Hai 'ông lớn' của Bộ Xây dựng kiểm điểm sau kết luận của cơ quan kiểm toán

Lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội) được chủ trương chuyển nhượng nhưng VICEM chưa hoàn thành thủ tục.
Lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội) được chủ trương chuyển nhượng nhưng VICEM chưa hoàn thành thủ tục.
TPO - Đại diện Bộ Xây dựng cho hay, hai doanh nghiệp lớn thuộc Bộ Xây dựng là Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Xi măng (VICEM) đã thực hiện các nội dung kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước như xử lý hành chính, thu hồi và kiểm điểm.

Tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Phúc Hưởng - Phó vụ trưởng vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) đã thông tin liên quan đến các kết luận kiểm toán đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ. 

Theo ông Hưởng, trong 2019, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán một số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng trong đó có HUD, VICEM. Riêng Tổng công ty Xi măng (VICEM) có 2 cuộc kiểm toán, trong đó liên quan đến xử lý tài sản nhà nước năm 2018 và một cuộc kiểm toán kết quả tư vấn định giá giá trị doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa.

“Đến thời điểm hiện tại, hai tổng công ty này đã thực hiện toàn bộ các nội dung kiến nghị, yêu cầu xử lý hành chính của kết luận kiểm toán. Xử lý thu hồi, kiểm điểm cũng đã hoàn tất”, ông Hưởng nói.

Ngoài ra, theo ông Hưởng, tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa của VICEM. Theo quy định của pháp luật, sau khi tư vấn thẩm định giá xong, Bộ Xây dựng cử cơ quan chủ quản kiểm tra kết quả do tư vấn định giá đã chính xác hay chưa.

“Đây là một trong những bước theo quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của Kiểm toán nhà nước để hoàn thiện lại quyết định giá trị doanh nghiệp trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Do vậy, toàn bộ nội dung Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là một phần nội dung Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, hoàn thiện, điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp. Một số nội dung khác kiểm toán chỉ ra được, chúng ta cũng rà soát chặt chẽ hơn đúng quy định pháp luật. Đây là điều tốt trong bước cổ phần hóa, giúp Bộ hoàn thiện cổ phần hóa trong thời gian tới”, ông Hưởng lý giải.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước gửi đến Bộ Xây dựng báo cáo về kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của VICEM.

Trong đó, cơ quan kiểm toán đưa ra 2 phương pháp tính vốn nhà nước tại tổng công ty này, đều cho thấy giá trị tăng so với kết quả định giá của Cty TNHH hãng kiểm toán AASC.

Cụ thể, nếu theo phương pháp tài sản của KTNN, giá trị vốn nhà nước của Vicem tại tháng 10/2018 vào khoảng 27.803 tỷ đồng - tăng khoảng 1.169 tỷ đồng so với kết quả của đơn vị tư vấn định giá. Nếu xác định theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, KTNN cho rằng tổng giá trị vốn nhà nước tại Vicem đạt 25.127 tỷ đồng, tăng khoảng 1.747 tỷ đồng.

KTNN chỉ ra trong phương pháp xác định giá trị vốn Nhà nước tại VICEM trước khi doanh nghiệp cổ phần hóa tính toán thiếu giá trị quyền khai thác khoáng sản của một số công ty con trực thuộc VICEM.

Bên cạnh đó, việc xác định giá trị tài sản phi hoạt động là các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty chưa niêm yết gồm Cty Xi măng Chinfon, Cty TNHH Siam City Cement Việt Nam và Cty Xi măng Nghi Sơn. Đơn vị tư vấn mới chỉ căn cứ giá trị sổ sách, chưa đảm bảo theo giá trị thị trường. Kiểm toán nêu ví dụ khoản đầu tư vào Siam City Việt Nam do đơn vị này ước tính khoảng 3.660 tỷ đồng, trong khi đó, đơn vị tư vấn định giá chỉ khoảng 1.238 tỷ đồng, thấp hơn hai phần ba kết quả của kiểm toán. Việc tính toán giá trị đất đai của Vicem tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, theo cơ quan kiểm toán cũng chưa đầy đủ.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra việc đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất tại VICEM đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 3 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc/và chưa được phê duyệt lại.

Cụ thể, đối với lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Tổng công ty thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt…

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.