Lằn ranh dám quyết, dám làm và sai phạm: Rủi ro trong 'phá rào' đổi mới

TP - Khi cơ chế chính sách còn những bất cập, chưa đồng bộ thì để đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội cần phải có những người đổi mới, đột phá, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Song quá trình đổi mới, đột phá đó cũng chứa đựng không ít những rủi ro mà những người đi tiên phong có thể phải gánh chịu.
Lằn ranh dám quyết, dám làm và sai phạm: Rủi ro trong 'phá rào' đổi mới ảnh 1

Dám mở cửa, đầu tư, ắt thành công - Dây chuyền sản xuất của Vin Smart. Ảnh: Như Ý.

Những cuộc “phá rào” mở đường đổi mới

“Khi tôi hỏi lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn, ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, xem họ cần gì, họ đã thẳng thắn và chân tình cho biết, biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế”, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói và cho biết, cộng đồng doanh nghiệp hết sức ủng hộ quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung mà Bộ Chính trị xem xét ban hành. Chủ trương này được kỳ vọng sẽ trao “tấm áo giáp sắt” cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu dám dũng cảm, dấn thân, dám đổi mới, sáng tạo, đột phá vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc.

Những gì mà ông Lộc nói không chỉ là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp mà còn là của tất cả mọi người trong xã hội. Quá trình xây dựng và phát triển của đất nước cho thấy, những quyết sách đổi mới luôn bắt đầu từ cơ sở, gắn với những con người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và chịu trách nhiệm.

Những năm 1960, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã thực hiện chủ trương khoán hộ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chủ trương này đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi diện mạo của nông thôn Vĩnh Phúc. Song chủ trương này lại cũng từng bị coi là không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa của Trung ương và được coi là một sự “vượt rào”, vi phạm nghiêm trọng đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp thời bấy giờ.

“Nếu cơ quan, đơn vị, người giải quyết tố cáo có tinh thần đổi mới, nhìn về lợi ích chung thì có thể người đổi mới không bị xử lý. Song nếu họ cứng nhắc, một chiều, xem xét không thấu đáo thì có thể người đó bị xử lý, bị kỷ luật”, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương 

Trong cuốn “phá rào” trong kinh tế vào đêm trước đổi mới, cố giáo sư Đặng Phong kể, trước năm 1986 đã có một số mũi đột phá táo bạo trong kinh tế, mà thời đó thường gọi là “phá rào”. Kết quả của những cuộc “phá rào” đó đã dội vào tư duy kinh tế của nhiều nhà lãnh đạo, làm cho họ từng bước nhận thấy cần và có thể chọn một hướng đi khác trước... Tiêu biểu là những trường hợp: “Khoán chui” ở Hải Phòng năm 1980; khoán ở Xí nghiệp Đánh cá Côn Đảo, Vũng Tàu; khoán ở Công ty Xe khách miền Đông Nam Bộ; thu mua lương thực ở Công ty Kinh doanh Lương thực thành phố Hồ Chí Minh; phá giá thu mua lúa ở An Giang; áp dụng cơ chế giá thị trường ở Long An...”.

Những cuộc phá rào trên không những đã giải quyết được một phần những khó khăn ách tắc ở cơ sở, mà còn hỗ trợ cho những cách suy nghĩ mới: Tìm cách giải phóng cho sức sản xuất, giải tỏa cho lưu thông.

Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thời kỳ đó nếu không có những cuộc phá rào thì đất nước còn chìm đắm trong khủng hoảng về kinh tế. Sự phá rào đó đã mở ra đường lối đổi mới và đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới. “Trước khi có khoán 10, vẫn là cánh đồng đó, thửa ruộng đó, con người đó, song nông dân năm nào cũng “đói”. Nhưng chỉ cần đột phá bằng cơ chế khoán 10 thì sau vài năm, nước ta đã lọt vào tốp đầu về xuất khẩu gạo. Điều đó cho thấy, đổi mới, đột phá về cơ chế có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Trọng dụng, bảo vệ người đổi mới?

Là một trong những tác giả của đề án chống lạm phát ở giai đoạn 1989- 1990, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho biết, để thuyết phục mọi người ủng hộ sự đổi mới không bao giờ là dễ dàng. Ông Lược kể, đề án chống lạm phát mà ông đề ra lúc đầu cũng bị nhiều người phản đối. Song nhờ nhận được sự ủng hộ và quyết tâm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười nên đã được thí điểm và thành công.

Tương tự, đề xuất của ông cho dân tự do đưa hàng hóa vào thành phố bán của ông Lược, sau khi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười cho áp dụng thí điểm Hà Nội đã giúp cho thành phố tràn ngập hàng hóa, các cửa hàng mậu dịch không còn cảnh xếp hàng. Sau Tết Nguyên đán 1989, chính sách này được triển khai trên toàn quốc. Nhờ đó, hệ thống tem phiếu lạc hậu cũng được bỏ. “Điều quan trọng là người lãnh đạo phải biết lắng nghe và ủng hộ tinh thần đổi mới”, ông Lược nói.

Từng có nhiều năm công tác ở Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng thừa nhận, những người đi đầu trong phá rào, thực hiện đổi mới luôn đối diện với những rủi ro nhất định. Bởi cán bộ, đảng viên luôn phải chấp hành, thực hiện theo các nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong khi phá rào, đổi mới, tức là làm khác đi, làm những gì mà quy định chưa có. Trong khi đó, những người có tư tưởng bảo thủ lại luôn e dè, e ngại trước những cái mới, chưa kể người đổi mới còn phải đối diện với đơn thư, tố cáo làm trái các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

“Nếu cơ quan, đơn vị, người giải quyết tố cáo có tinh thần đổi mới, nhìn về lợi ích chung thì có thể người đổi mới không bị xử lý. Song nếu họ cứng nhắc, một chiều, xem xét không thấu đáo thì có thể người đó bị xử lý, bị kỷ luật”, ông Sửu nói và dẫn chứng, đổi mới cơ chế khoán ở Kiến An (Hải Phòng) có kết quả rất tốt. Song lúc đầu do lo sợ cấp trên biết nên địa phương cứ âm thầm đổi mới trong bí mật.

Về sau, ông Đoàn Duy Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng (Sau này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) xuống kiểm tra, phát hiện ra, nhưng thấy đổi mới đó là đúng nên ông đã đồng ý cho tiếp tục làm. Từ đó, mới có đổi mới trong nông nghiệp. “Cái mới thì phải xem xét nghiêm túc, đánh giá khách quan, nếu thấy đúng thì khuyến khích, còn thấy có điều này, điều kia chệch choạc thì uốn nắn cho phù hợp. Nếu thấy mới, thấy khác là sợ rồi tìm cách xử lý thì đổi mới gì nữa”, ông Sửu nói.

Tuy nhiên, ông Sửu cho rằng cần phải tách bạch giữa tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với việc lợi dụng “mác đổi mới” để đánh bóng tên tuổi, phục vụ cho lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Theo ông, những người đổi mới thực sự là những người không sợ va chạm, dám nghĩ, dám làm. Những người như thế thì cần có cơ chế để bảo vệ họ trước những rủi ro về cơ chế. “Đổi mới bỏ cách làm cũ nên trong quá trình thực hiện có thể đúng hoặc chưa đúng, đúng nhiều hoặc đúng ít. Quan trọng là cấp trên phải tinh tường, đánh giá khách quan, chuẩn xác. Nếu thấy chưa ngã ngũ thì cần cho thử nghiệm, thí điểm để kết luận”, ông Sửu nói.

Ông Sửu nhấn mạnh rằng, trước cái mới cần phải xem xét thật kỹ lưỡng. Nếu thấy đúng thì phát triển, nếu sai thì cũng là bình thường và rút kinh nghiệm. “Khi cơ chế chính sách còn những bất cập, chưa đồng bộ thì để đáp ứng được yêu cầu của xã hội cần phải có những người đột phá, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Nếu ai cũng ngại, cũng sợ trách nhiệm thì sao tạo ra sự thay đổi được”, ông Sửu nói.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.