Hàng loạt vụ hàng giả, hàng lậu bị phanh phui: Quản lý thị trường ở đâu?

Một cây xăng lậu trên địa bàn quận Long Biên thời điểm tháng 5/2017. Ảnh: T.N.
Một cây xăng lậu trên địa bàn quận Long Biên thời điểm tháng 5/2017. Ảnh: T.N.
TP - Hàng loạt cây xăng lậu bị phanh phui gần đây, đặc biệt là vụ Khaisilk bán hàng Việt gắn mác “Made in China” gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vai trò của lực lượng quản lý thị trường. Để những sai phạm này tồn tại, diễn ra thời gian dài mà không hay biết, dường như lực lượng quản lý thị trường chưa làm tròn nhiệm vụ được giao.

Có dấu hiệu bao che, tiếp tay

Bộ Công Thương vừa quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng liên quan tới vụ Khaisilk bán hàng Việt gắn mác “Made in China”. Điều đáng nói, Bộ Công Thương đã giao đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng làm trưởng đoàn chứ không phải đại diện Cục Quản lý thị trường (Cục QLTT), phê bình cục này cho thấy niềm tin của lãnh đạo Bộ đối với Cục QLTT đang giảm xuống.

Một lãnh đạo Cục QLTT bức xúc chia sẻ với Tiền Phong: “Có dấu hiệu bao che, tiếp tay của lực lượng QLTT đối với hoạt động kinh doanh hàng giả của Khaisilk. Không thể nào một tập đoàn hoạt động hàng chục năm mà lại kiểm tra chỉ phát hiện 60 chiếc khăn giả? Lực lượng đi kiểm tra không thể chỉ nghe theo lời khai của nhân viên bán hàng rằng do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến dịp 20/10 nên đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China, gắn nhãn Made in Vietnam. Từ đó ghi vào biên bản chỉ có từng đấy”.

Cũng theo vị này, chỉ cần kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa hàng của Khaisilk; toàn bộ vận đơn, tờ khai, mã hàng hoá, hoá đơn mua bán, nguồn gốc hàng hoá... sẽ phát hiện ra ngay hàng giả, hàng thật.

Thực tế như ở Hà Nội, mỗi quận, huyện đều có một đội quản lý thị trường phụ trách địa bàn. Chỉ cần, một cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ vừa mới lắp đặt biển quảng cáo, khai trương lập tức đủ lực lượng tới “hỏi thăm” giấy tờ, thủ tục.

Anh Hải Sơn, chủ một cơ sở kinh doanh điện thoại xách tay từ Hàn Quốc, Mỹ (ở Hà Nội), chia sẻ: “Thậm chí, cán bộ QLTT còn ngụy trang thành khách hàng tới giả vờ hỏi thăm mua điện thoại, lựa chọn các mẫu mã để nhân viên cửa hàng bê hết các mẫu ra chọn. Phát hiện thấy nhiều hàng hóa xách tay, lập tức có tổ công tác ập đến kiểm tra, niêm phong và lập biên bản xử phạt. Cứ mỗi lần như vậy, cửa hàng lại mất 60-70 triệu đồng tiền phạt và tiền chuộc lại sản phẩm”.

Cũng theo anh Hải Sơn, doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ nhưng nếu không “chăm sóc” tốt lực lượng chức năng thì không thể nào tồn tại, phát triển. Thậm chí, cứ mỗi năm lực lượng QLTT và liên ngành lại luân chuyển địa bàn, kiểm tra chéo các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thế nhưng, thật lạ khi nhiều cơ sở kinh doanh lớn làm ăn gian dối suốt một thời gian dài mà lực lượng QLTT lại tỏ ra không hề hay biết. Đơn cử như 3 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lậu bị báo Tiền Phong phản ánh hồi đầu năm và giữa năm 2017 ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), xã Thịnh Liệt (Hoàng Mai) và phường Bồ Đề (quận Long Biên).

Đáng chú ý, cây xăng ở phường Bồ Đề, quận Long Biên được xây dựng rất khang trang, kiên cố và không phép, nằm dưới đường lưới điện cao thế hoạt động công khai suốt thời gian dài dưới sự thờ ơ của QLTT. Lạ lùng nhất là, PV Tiền Phong đã báo đích danh và đăng báo sai phạm, nhưng thái độ của lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội và Sở Công Thương rất thờ ơ. PV Tiền Phong mỗi lần làm việc với đơn vị chức năng này đều rất khó khăn. Ngay cả kết quả xử lý, Chi cục QLTT Hà Nội cũng không chủ động thông báo.

Sai phạm lớn, chỉ bị rút kinh nghiệm

Trong một tài liệu mà Tiền Phong thu thập được, một đợt kiểm tra liên ngành kiểm soát mặt hàng xăng dầu và khí lỏng lưu thông trên thị trường Hà Nội tốn kém gần 200 triệu đồng. Thế nhưng, một số trường hợp kinh doanh xăng dầu lậu chỉ đến khi báo chí phản ánh, lực lượng liên ngành mới biết, dù đoàn kiểm tra trước đó rất rình rang, tỏa khắp địa bàn Hà Nội.

Lãnh đạo một Cục thuộc Bộ Công Thương bức xúc: “Hàng lậu, hàng giả phải giao cho người thật, việc thật điều tra, xử lý mới hiệu quả được. Bộ trưởng Công Thương cần chỉ đạo quyết liệt lực lượng QLTT làm đúng trách nhiệm, nhiệm vụ của mình. Không thể để xảy ra tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”. Không thể có chuyện lãnh đạo Tập đoàn Khaisilk thừa nhận lừa dối người tiêu dùng Việt mà lực lượng QLTT lâu nay không kiểm tra, phát hiện ra sai phạm gì của họ”.

Bài học từ vụ kiểm điểm 5 cán bộ Đội QLTT số 14 (thuộc Chi cục QLTT Hà Nội) dường như vẫn chưa đủ sức răn đe những cán bộ có dấu hiệu tiếp tay cho sai phạm. Dư luận trước đó vô cùng bức xúc trước việc Đội QLTT số 14 lạm quyền, tùy tiện kiểm tra, tạm giữ 2 tấn xúc xích Vietfoods của Cty TNHH Thương mại Hùng Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Những cán bộ dính sai phạm được điểm mặt chỉ tên. Báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng về kết quả xử lý vụ việc Đội QLTT số 14 nêu rõ: Những cán bộ này có thiếu sót, sai phạm về nghiệp vụ, hồ sơ thủ tục theo quy định pháp luật... Đáng nói, sau đó Chi cục QLTT Hà Nội đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm với công chức Đội Quản lý thị trường số 14. Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng chỉ bị phê bình, rút kinh nghiệm, điều động sang làm Đội trưởng Quản lý thị trường số 6 (quận Nam Từ Liêm).

Xung quanh hoạt động cũng như trách nhiệm của Bộ Công Thương về công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã lên tiếng về những đầu việc của lực lượng quản lý thị trường. Theo ông Trần Tuấn Anh, mặc dù, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng cần khách quan đánh giá công tác này thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Theo thống kê của lực lượng QLTT cả nước, 9 tháng đầu năm 2017, đã kiểm tra trên 131.000 vụ, phát hiện, xử lý trên 73.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 415 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một chuyên gia am hiểu về thị trường phân bón thẳng thắn: Sự chỉ đạo trong chống tiêu cực của lực lượng QLTT rất mờ nhạt. Vụ việc phân bón giả Thuận Phong gây xôn xao dư luận cũng là minh chứng.

Bên cạnh những việc làm được, Bộ trưởng Công Thương cho hay, bộ cũng kiên quyết phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong lực lượng quản lý thị trường. Như năm 2014 đã có 28 trường hợp cán bộ quản lý thị trường đã bị xem xét xử lý. Năm 2015 có 21 trường hợp. Năm 2016 có 16 trường hợp, trong đó có công chức là lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường, là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường. Cá biệt có trường hợp 4 cán bộ quản lý thị trường bị khởi tố hình sự và phạt án tù như ở Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng hồi năm 2016. “Trong 10 tháng đầu năm 2017 đã có 7 trường hợp bị xử lý, trong đó có 2 trường hợp bị cách chức (1 đội trưởng, 1 phó đội trưởng), 2 trường hợp bị hạ bậc lương, 3 trường hợp bị khiển trách...”, ông Trần Tuấn Anh cho hay. 

Thục Quyên

MỚI - NÓNG