Hàn Quốc và 'cơn nghiện' mang tên... smartphone

Chính quyền Hàn Quốc đang lo ngại về chứng nghiện smartphone ở giới trẻ.
Chính quyền Hàn Quốc đang lo ngại về chứng nghiện smartphone ở giới trẻ.
Những áp lực lớn đã đẩy giới trẻ Hàn QUốc tìm sự thư giãn với smartphone và từ đó dẫn đến chứng nghiện công nghệ lúc nào không hay.

Theo báo cáo điều tra đối với 15.600 người dùng smartphone tuổi từ 10 đến 54 được công bố vào tháng 3 vừa qua của Cơ quan Thông tin Xã hội Quốc gia (NIA), 1 trong 4 học sinh trung học Hàn Quốc có chiều hướng nghiện điện thoại thông minh - tăng 11% so với năm 2012. Nghiên cứu của NIA cũng cho thấy 9% người lớn có nguy cơ phụ thuộc vào smartphone. Đây là một thực tế khiến chính quyền Hàn Quốc rất lo ngại. 

Theo nghiên cứu của NIA, những người dùng smartphone có nguy cơ trở thành con nghiện khi sử dụng hơn 5 tiếng mỗi ngày để đọc thiết bị thông minh này. Tính trung bình, người Hàn Quốc sử dụng smartphone khoảng 4 giờ/ngày.

Mới đây, chính quyền thành phố Seoul chính thức tuyên bố - dựa theo điều tra riêng đối với 5.000 học sinh trung học và sinh viên đại học năm thứ 2 - 16% thanh thiếu niên nơi này "có nguy cơ tiềm ẩn" nghiện smartphone, trong khi 4% rơi vào nhóm "nguy cơ cao".

Hàn Quốc và 'cơn nghiện' mang tên... smartphone ảnh 1

Công nghệ di động có sức quyến rũ khủng khiếp đối với giới trẻ Hàn Quốc.

Hiện nay, khoảng 70% người Hàn Quốc sử dụng smartphone, cao hơn người Mỹ (58% tính đến tháng 1/2014) và người Canada (55% năm 2013). Nguyên nhân được cho là tốc độ phát triển công nghệ di động của Hàn Quốc quá nhanh so với thế giới.

Hàn Quốc là nước đầu tiên triển khai công nghệ LTE-A vào mùa hè năm 2013! LTE-A được coi là phiên bản nâng cấp của tiêu chuẩn công nghệ mạng không dây LTE (thường được gọi là mạng 4G) với tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn.

Chưa dừng lại ở đó, chính quyền Hàn Quốc còn có tham vọng triển khai mạng 5G vào năm 2017 cho phép người dùng smartphone tải xuống trọn một bộ phim trong thời gian chỉ… 1 giây!

Theo các chuyên gia tâm lý học, có bằng chứng cho thấy chứng nghiện smartphone tác động xấu đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ. Nghiên cứu năm 2013 đối với gần 200 thiếu niên Hàn Quốc cho thấy thực tế những người thường xuyên sử dụng smartphone bị mất tập trung và tính tình thường hay cáu gắt hơn so với những người ít dùng đến thiết bị thông minh này.

Còn theo nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ), những người đắm mình vào smartphone - nhất là trước khi đi ngủ - có thể bị chứng mất ngủ. Hyuk-joo Yoon, 20 tuổi, thừa nhận cũng vì nghiện smartphone mà anh "không thể tập trung tinh thần để làm bất cứ công việc gì".

Nam Kee-park, giáo sư Khoa Thông tin Đại học Yonsei ở Seoul, nhận định chứng nghiện smartphone cũng gây những tác hại về mặt tương tác trong xã hội tương tự như nghiện game, tivi và Internet.

Xã hội Hàn Quốc nổi tiếng có áp lực rất cao dẫn đến nhiều vụ tự sát do không chịu đựng nổi yêu cầu công việc. Học sinh cũng phải luôn căng thẳng đầu óc trong học tập và thi cử. Chính những áp lực này đã đẩy giới trẻ tìm sự thư giãn với smartphone và từ đó dẫn đến chứng nghiện công nghệ lúc nào không hay.

Trong khi đó, Nam Kee-park giải thích, "những học sinh không sử dụng smartphone có thể bị cô lập trong xã hội" và mang gánh nặng tâm lý bị bỏ rơi! Giáo sư Park cũng đề cập đến tác động xấu từ các video bạo lực và khiêu dâm quá dễ tải xuống smartphone.

Trước tình hình đáng lo ngại này, chính quyền Hàn Quốc đề ra "lệnh giới nghiêm" buộc trẻ dưới 16 tuổi không được sử dụng smartphone sau nửa đêm nhằm ngăn chặn giới trẻ chơi thâu đêm các game "League of Legends" và "Sudden Attack" vốn rất phổ biến ở quốc gia này. Ngoài ra, các ứng dụng di động cũng được chính quyền kiểm duyệt để phát hiện nội dung xấu.

Hiện nay, ít nhất 11 trường học trong và ngoài thành phố Seoul đang thử nghiệm phần mềm ứng dụng gọi là iSmartKeeper cho phép giáo viên kiểm soát từ xa smartphone của học sinh. Trong khuôn viên nhà trường, giáo viên có thể sử dụng ứng dụng để "khóa" điện thoại của học sinh hay tắt các ứng dụng mạng xã hội như Facebook và chỉ cho phép thực hiện các cuộc gọi hay tin nhắn SMS khẩn cấp hay sử dụng các ứng dụng có tính giáo dục.

Với công nghệ tiên tiến gọi là GPS geofencing, ứng dụng iSmartKeeper tự động kiểm soát mọi smartphone trong khuôn viên trường học một cách dễ dàng. Công nghệ được đánh giá là khả thi hơn việc cấm học sinh sử dụng điện thoại di động. Ứng dụng iSmartKeeper nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Sở Giáo dục Seoul và cơ quan này kêu gọi mở rộng chương trình đến nhiều trường học khác trong cả nước.

Han Gyu-sang - giáo sư Đại học Giáo dục Quốc gia Gonju và là một trong những người thiết kế iSmartKeeper - phát biểu với báo Korea Joongang Daily: "Sắp tới, 600 trường học trên cả nước sẽ triển khai sử dụng phần mềm iSmartKeeper. Hiện nay, khoảng 30.000 học sinh đã phải đăng ký với hệ thống kiểm soát này". Dĩ nhiên, nhà trường cũng phải tranh thủ sự đồng ý của phụ huynh trước khi sử dụng phần mềm trong các lớp học.

Hiện tại ứng dụng iSmartKeeper chỉ có hiệu lực đối với smartphone chạy hệ điều hành Android, nhưng giáo sư Han Gyu-sang tiết lộ, một phiên bản dành cho điện thoại iPhone sắp hoàn thành và chẳng bao lâu nữa sẽ được triển khai đến các trường học.

Ứng dụng iSmartKeeper cũng có thể có ích cho bậc cha mẹ muốn kiểm soát thời gian sử dụng smartphone của con em mình khi ở nhà

Theo Duy Minh

Theo Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.