Ông Phạm Định Phong - Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (bên phải) trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn cho Sở VH&TT tỉnh Bình Định. Ảnh: Trương Định. |
Theo bảo tàng Bình Định, hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỷ XI, phát hiện năm 1992 tại thôn Bả Canh gần tháp Cánh Tiên trong khu vực thành Đồ Bàn, thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay là thị xã An Nhơn).
Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là tác phẩm điêu khắc Chămpa, hình tượng sư tử trong tư thế nửa nằm, nửa đứng là hình tượng duy nhất được biết cho đến hiện nay, một hình tượng điêu khắc độc nhất trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc tượng sư tử của Chămpa.
Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận Bảo vật Quốc gia. Ảnh: Trương Định. |
Trong truyền thuyết của Hindu giáo, sư tử là một trong những kiếp hóa thân của thần Vishnu - một trong ba vị thần tối thượng của Ấn Độ giáo. Sư tử là vật linh có chiến công giết quỷ dữ Hiranyakasipy và sùng bái thần Brahma nên được thần Vishnu ban cho phép trường sinh.
Hai tượng sư tử thường thể hiện theo cặp đối xứng đặt hai bên cửa ra vào đền, tháp Chămpa.
Các họa tiết điêu khắc trên hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn. Ảnh: Trương Định. |
Bình Định từng là vùng đất kinh đô của vương quốc Chămpa với hệ thống di tích tháp Chăm dày đặc (hiện còn 8 cụm tháp Chăm), chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc độc đáo.
Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh cho hay trong gần 5 thế kỷ là kinh đô của vương quốc Chămpa (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV), vương triều Vijaya đã để lại những di sản văn hóa vật thể vô giá, bao gồm hệ thống đền tháp, thành quách, khu lò gốm cổ in dấu ngàn năm.
Đặc biệt là quần thể kiến trúc, tín ngưỡng gồm 8 cụm và 14 tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn. Cùng với hệ thống tháp Chăm, thời kỳ vàng son của vương quốc Chămpa cũng đã để lại trên đất Bình Định hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật điêu khắc vô giá.
Tháp Đôi gần nghìn năm tuổi tọa lạc ở TP. Quy Nhơn. Ảnh: Trương Định |
Theo ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - đến nay tỉnh có 150 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia và 114 di tích cấp tỉnh cùng với hàng nghìn cổ vật đang được bảo tàng tỉnh, bảo tàng Quang Trung và các tổ chức, cá nhân lưu giữ.
Đặc biệt, tỉnh Bình Định hiện có 13 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá thời kỳ Chămpa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.