Khaisilk có dấu hiệu phạm tội Lừa dối khách hàng

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở Khaisilk tại 113 Hàng Gai.
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở Khaisilk tại 113 Hàng Gai.
TPO - Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cho rằng, việc bán hàng ghi sai nguồn kéo dài 30 năm, thu lợi lớn và thực hiện tại nhiều cửa hàng của Cty Khải Đức (Khaisilk) gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến uy tín sản xuất tơ sợi của Việt Nam.

Hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, tội Lừa đối khách hàng, quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự.

Liên quan tới thông tin Sở Công thương Hà Nội chuyển hồ sơ vụ Khaisilk tới cơ quan điều tra Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an Hà Nội để làm rõ những vi phạm trong việc sản xuất buôn bán hàng hóa, trao đổi với Tiền Phong ngày 1/11 luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Giám đốc Cty luật hợp danh Đông Nam Á cho biết, hành vi mua vải, lụa sản phẩm từ Trung Quốc rồi cắt nhãn mác sau đó thay mác “Made in Việt Nam” để bán như phản ánh thời gian qua là một chuỗi hành vi của nhiều chủ thể.

Trong vụ việc này có hai chủ thể gồm Công ty TNHH Khải Đức (Cty Khải Đức, trụ sở quận 1, TP HCM) và Cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh (số 113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - Cơ sở Thu Nga). Trong đó Cty Khải Đức là chủ nhãn hiệu Khaisilk, Cơ sở Thu Nga là nơi phát hiện hàng hoá ghi và bán không đúng nguồn gốc.

Dù chưa xác định chính xác chủ thể nhưng cả Cty Khải Đức và cơ sở Thu Nga đều có hành vi vi phạm Luật thương mại; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sở hữu trí tuệ và đặc biệt vi phạm Điều 10 và Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017của Chính phủ quy định về nhãn hàng hoá.

Cty Khải Đức và cơ sở Thu Nga có hành vi cơ bản như: Sản xuất, buôn bán hàng giả đối với cơ sở Thu Nga nếu họ không được sự đồng ý, chỉ đạo của Cty Khải Đức; Lừa dối khách hàng đối với Cơ sở Thu Nga và Cty Khải Đức nếu họ thay nhãn mác dựa trên sự thoả thuận, đồng ý của chủ nhãn hiệu/nhà sản xuất - Cty Khải Đức.           

Cũng theo luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, bất kỳ hành vi vi phạm nào cũng đều căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả xảy ra để xem xét xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Theo thông tin báo chí thời gian qua, đại diện Cty Khải Đức thừa nhận đã bán hàng ghi sai nguồn kéo dài “30 năm” thì chúng tôi tạm thời đánh giá mức độ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: thời gian dài, bán số lượng và thu lợi đặc biệt lớn, thực hiện tại nhiều cửa hàng, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến uy tín ngành sản xuất tơ sợi của Việt Nam. Do vậy, hành vi của họ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cụ thể tội Lừa dối khách hàng - Điều 162 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, để khẳng định có cấu thành tội phạm hay không cần chờ kết luận của cơ quan điều tra có thẩm quyền", luật sư Thuật nói.

Nếu thiệt hại chưa nghiêm trọng, thu lợi chưa lớn thì có thể xử phạt vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 162 Bộ luật Hình sựTội lừa đối khách hàng:

1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”

“ Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Xuất xứ hàng hóa

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

2. Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt.”

MỚI - NÓNG