Hạn chế lập 'doanh nghiệp ma' bằng chế tài ràng buộc

Một vụ nhập lậu đồng phế liệu và kim loại nhôm nhưng được doanh nghiệp khai là vải vụn
Một vụ nhập lậu đồng phế liệu và kim loại nhôm nhưng được doanh nghiệp khai là vải vụn
TPO - Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, Bộ Tài chính đề nghị cần bổ sung chế tài ràng buộc, yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ thuế còn nợ trước khi đăng ký pháp nhân mới.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (DN).

Theo bộ này, năm 2019, toàn quốc có hơn 77 nghìn DN chấm dứt hoạt động. Trong đó, số lượng DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký gần 50 nghìn, chiếm tỷ trọng 64,61%.

Các DN này thường vi phạm không khai thuế, không quyết toán thuế, không quyết toán hóa đơn, còn nợ thuế, DN “ma” ra đời mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế; DN ảo nhưng buôn lậu thật.

Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, sau khi cơ quan thuế ban hành thông báo DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, các DN này lại làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký DN tại cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm ngừng hoạt động; hoặc cá nhân là đại diện pháp luật của DN này tiếp tục thành lập DN mới. Dù có hậu kiểm nhưng khi phát hiện thì hậu quả đã xảy ra, không xử lý được.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung cơ chế tại dự thảo Nghị định này để cơ quan đăng ký kinh doanh có chế tài xử lý.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký DN, thay đổi thông tin, tạm ngừng kinh doanh của DN, “cơ quan đăng ký kinh doanh căn cứ thông tin về tình trạng pháp lý của DN là không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký yêu cầu DN báo cáo và xử lý theo quy định của Luật DN”.

Thực tế, hiện nay tỷ lệ DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng tăng. Vì vậy, cần bổ sung chế tài ràng buộc, hạn chế “quyền” đối với DN đã bị cơ quan thuế phát hành thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký phải thực hiện các nghĩa vụ thuế còn nợ trước khi thực hiện đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN.

Trường hợp này cần có ý kiến của cơ quan thuế thì DN mới được đăng ký thay đổi thông tin.

Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung một số thông tin bắt buộc của người đại diện và địa chỉ thư điện tử để cơ quan thuế làm căn cứ gửi thông tin, tài liệu sau khi hoàn thành việc đăng ký DN. Theo đó, cần bổ sung địa chỉ liên lạc của người đại diện theo pháp luật, số điện thoại của người đăng ký đại diện theo pháp luật, địa chỉ email của DN, địa chỉ trụ sở chính đầy đủ các thông tin về số nhà, ngõ/hẻm, thôn/xóm/ấp/tổ; phường/xã; quận/huyện; tỉnh/thành phố.

Việc bổ sung thông tin trên để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của DN, tránh trường hợp cơ quan chức năng trong quá trình quản lý DN không liên lạc được do không tìm thấy trụ sở, và người đại diện theo pháp luật lại bị xác định người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Bộ Tài chính lưu ý tình trạng lợi dụng danh nghĩa mã ngành “kinh doanh đặt cược”.

Theo bộ này, thời gian qua có trường hợp DN lợi dụng danh nghĩa được cơ quan quản lý nhà nước cấp mã ngành kinh doanh đặt cược khi đăng ký kinh doanh trong khi thực tế chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược để truyền thông, quảng bá nhằm kêu gọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài góp vốn, mua cổ phần.

Bộ Tài chính đề nghị đối với đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo chặt chẽ, trường hợp này DN chỉ được đăng ký ngành nghề, kinh doanh này sau khi được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có mục tiêu kinh doanh các ngành nghề này.

MỚI - NÓNG