Hải quân Mỹ có tên lửa chống hạm tàng hình, thách thức Trung Quốc

Hải quân Mỹ nay đã quay lại chú trọng năng lực chống hạm
Hải quân Mỹ nay đã quay lại chú trọng năng lực chống hạm
TPO - Hải quân Mỹ vừa công bố năng lực của tên lửa chống hạm tầm xa mới trang bị cho các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet. 

Đây là tên lửa chống hạm mới đầu tiên của hải quân Mỹ trong nhiều thập kỷ, được thiết kế để xâm nhập các lớp phòng thủ của đối phương để tấn công tàu địch. Bộ đôi tiêm kích FA-18E/F Super Hornet và tên lửa LRASM sẽ mang lại cho cụm tàu sân bay nâng lực chống hạm đầy uy lực, có thể đánh chìm tàu địch từ khoảng cách hàng trăm dặm.

Theo U.S. Naval Institute News, hải quân Mỹ đã phê chuẩn việc sử dụng tên lửa chống hạm mới cho một số nhiệm vụ cùng tiêm kích Super Hornet.  Tiêm kích này có thể mang theo ít nhất là một quả tên lửa LRASM và nhiều khả năng là hai quả.

Về lý thuyết, điều này có nghĩa là một phi đội trên tàu sân bay với 44 chiếc tiêm kích F/A-18E và F/A-18F có thể phóng đi 88 tên lửa về phía quân địch, cho dù sẽ hiếm thấy khi nào toàn bộ máy bay trên tàu sân bay xuất kích cùng lúc.

LRASM chính là tên lửa bổ sung chỗ đang khuyết thiếu của hải quân Mỹ. Đó là thiếu năng lực đánh chìm tàu địch. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, hải quân Mỹ không có đối thủ và những đội hải quân xếp ngay sau về sức mạnh cũng vẫn là đồng minh của Mỹ. Sau sự kiện 11/9/2001, hải quân Mỹ chuyển qua nhiệm vụ chính là hỗ trợ các cuộc chiến trên mặt đất ở những nơi như Afghanistan và Iraq, và các nhiệm vụ chống hạm bị quên lãng.

Nhưng sự nổi lên của hải quân Trung Quốc và những căng thẳng gia tăng giữa Nga và NATO đã khiến năng lực chống hạm trở lại với tầm quan trọng hàng đầu trong các nhiệm vụ của hải quân Mỹ.

LRASM là một biến thể của tên lửa JASSM của không quân Mỹ. Nó là một tên lửa hành trình bộc lộ thấp (tàng hình) sử dụng động cơ turbo phản lực, trở thành tên lửa chống hạm với một đầu đạn 453kg. LRASM có khả năng xâm nhập các hệ thống phòng thủ của đối phương, bay lòng vòng quanh các radar phòng không của địch và tấn công theo cách ít bị đánh chặn nhất.

Một khi LRASM định vị được đội tàu địch, nó có thể chọn ra một mục tiêu và tấn công, ví dụ như tàu đi ở giữa, thậm chí là tấn công vào một số khu vực nhất định của tàu địch, ví dụ kho tên lửa của tàu. Tuy tốc độ của tên lửa chậm, nhưng bù lại, nó có tầm bắn lớn và có khả năng tàng hình. Mặc dù vậy, tầm bắn chính xác của tên lửa LRASM chưa được hải quân Mỹ tiết lộ.

MỚI - NÓNG