Hàng rào ngáng sức vươn toàn cầu của hải quân Nga

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình trên biển. Ảnh: Sputnik.
Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình trên biển. Ảnh: Sputnik.
Những khó khăn về chi phí và công nghệ khiến hải quân Nga khó có thể duy trì lâu dài sự hiện diện khắp các vùng biển trên thế giới.

Hôm 8/12, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời chuẩn đô đốc Viktor Kochemazov, phụ trách huấn luyện chiến đấu Bộ Tham mưu hải quân Nga cho biết khoảng 70 tàu chiến nước này đang thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên khắp các vùng biển thế giới.

"Khoảng 70 tàu chiến của hải quân Nga đang có mặt liên tục trên vùng biển toàn cầu để thực thi các nhiệm vụ được giao. Hải quân Nga giờ đây hiện diện hầu hết khắp mọi nơi trên thế giới", ông Kochemazov tuyên bố.

Các chuyên gia phân tích ở Viện Hải quân Mỹ cho rằng trong năm qua, hải quân Nga đã hoạt động nhiều hơn, xa hơn so với nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, hải quân Nga khó có thể duy trì lâu dài cường độ vận hành và mật độ hiện diện toàn cầu như hiện nay vì các vấn đề rất lớn về chi phí và năng lực hoạt động.

Theo chuẩn đô đốc Kochemazov, lực lượng đặc nhiệm hải quân Nga đang hoạt động trên biển Địa Trung Hải, các tàu của Hạm đội phương Bắc đang hiện diện liên tục ở Bắc Cực. Trong năm nay, các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương cũng thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển ở Vịnh Aden và hiện đang ở trên Ấn Độ Dương. Hải quân Nga cũng vừa tiến hành các cuộc tập trận dồn dập với hải quân Trung Quốc. Theo chuyên gia phân tích hải quân Eric Wertheim, cường độ vận hành của các tàu chiến gia tăng là một thay đổi trong hoạt động tác chiến vài năm gần đây của hải quân Nga.

"Nga đã phải hy sinh nhiều thứ để đạt được tiến bộ trong khả năng thực hiện các chiến dịch quân sự. Một hạm đội càng được sử dụng nhiều càng tích lũy thêm kinh nghiệm, nhưng chi phí cũng trở nên tốn kém hơn. Bên cạnh đó, cường độ vận hành cao cũng khiến công tác bảo trì, bảo dưỡng phải tiến hành thường xuyên hơn, ngốn chi phí nhiều hơn", Wertheim nói

Xét về quy mô, hải quân Nga hiện có khoảng 280 tàu nổi và tàu ngầm, lớn hơn một chút so với 272 tàu chiến của hải quân Mỹ. Hiện chưa rõ trong số này có bao nhiêu tàu Nga được triển khai đầy đủ và bao nhiêu tàu chủ yếu vẫn neo đậu cùng thủy thủ đoàn ở bến cảng.

Hàng rào ngáng sức vươn toàn cầu của hải quân Nga ảnh 1

Tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga. Ảnh: RT.

Trở ngại về công nghệ

Theo chuyên gia Sam Grone, khả năng hậu cần, bảo dưỡng và tiếp tế của quân đội Nga đã bị giảm sút trong 20 năm qua, với minh chứng rõ nhất là khó khăn mà không quân Nga gặp phải khi duy trì cường độ tác chiến cao trong chiến dịch không kích chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Hạm đội tàu nổi của Nga, đặc biệt là các tàu chiến, chủ yếu được đóng từ thời Chiến tranh Lạnh và đã trở nên lạc hậu. Cụm tàu chiến cỡ lớn được Nga triển khai ở ngoài khơi Syria không thể phóng được các tên lửa hành trình tầm xa 3M-14T Kalibr, và nhiệm vụ phóng các tên lửa diệt IS này được giao cho các tàu hộ vệ cỡ nhỏ mới hơn thuộc hạm đội Caspian.

Dù hải quân Nga đã sản xuất được một số tàu chiến để bổ sung cho hạm đội tàu nổi của họ, khó khăn lớn nhất mà hải quân nước này gặp phải là sự lạc hậu trong công nghệ chế tạo động cơ.

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Ukraine tuyên bố hủy hợp đồng sản xuất động cơ turbine khí cho hải quân Nga, trong khi Nga không có bất cứ nhà sản xuất động cơ nội địa nào thay thế. Thực tế này đã khiến Nga gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra giải pháp động cơ cho dự án đóng tàu lớp Đô đốc Grigorovich (Project 11356), hay các khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớp Đô đốc Gorshkov (Project 22350). 

Hải quân Nga chỉ có một điểm sáng duy nhất có thể cạnh tranh với Mỹ là việc đóng mới và vận hành các tàu ngầm tấn công thông thường và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Các xưởng đóng tàu Nga hiện đang sản xuất các tàu ngầm tấn công hạt nhân mới, các tàu ngầm thông thường chạy bằng năng lượng diesel-điện. Các chỉ huy hải quân Mỹ đã nhiều lần thừa nhận rằng trong vài năm qua, tàu ngầm Nga đã liên tục hoạt động trên khắp thế giới, theo ông Grone.

Theo giới quan sát, dù gặp nhiều khó khăn về chi phí và công nghệ, Nga vẫn liên tục phô diễn sức mạnh hải quân của mình trên nhiều vùng biển quốc tế nhằm củng cố chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới.

"Việc thị uy sức mạnh của hải quân Nga không hẳn là để răn đe các đối thủ tiềm tàng, mà giống như là biện pháp quảng bá vũ khí đối với các khách hàng tiềm năng", chuyên gia Grone nhận định.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG