Theo đại diện tổ công tác, các mặt hàng bị bắt giữ lần này đa chủng loại từ quần áo, giày dép, túi xách, linh kiện điện tử, vải da, đến thiết bị xây dựng...
Theo thông tin xác minh ban đầu, toàn bộ số hàng trên được vận chuyển từ Móng Cái (Quảng Ninh) về tập kết tại bến bãi gần khu công nghiệp Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội), chuẩn bị đưa ra thị trường TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội... tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Có mặt tại hiện trường, PV ghi nhận, hàng được đóng thùng hoặc bao tải có ghi chi chít chữ Trung Quốc và tên, số điện thoại người nhận hàng tại Việt nam. Tuy nhiên, khi bóc ra, một số mặt hàng có ghi Made in Viet Nam, thậm chí trên sản phẩm giày dép in cả thương hiệu của một hãng tên Thuy Trang có bán tại Việt Nam.
Ngoài mác Made in Viet Nam, nhiều sản phẩm giày dép có dấu hiệu làm nhái các thương hiệu giày nổi tiếng như Nike, Wilson, nắp bồn cầu thương hiệu Selta (Hàn Quốc), túi xách LV... Ngoài ra, một số sản phẩm để trắng, không có thông tin xuất xứ, nhãn mác.
Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), ông Trần Hùng cho hay, qua vụ việc trên, cần phải đặt câu hỏi, tại sao lượng hàng lớn như thế lại có thể trót lọt về đến điểm tập kết Hà Nội để đi tiêu thụ? “Trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu khi để con voi chui lọt lỗ kim như vậy?”, ông Hùng nói.
Mới đây, tại Lạng Sơn, lực lượng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia bất ngờ dừng 4 xe tải trọng lượng lớn chở hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam. Khi kiểm tra, rất nhiều sản phẩm như xe đạp, phụ tùng xe đạp điện không chỉ gắn mác Made in Viet Nam mà còn ghi rõ nơi sản xuất là quận Hà Đông (Hà Nội), cam kết bảo hành 1 năm.
Cũng theo ông Hùng, việc sản xuất hàng nhái, hàng giả không chỉ người tiêu dùng bị đánh lừa về chất lượng mà sẽ bóp chết các doanh nghiệp sản xuất trong nước.