Một loạt quận phải làm rõ quá tải, thiếu hạ tầng
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có Công văn số 11485 đề nghị sở, ngành liên quan, UBND các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về tình hình quá tải, thiếu hạ tầng tại các khu đô thị (KĐT).
Công văn nêu rõ, UBND TP Hà Nội nhận được Văn bản số 1637-CV/VPTU ngày 8/11/2017 của Văn phòng Thành ủy truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, yêu cầu rà soát, báo cáo Thường trực Thành ủy nội dung báo chí nêu về tình hình quá tải, thiếu hạ tầng tại các khu đô thị
Cụ thể các KĐT như: KĐT Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), Nam Trung Yên (phường Trung Hòa và Yên Hòa, quận Cầu Giấy), chung cư cao cấp Ecolife (phường Xuân La, quận Tây Hồ)…
Trong số các KĐT, dự án nhà ở nêu trên phải kể đến dự án chung cư cao cấp Ecolife. Trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng, Ban đại diện cư dân chung cư EcoLife Tây Hồ do Cty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư phản ánh, người dân vào ở khi toà nhà chưa đủ hạ tầng kết nối như chủ đầu tư cam kết. Thay vì được đi lại trên con đường trải nhựa được quảng cáo rầm rộ, hàng ngày 600 cư dân phải đi lại trên con đường đất có mặt cắt ngang chưa đầy 5m, phải đi chung với hàng trăm lượt xe tải cỡ lớn ra vào các dự án khu đô thị Tây Hồ Tây. Ngày nắng thì bụi dày bao phủ, còn khi mưa thì đường lầy lội, trơn trượt.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa dừng lại. Từ tháng 6/2017, một nửa con đường đã bị người dân địa phương rào lại do hết hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê. Hàng ngày người dân đi trên nửa con đường tạm rộng khoảng 3m.
Thành phố cũng giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp với các sở: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, UBND các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ tổ chức kiểm tra, thống kê số liệu thực tế; căn cứ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế để đối chiếu số liệu, thống nhất đề xuất giải pháp, dự thảo văn bản, báo cáo UBND TP.
Xây nhà để bán thì nhanh, trường học, bệnh viện 'bỏ mặc'
Liên quan đến việc quá tải, thiếu hạ tầng tại các đô thị hiện nay của Hà Nội, mới đây trong văn bản gửi Cục Quản lý thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) góp ý cho Đề án “Đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”, VNREA cũng cho rằng, đối với công tác quy hoạch hiện đang tồn tại tình trạng dễ làm, khó bỏ.
Triển khai các phần quy hoạch có thể kinh doanh được thì làm rất nhanh nhưng các công trình hạ tầng, kỹ thuật lại chậm triển khai, thậm chí không triển khai. Điều đó dẫn đến tình trạng các dự án khu đô thị bỏ hoang, khu nhà ở phát triển mới ở khu ven đô đều thiếu nhà trẻ, trường học, bệnh viện, dịch vụ, không thu hút được người dân đến ở, bỏ hoang gây lãng phí tiền của xã hội.
VNREA cũng kiến nghị các công trình hạ tầng xã hội phải được đầu tư song song với công trình nhà ở. Chủ đầu tư chỉ được phép kinh doanh nhà ở khi đã đầu tư xong công trình hạ tầng xã hội. Cùng với đó, theo Hiệp hội này, cần nghiêm cấm bố trí quy hoạch, các công trình hạ tầng xã hội vào vị trí dân cư hiện hữu, nghĩa trang hoặc khu vực khó giải phóng mặt bằng.
Tại Hà Nội, thực tế những cảnh báo, đánh giá trên của VNREA đang diễn lâu nay mà các cơ quan chức năng thành phố chưa có biện pháp xử lý dứt điểm gây nhiều bức xúc cho người dân Thủ đô.
Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã tiến hành giám sát và chỉ ra tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị mới đã đặt ra tại nhiều kỳ họp của HĐND TP nhưng đến nay vẫn không giải quyết dứt điểm. Trong đó việc triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 tại các khu đô thị thiếu sự giám sát của các cơ quan quản lý; chưa quyết liệt chỉ đạo giải quyết và xử lý chủ đầu tư khu đô thị mới không xây dựng trường học và chưa dành đất xây dựng trường học.
Theo kết quả chỉ tiêu giai đoạn (2012-2016) xây mới 633 trường, tuy nhiên đến nay Hà Nội xây dựng mới được 211 trường đạt 33%. “Qua giám sát 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở cho thấy, các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây dựng nhà và các căn hộ để bán và chuyển nhượng mà ít quan tâm xây dựng các công trình xã hội, trong đó có trường học. Chúng tôi cũng chỉ rõ trách nhiệm chủ yếu thuộc thành phố, các Sở chuyên môn như Sở Quy hoạch- Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch-Đầu tư và các quận, huyện”, vị cán bộ nói.
Điều đáng nói, nhiều nơi quy hoạch được dịch chuyển khi các khu đất đẹp được quy hoạch, điều chỉnh thành nhà ở cao tầng để bán trong các quy hoạch trường học lại bị đẩy vào các khu khó GPMB như nghĩa trang, ao đình…
Một phường có 3 trường học quy hoạch ở nghĩa trang, ao đình
Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) là phường nội thành có tốc độ phát triển đô thị hoá chóng mặt với 72 tòa chung cư cao tầng, trong đó nhiều khu cao tới 45 tầng. Dân cư của Hoàng Liệt từ 12.000 người nay tăng đột biến với khoảng 75.000 người. Hệ thống trường công lập của Hoàng Liệt đang rất thiếu, thế nhưng trước đây trên địa bàn có 3 dự án quy hoạch trường học trên địa bàn phường thì đều nằm trên đất nghĩa trang, đất ao đình lâu nay không triển khai vì không khả thi, vướng đủ điều.