Hải quân Trung Quốc sẽ dựng căn cứ ở Campuchia?

Căn cứ Hải quân Ream
Căn cứ Hải quân Ream
TPO - Đầu tháng này, Mỹ đã tuyên bố thất vọng về việc Campuchia phá bỏ một tòa nhà do Mỹ tài trợ được sử dụng cho chương trình an ninh hàng hải, nhưng Washington cũng bày tỏ lo ngại nghiêm trọng rằng các hành động của Campuchia có thể liên quan đến việc chuyển đổi cơ sở để Hải quân Quân Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLAN) sử dụng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giới chức Trung Quốc và Campuchia chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin trên.

Trước đó, tạp chí National Interest của Mỹ viết rằng Phnom Penh đã duy trì những gì được mô tả là “mối quan hệ ấm cúng” với Bắc Kinh trong nhiều năm, nhưng chỉ đến năm ngoái, cuộc tranh cãi về Căn cứ Hải quân Ream trên Vịnh Thái Lan càng trở nên gay gắt khi có thông tin cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thuê căn cứ trong 30 năm. Điều đó có nghĩa là họ sẽ cử đến các nhân viên quân sự, bố trí kho vũ khí và nơi neo đậu tàu chiến.

 Căn cứ nói trên, do Hải quân Hoàng gia Campuchia điều hành ở tỉnh Sihanoukville, Campuchia, có diện tích khoảng 76ha. Kể từ năm 2010, đây là nơi diễn ra các cuộc tập trận hải quân và huấn luyện chung hàng năm giữa Campuchia-Mỹ trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Sẵn sàng và Huấn luyện (CARAT).

 Chad Roedemeier, sỹ quan thông tin thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia ở Phnom Penh, nói qua một tuyên cáo: “Chúng tôi rất thất vọng khi các nhà chức trách quân sự Campuchia đã phá hủy một cơ sở an ninh hàng hải mới có bảy năm tuổi và là một biểu hiện của mối quan hệ Mỹ-Campuchia. Ông Roedemeier nói thêm: “Sự hiện diện quân sự như vậy (ý nói Trung Quốc) sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ song phương Mỹ-Campuchia, đồng thời gây rối và gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

 Theo một báo cáo từ Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), việc phá dỡ cơ sở do Mỹ xây dựng xảy ra vào khoảng sau ngày 5 tháng 9 và có khả năng là vào khoảng ngày 10 tháng 9. Tòa nhà bị phá dỡ là một trong số những công trình sẽ được di dời theo thỏa thuận của Phnom Penh với Bắc Kinh, cho phép Trung Quốc tiếp cận Ream.

 Tòa nhà được cho là Trụ sở Chiến thuật của Ủy ban Quốc gia về An ninh Hàng hải, chính thức được khánh thành vào năm 2012. Nó được Mỹ cải tạo và xây dựng và Úc trang bị.

 Những nỗ lực của PLAN nhằm thiết lập sự hiện diện tại Ream dường như đang diễn ra theo kế hoạch. Những vùng đất rộng lớn xung quanh căn cứ đã được các công ty Trung Quốc thuê, bao gồm cả những công ty có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. Mặc dù chính thức được cho thuê để phát triển thương mại, bao gồm cả việc xây dựng các cơ sở nghỉ dưỡng, nhưng vẫn chưa rõ liệu khu đất này có được PLAN sử dụng vào một số mục đích khác hay chỉ để che chắn căn cứ bằng một các bất động sản do Trung Quốc quản lý.

 Bên cạnh đó, đã có những nỗ lực được tiến hành để thu hồi đất khoảng ba dặm về phía bắc của căn cứ và cho đến nay khoảng 40ha của một bãi rác mới đã được tạo ra mà chưa rõ mục đích.

 Sự hiện diện của một căn cứ ở Campuchia trên Vịnh Thái Lan sẽ cung cấp cho PLAN một bàn đạp mới trên Biển Đông nhưng cũng cải thiện khả năng ứng phó với bất kỳ cuộc xung đột nào gần eo biển chiến lược Malacca, nơi ước tính khoảng 80% nhập khẩu nhiên liệu của Trung Quốc đi qua.

 Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nói rằng trong khi các cơ sở cảng mới sẽ do Trung Quốc tài trợ, các bến cảng sẽ mở cửa cho tất cả mọi người.

 “Nếu một tàu hải quân nước ngoài có thể ghé thăm cảng ở đây thì các tàu từ các nước khác cũng có thể làm điều tương tự,” ông được trích lời trên The Diplomat. “Chúng tôi có thể cho phép tàu từ nhiều quốc gia cập cảng hàng hóa, nhưng Căn cứ Hải quân Ream là cảng quân sự nên cần phải xin phép. Chúng tôi hoan nghênh các tàu từ bất kỳ quốc gia nào không chỉ riêng tàu Trung Quốc cập cảng, tiếp nhiên liệu hoặc tổ chức các cuộc tập trận chung với Campuchia ”.

MỚI - NÓNG