Trong số giáo viên kéo lên Sở Tài chính, có bà Trần Thị Như Son, dạy tiếng Anh 16 năm tại Trường THCS Võ Thị Sáu ở thị trấn Bảy Ngàn. Bà bức xúc: “Trường tôi với trường mẫu giáo Tuổi Hoa cách nhau vài trăm mét, trường kia được, trường tôi không. Ước tính tiền trợ cấp của tôi hơn 70 triệu đồng”.
Nhiều giáo viên của trường tiểu học Nguyễn Trung Trực cũng bức xúc tương tự. Ông Phạm Công Lâm, Chủ tịch Công đoàn trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, trình bày, năm 2013, Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành triển khai làm hồ sơ hưởng trợ cấp theo Nghị định 116. Đây là trợ cấp của Chính phủ dành cho giáo viên và cán bộ công tác ở vùng khó khăn. Nhưng khi Sở Tài chính cấp tiền xuống huyện để chuẩn bị phát thì trường Nguyễn Trung Trực không được.
Phó phòng GD&ĐT huyện Châu Thành A, ông Nguyễn Huỳnh Đức, cho biết huyện có 8 trường học ở 3 xã, thị trấn thuộc diện trợ cấp. Sở Tài Chính chỉ phân bổ 595 triệu đồng cho 2 trường mẫu giáo nên giáo viên trường khác phản đối. Tổng số giáo viên ở 6 trường còn lại gần 300 người. Trong lúc, Kế toán trưởng của Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Châu Thành A, ông Nguyễn Hoàng Lâm, nói huyện nhận được gần 3,3 tỷ đồng từ Sở Tài chính chuyển xuống ngày 10/4. Trong đó, chi cho 2.848 cán bộ xã, thị trấn hơn 3,1 tỷ đồng, còn lại chi cho 2 trường mẫu giáo.
Bức xúc của các giáo viên ở huyện Châu Thành A, được PGĐ Sở Tài chính Đặng Cao Trí giải thích, Sở tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Trung ương cấp trên 101 tỷ đồng để chi trả trợ cấp cho 21.576 người được thụ hưởng theo Nghị định 116. Tuy nhiên, Bộ Tài chính thẩm định và chỉ cấp hơn 45 tỷ đồng (chiếm 44,6%) để trợ cấp cho 1.045 người vào tháng 10/2014. Ông Trí nói: “Giáo viên bức xúc khi so sánh giữa các trường cùng cùng địa phương là đúng nhưng việc này do Bộ Tài chính thẩm định và cấp tiền”.
Theo ông Trí, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính bổ sung trên 55 tỷ đồng để chi trợ cấp cho 20.531 giáo viên và cán bộ còn lại. Theo đó hàng vạn người còn lại sẽ phải chờ Trung ương cấp tiền xuống.