Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt. Theo đó, nghị định cho phép, các phương tiện đường sắt hết niên hạn được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030. Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 30/1/2024.
Như vậy, những đầu máy và toa tàu khách trên 40 năm tuổi, toa tàu hàng trên 45 năm tuổi sẽ được sử dụng tiếp trong thời gian tới.
Đường sắt được tiếp tục khai thác đầu máy, toa tàu hết niên hạn. |
Ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Đường sắt Việt Nam - cho biết, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ điều chỉnh, sửa đổi các quy định liên quan để đảm bảo an toàn khai thác các đầu máy, toa tàu được gia hạn sử dụng. Tổng Công ty Đường sắt (VNR) và các doanh nghiệp vận tải phải bổ sung quy trình nội bộ liên quan tới khai thác, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng đầu máy, toa tàu trên 40 tuổi.
Ông Cảnh cũng dẫn chứng thực tế, qua theo dõi thời gian qua, không phát hiện sự cố nào liên quan tới phương tiện sử dụng quá niên hạn, dù việc gia hạn đã được áp dụng từ giai đoạn 2021 tới nay.
Trong khi đó, lãnh đạo VNR cho biết việc gia hạn sử dụng đầu máy, toa tàu hết niên hạn mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp đường sắt. Hiện chi phí mua sắm mới 1 đầu máy khoảng 40 tỷ đồng, toa tàu khách mới gần 12 tỷ đồng/toa, với hàng chục đầu máy và cả nghìn toa tàu hết niên hạn, chi phí thay mới lên tới cả chục nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo VNR cam kết, tổng công ty và các đơn vị thành viên chịu trách nhiệm toàn diện về đảm bảo an toàn của phương tiện được gia hạn sử dụng. Các đơn vị sẽ sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy, toa tàu bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. VNR đang hoàn thiện quy trình kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy, toa tàu được gia hạn sử dụng để các phương tiện luôn trong trạng thái hoạt động tốt, an toàn.
Với quy định mới cho phép đầu máy, toa tàu hết niên hạn được sử dụng tới hết năm 2030, đường sắt được kéo dài thời gian khai thác của 140 đầu máy, gần 260 toa tàu khách và gần 2.000 toa tàu hàng.