Hàng quán ăn uống đóng cửa, tất cả chuyển sang bán online

Quán cà phê đóng cửa chuyển phục vụ online trên phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội)
Quán cà phê đóng cửa chuyển phục vụ online trên phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội)
TPO - Sáng 27/3, trước 1 ngày TP. Hà Nội yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thuộc mặt hàng, nhu cầu thiết yếu, rất nhiều cửa hàng đã căng biển đóng cửa chuyển sang bán hàng online.

Anh Minh Quân, chủ nhà hàng lẩu nướng tại Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Nhà hàng đóng cửa vì phường xuống vận động yêu cầu và cửa hàng chúng tôi cũng ủng hộ chung tay phòng chống dịch COVID-19. Nếu đóng cửa hẳn, chúng tôi không có nguồn thu nên chuyển hướng đẩy mạnh bán online. Trước hết, cửa hàng miễn phí ship trong nội thành Hà Nội. Thậm chí chúng tôi còn cho mượn bếp nướng, bấp lẩu nếu chủ nhà yêu cầu”.

Hai thương hiệu lớn về lẩu, nướng như Golden Gate và Redsun cũng đã quyết định mở thêm dịch vụ giao hàng tận nhà, để ứng phó với đại dịch Covid-19. Nướng Gogi House và lẩu băng chuyền Kichi Kichi là hai thương hiệu đình đám của Golden Gate, trong khi Redsun sở hữu King BBQ và Hotpot Story.

Hiện Golden Gate triển khai dịch vụ G-Delivery - giao hàng tận nhà cho các combo lẩu nướng. Sử dụng dịch vụ này, khách đang được giảm giá từ 20% so với giá sử dụng tại nhà hàng.

Trong khi đó, Redsun còn tặng trà chanh sả cho khách giải nhiệt khi đặt lẩu nướng ăn tại nhà phòng Covid-19. Đặc biệt, nhà hàng mang đầy đủ dụng cụ như nồi, bếp, cho khách mượn để thưởng thức tại gia.

Các nhà hàng đang áp dụng hình thức giao lẩu, nướng tận nhà có kèm cho mượn nồi, niêu, xoong, chảo để chế biến, đều cam kết các dụng cụ đã được khử trùng đầy đủ để khách hàng yên tâm.

Đang treo biển đóng cửa hàng cà phê trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội), anh Hoàng Thắng, chủ cửa hàng cho biết, cửa hàng tạm thời đóng cửa và phục vụ khách online để duy trì trong mùa dịch.

“Trước mùa dịch, ngày nào quán cũng đông khách. Mùa dịch quán dù giảm khách nhưng vẫn duy trì số lượng khách ổn định. Việc đóng cửa hang ảnh hưởng đến kinh doanh nhưng tôi ủng hộ để góp phần đẩy lùi dịch bệnh”, anh Thắng nói.

Các hệ thống cafe lớn như Highland, Phúc Long cũng đã có thông báo trên fanpage sẽ tạm dừng phục vụ tại quán, nhiều cửa hàng phục vụ số lượng đông khách hàng tại The Coffee House cũng đã dừng tiếp khách và lập tức đóng cửa chiều 24/3.

Hệ thống Trung Nguyên Legend và Trung Nguyên E-Coffee cũng đã phát đi thông báo tạm ngưng hoạt động nhiều cửa hàng tại Hà Nội. "Với sự chuyển biến phức tạp của dịch COVID-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Bộ Y Tế, Lãnh đạo các địa phương, nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, khách hàng và nhân viên, một số cửa hàng thuộc hệ thống chuỗi quán Trung Nguyên Legend và Trung Nguyên E-Coffee sẽ tạm ngưng hoạt động dự kiến đến ngày 31/3/2020".

Thay vào đó, khách hàng có thể đặt hàng thức uống và sản phẩm năng lượng qua app hoặc trên các ứng dụng Grab/Now để được giao hàng tận nơi.

Tại các hệ thống siêu thị như Big C, Sàigon Co.op, MM Mega Market... cũng đã tăng cường hình thức thương mại điện tử, mua sắm online, để người tiêu dùng ở nhà vẫn có thể chọn mua tất cả các mặt hàng cần mua mà không cần phải tới siêu thị.

Đại diện Vincommerce (đơn vị quản lý Vinmart và Vinmart+) cho biết: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, nhiều thời điểm lượng đơn đặt hàng trực tuyến tăng tới 10.000 đơn/ngày. Chúng tôi đã tăng cường điều phối nhân sự tiếp nhận đơn và giao hàng tận nhà từ 2 đến 5 tiếng. Việc thanh toán cũng linh hoạt, như tại nhà, chuyển khoản, qua thẻ...”.

Thời gian qua, làn sóng kinh doanh trực tuyến lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ với những tăng trưởng rõ nét. Đi tiên phong và đạt hiệu quả cao là hệ thống các siêu thị, cụ thể như Aeon Mall tăng 3 lần, Co.op Mart tăng 10 lần.

Đại diện cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển (tại phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, doanh số bán hàng trực tuyến tăng từ 15% lên 30% trong 2 tháng qua, với khoảng 60 trong tổng số gần 300 đơn hàng mỗi ngày.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin: “Kinh doanh trực tuyến góp phần tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn. Đây là hướng đi được thành phố và ngành Công Thương rất quan tâm phát triển. Hiện thương mại điện tử đang chiếm 8% trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa lĩnh vực bán lẻ. Năm 2020, dự kiến tăng trưởng bán lẻ trực tuyến của Hà Nội đạt khoảng 30% và chiếm khoảng 9-10% trong tổng mức bán lẻ”.

MỚI - NÓNG