Hải quân Mỹ lo bị các nước 'vượt mặt'

Tàu sân bay hạt nhân George H.W.Bush của Mỹ (Ảnh: AP).
Tàu sân bay hạt nhân George H.W.Bush của Mỹ (Ảnh: AP).
Hàng thập kỷ qua, Mỹ luôn là quốc gia sở hữu hạm đội hải quân lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới, với đông đảo tàu chiến và tàu sân bay đóng tại nhiều vị trí chiến lược trên toàn cầu nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các đối thủ như Nga và Trung Quốc cũng đang mở rộng năng lực hải quân của mình,  giới chức Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về sự thống trị của Mỹ trên các đại dương có thể chấm dứt, nếu các nhà lập pháp Mỹ không bổ sung một lượng tàu đáng kể để đưa quy mô hạm đội hải quân nước này tiệm cận gần hơn các mức lịch sử.

Một số cựu quan chức quân sự và chuyên gia quốc phòng Mỹ thì cho rằng, đánh giá quy mô hiện tại của hạm đội hải quân Mỹ so với quá khứ là sự so sánh chưa phản ánh hết một khía cạnh còn rộng hơn: đó là đảm bảo Hải quân Mỹ có thể thực thi các mục tiêu chiến lược, vốn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực công nghệ và triển khai các lực lượng. Trong khi nhiều nhà phân tích đánh giá, Hải quân Mỹ cần tiếp tục phát triển, số khác thì cho rằng nó đã phát triển đủ tầm và khó có thể mở rộng hơn nữa.

Quan điểm tiếp tục mở rộng quy mô Hải quân Mỹ đã thu hút sự quan tâm của nhiều quan chức nghị sỹ Đảng Cộng hòa. Thượng nghị sỹ Marco Rubio đến từ Florida, cảnh báo rằng: “Quy mô Hải quân Mỹ hiện nhỏ hơn rất nhiều so với giai đoạn trước Chiến tranh thế giới thứ Nhất”.

Thống đốc bang Wisconsin, Scott Walker hồi tháng 4 vừa qua cũng so sánh số lượng tàu Mỹ đang hoạt động hiện nay thậm chí ít hơn một nửa so với Hải quân Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan.

Hải quân Mỹ hiện có khoảng 273 tàu trong biên chế, con số nhỏ nhất kể từ năm 1916, trong khi số tàu biên chế dưới thời thời Tổng thống George W. Bush năm 2006 là 281 tàu. Tuy nhiên, một số cựu quan chức quân sự cho rằng, so sánh Hải quân năm 1917 và hiện nay cũng giống như so sánh một quả táo và một quả cam, bởi lẽ Hải quân hiện đại Mỹ sở hữu tới 10 tàu sân bay, nhiều hơn tất cả thế giới cộng lại, đồng thời có tới 90 tàu đổ bộ và 72 tàu ngầm.

Bên cạnh đó, các tàu chiến hiện nay sở hữu năng lực phong phú và đa dạng hơn rất nhiều so với 100 năm trước đây, như hệ thống radar và tên lửa tối tân hơn.  Không so sánh số lượng tàu chiến, chuyên gia Peter Singer đến từ New America Foundation cho rằng, yếu tố cần được cân nhắc chính là chiến lược và tương lai của hải quân Mỹ hiện nay, từ việc sẽ sử dụng loại tàu nào cho đến khả năng triển khai lực lượng tại các vùng biển quốc tế, cũng như xây dựng mạng lưới với các đồng minh.

Cân bằng năng lực sẵn sàng chiến đấu trong bối cảnh phải đứng trước các thách thức tài chính do ngân sách quốc phòng bị cắt giảm là một thực tế đầy khó khăn với Hải quân Mỹ. Dù nắm lợi thế công nghệ so với các đối thủ, cùng khả năng triển khai lực lượng tại các điểm nóng trên thế giới nhờ những căn cứ chiến lược như Guam, Nhật Bản hay Tây Ban Nha, các quan chức Hải quân Mỹ cho rằng họ cần thêm tàu để có thể đáp ứng một cách hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ được giao.

“Một lực lượng Hải quân nhỏ hơn, do ngân sách quốc phòng bị cắt giảm sẽ đặt chúng ta đứng trước những lựa chọn khó khăn”, báo cáo của Hải quân Mỹ trình lên Quốc hội nước này hồi tháng Ba từng khẳng định như vậy. Hải quân Mỹ sẽ đối mặt với cấp độ rủi ro gia tăng đối với một số nhiệm vụ và chức năng, đồng thời giảm sút sự hiện diện tại một số khu vực địa chiến lược. Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng cũng hạn chế lợi thế chiến đấu của lực lượng hải quân.

Với kế hoạch đưa khoảng 60% tàu và máy bay trong biên chế tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong chiến dịch xoay trục của Mỹ, hải quân Mỹ cần bổ sung khoảng 30 tàu, trong đó có một tàu sân bay và vài tàu đổ bộ, để duy trì sự hiện diện ổn định trên các khu vực. Điều này sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả của lực lượng Hải quân, trong khi giảm tối thiểu chi phí bảo trì và giúp giảm thời gian cho mỗi đợt triển khai quân.

Một số nghị sỹ Đảng Cộng hòa khác thì lên tiếng kêu gọi Mỹ phải tái xây dựng và tái hiện đại hóa lực lượng Hải quân bằng cách nâng số tàu lên khoảng 350, một dự án có thể khiến Mỹ tiêu tốn hàng trăm tỷ USD. Họ cho rằng, Mỹ không thể bỏ qua những góc quan trọng trên thế giới như Tây Thái Bình Dương hay Vịnh Ba Tư, hoặc Mỹ sẽ bị Trung Quốc qua mặt về quy mô hải quân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với ý kiến Hải quân Mỹ cần thêm tàu chiến, bởi lẽ tiềm lực chiến đấu của lực lượng hải quân nước này hiện nay mạnh hơn 10 lần sao với hải quân thế giới cộng lại, theo đánh giá của một nhà phân tích chiến lược quân sự cho Reuters và tạp chí The Atlantic. Vì thế, theo chuyên gia này, quan điểm cho rằng Hải quân Mỹ yếu đi vì số lượng tinh giảm là hoàn toàn vô nghĩa.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG