạt nói.
Đáng chú ý, việc Bộ Tài chính yêu cầu phải kiểm tra 100% lô hàng nhập, xuất đã khiến cho các DN phải khóc ròng và cơ quan hải quan cũng rất khó thực thi. Và thực tế đã gây cản trở thông quan hàng hóa, ùn ứ ở cửa khẩu.
Một giám đốc doanh nghiệp bức xúc, quy định thông quan hàng hóa chỉ trong thời gian 8 tiếng, nếu lâu hơn thì không quá 2 ngày. Nếu kiểm hóa 100% lô hàng thì sẽ trái với những cải cách hành chính, hải quan điện tử lâu nay đang áp dụng.
”Những lô hàng lớn buộc phải mất thời gian dài kiểm tra khi DN phải bốc dỡ toàn bộ xuống để cán bộ hải quan kiểm tra từng thanh gỗ. Điều này là không thể thực hiện khi lực lượng, phương tiện, bến bãi hiện nay tại các cửa khẩu không thể đáp ứng. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét và sửa đổi”, một giám đốc doanh nghiệp kiến nghị.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan La Lay cho biết, khi cơ quan cấp trên có công văn chỉ đạo cơ sở buộc phải thi hành. “Những vướng mắc, khó khăn khách quan trong quá trình thực hiện chỉ đạo này được Chi cục Hải quan La Lay cáo cáo lên Cục Hải quan Quảng Trị và Cục sẽ báo cáo gửi Tổng cục Hải quan”, ông Nguyễn Quang Long cho biết.
Cũng theo ông Long, nghiệp vụ hải quan có các tiêu chí phân luồng, quan điểm là phải rút ngắn thời gian thông quan ngắn nhất có thể. Xu hướng cải cách thủ tục hành chính của chính phủ cũng như yêu cầu của Tổ chức thương mại thế giới, hải quan thế giới là phải rút ngắn thời gian làm thủ tục.
“Thực tế trong quản lý có nhiều văn bản không phù hợp với thực tế nên phải phản hồi, nếu đúng phải điều chỉnh, sửa đổi. Lực lượng hải quan cũng không phải chỉ xử lý mỗi rượu bia, thuốc lá và gỗ, mà còn rất nhiều công việc quan trọng khác”, Phó Chi cục Hải quan La Lay nói.