Hàng đã đóng thuế vẫn bị tịch thu?

Hàng đã đóng thuế vẫn bị tịch thu?
TP - Sau khi giữ hàng và xe hơn một tháng, mặc dù Công an tỉnh Yên Bái xác định không có căn cứ để xử lý chủ hàng về hành vi buôn lậu, Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh này bất ngờ tịch thu lô hàng gần một nghìn chiếc động cơ điện của một tư thương.

Anh Lê Cao Quý (trú tại Tề Lỗ, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) có đơn gửi báo Tiền phong, phản ánh: Anh Quý mua lô hàng thiết bị điện tại Trung Quốc, nhập  vào Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Anh Quý đã ủy thác (miệng) cho doanh nghiệp tư nhân Ánh Hằng tại TP Lào Cai làm thủ tục nhập khẩu.

Ngày 15/12/2007, hàng được làm thủ tục hải quan. Do hàng đã qua sử dụng, Hải quan chưa thông quan, giao cho anh Quý quản lý đưa đi giám định. Cùng ngày, anh Quý bốc xếp hàng lên 4 chiếc xe tải, chở về nơi giám định tại Vĩnh Phúc.

Ngày 16/12/2007, 4 chiếc xe về đến huyện Yên Bình, Yên Bái thì bị QLTT tỉnh Yên Bái bắt giữ, với lý do “có nguồn tin báo xe chở hàng lậu”. Anh Quý lập tức đề nghị chị Hằng - Giám đốc doanh nghiệp Ánh Hằng - có mặt để xuất trình bản gốc tờ khai hải quan.

Sau khi kiểm tra, QLTT Yên Bái “phát hiện” lô hàng có 920 chiếc động cơ điện xoay chiều nhưng trong tờ khai hải quan ghi là động cơ điện một chiều, ngoài ra còn có 134 bộ chia dầu không có trong tờ khai.

Sau hơn một tháng giữ hàng, QLTT Yên Bái cho rằng, số động cơ điện và bộ chia dầu nêu trên là “hàng nhập lậu” và tịch thu toàn bộ số hàng này.

Trong đơn gửi báo Tiền phong, anh Quý trình bày: Lô hàng này hoàn toàn không phải hàng nhập lậu, bởi nó không thuộc loại hàng cấm nhập và đã được làm thủ tục hải quan (riêng 134 bộ chia dầu, chủ hàng Trung Quốc gửi kèm để chào hàng, giá trị cả lô hàng chỉ khoảng 6 triệu đồng).

Việc QLTT Yên Bái xác định anh Quý không phải là chủ hàng đã tước đi quyền được trực tiếp khiếu nại quyết định xử phạt, anh đến nộp đơn nhưng bị từ chối...

Vì là “xoay chiều” chứ không phải “một chiều”?!

Ngày 22/1/2008, PV Tiền phong đã làm việc với ông Phan Bá Hùng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Yên Bái - người vừa ký Quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng và tịch thu lô hàng động cơ điện và bộ chia dầu bị xem là “nhập lậu”.

Ông Hùng cho biết, QLTT Yên Bái đã kiểm tra 4 chiếc ô tô chở lô hàng thiết bị điện, bước đầu phát hiện ngoài 60 hộp điều tốc và 507 hộp vít điều tốc phù hợp với tờ khai hải quan, còn có 134 bộ chia dầu không ghi trong tờ khai và 920 chiếc động cơ xoay chiều chứ không phải một chiều như trong tờ khai.

Thấy có dấu hiệu buôn lậu, QLTT tỉnh Yên Bái đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa và phương tiện vận chuyển, chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Yên Bái (PC15) điều tra.

Ngày 21/1/2008, Công an tỉnh Yên Bái có công văn xác định sai phạm của chủ lô hàng không đủ căn cứ để xử lý hình sự. Cùng ngày, ông Hùng đã ký quyết định phạt tiền 15 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số động cơ và bộ chia dầu, với lý do “kinh doanh hàng nhập lậu”.

Người bị xử phạt là doanh nghiệp tư nhân Ánh Hằng (Giám đốc Ngô Thúy Hằng ký biên bản thừa nhận sai phạm nhập hàng lậu).

Trả lời câu hỏi của PV “căn cứ nào để xác định lô hàng động cơ và hộp chia dầu là hàng nhập lậu?”, ông Hùng cho rằng, đây là những mặt hàng không có trong tờ khai hải quan.

Còn với câu hỏi “căn cứ để khẳng định chị Hằng là chủ lô hàng?”, ông Hùng trả lời doanh nghiệp này đứng tên trên các giấy tờ thủ tục hải quan. Ông Hùng nhấn mạnh, ở các giấy tờ đó hoàn toàn không có tên ông Quý.

Ai là chủ sở hữu đích thực?

Ai là chủ sở hữu của lô hàng “nhập lậu”? Việc này không chỉ giúp xác định chính xác đối tượng cần xử phạt hành chính, mà còn liên quan đến tư cách của người sẽ mang hàng đi giám định và hoàn tất thủ tục thông quan.

Ngày 22/1/2008, có mặt tại TP Yên Bái, PV Tiền phong tận mắt chứng kiến người trả tiền lưu kho bãi, tiền phạt cho các lái xe, chở hàng về xuôi hoàn toàn do anh Quý, không phải chị Hằng. Tại thời điểm này, lô hàng hoàn toàn thuộc quyền quản lý của anh Quý.

Thiết nghĩ đối tác Trung Quốc và những người bốc xếp hàng tại Lào Cai có thể làm chứng cho lời khai của anh Quý (rằng anh là chủ lô hàng, còn doanh nghiệp Ánh Hằng chỉ là pháp nhân được ủy thác nhập khẩu) là có cơ sở.

Nhà nước ta không cấm ủy thác mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, nếu việc ủy thác không lập thành hợp đồng, sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm b Khoản 1 Điều 28 Nghị định 175/2004 của Chính phủ.

Pháp luật hoàn toàn không cho phép người được ủy thác nhập khẩu (dù là theo hợp đồng miệng) có quyền trình bày gian dối với cơ quan chức năng, rồi đương nhiên được công nhận là chủ sở hữu lô hàng.

Tại thời điểm này, việc chị Hằng là đối tượng bị xử phạt đã tước đi quyền được trình bày các tình tiết thực tế của vụ việc, cũng như quyền khiếu nại của anh Quý. Tuy nhiên, được biết bước đầu QLTT Yên Bái đã nhận đơn khiếu nại của anh Quý để xem xét theo quy định của Luật Khiếu nại - tố cáo.

Không thể đổi hàng dọc đường!

Điều quan trọng nhất trong vụ việc này là phải xác minh lô hàng có phải “hàng nhập lậu” không? PV Tiền phong đã tiếp xúc với các lái xe 4 chiếc ô tô chở hàng.

Họ cho biết, sau khi kiểm tra hải quan, khoảng 16 giờ ngày 15/12/2007, anh Quý thuê xe của họ, thuê xe cẩu bốc xếp hàng. Tới 21 giờ mới khởi hành về xuôi. Dọc đường nghỉ ăn tối, bơm các lốp xe bị non hơi...

Khoảng 6 giờ sáng 16/12/2007, đoàn xe về đến Yên Bình, Yên Bái và bị bắt giữ. Các lái xe cho rằng, chỉ cần xác minh giờ khởi hành tại TP Lào Cai, sẽ thấy ngay đoàn xe không thể có thời gian dừng lại ở đâu đó để xuống lô hàng gần một nghìn chiếc động cơ điện một chiều, rồi lại xếp “bù” vào từng đó động cơ điện xoay chiều.

Qua trình bày của các lái xe, có căn cứ để nhận định số động cơ bị bắt giữ là “xoay chiều” trong khi tờ khai hải quan ghi “một chiều”, chỉ là lỗi khai hải quan thiếu chính xác.

Nếu cứ khăng khăng cho rằng đây là hàng “nhập lậu” mà không xác minh (trong khi Công an Yên Bái đã xác định không khởi tố vụ án hình sự), QLTT Yên Bái sẽ không chỉ tịch thu oan lô động cơ xoay chiều, mà còn đẩy chủ hàng vào tình cảnh trớ trêu là không lấy đâu ra số động cơ một chiều để hoàn chỉnh thủ tục thông quan!

Cần nói thêm, mức thuế của động cơ một chiều và động cơ xoay chiều là bằng nhau, vì vậy Hải quan Lào Cai không phát hiện ra lỗi khai thiếu chính xác; trường hợp này, hành vi khai thiếu chính xác không bị xử phạt.

Những uẩn khúc trên đây rất cần được QLTT tỉnh Yên Bái làm rõ, tránh tịch thu hàng oan khi chủ hàng đã làm đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, và cũng tránh tiếp tay (dù là vô tình) cho việc khai báo không trung thực của doanh nghiệp Ánh Hằng.         

MỚI - NÓNG